Giao Thủy phát triển kinh tế biển bền vững
Xác định kinh tế biển là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, Huyện ủy Giao Thủy (Nam Ðịnh) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề "Ðẩy mạnh phát triển kinh tế biển giai đoạn 2011- 2015", UBND huyện Giao Thủy xây dựng Ðề án phát triển thủy sản bền vững giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020. Qua bốn năm (2011-2014) triển khai thực hiện, huyện Giao Thủy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên lĩnh vực này.
Lấy nuôi trồng thủy sản làm mũi đột phá
Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy và Ðề án của UBND huyện, Giao Thủy đã tập trung vốn, nhân lực, tiếp thu công nghệ mới để mở rộng và sử dụng có hiệu quả diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo hướng giữ vững diện tích nuôi hiện có, tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa và sản xuất muối kém hiệu quả sang NTTS bán công nghiệp, công nghiệp và cao sản; cải tạo hệ thống thủy lợi để nâng dần năng suất ở các vùng nuôi sinh thái; giải quyết đồng bộ về sản xuất và nhập giống, thức ăn công nghiệp, phòng trừ dịch bệnh; mở rộng các đối tượng nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như cua biển, cá bớp, ngao, tôm sú, tôm thẻ chân trắng; trong đó lấy con ngao làm chủ lực. Kết quả, đến năm 2014, toàn huyện đã quy hoạch và đưa 5.241 ha bãi bồi ven biển vào NTTS; trong đó diện tích nuôi ngao chiếm gần 30%.
Nghề nuôi ngao được “khơi nguồn” và phát triển mạnh ở xã Giao Xuân. Hiện ở xã có gần 700 hộ dân nuôi ngao, với diện tích khoảng 400 ha; năng suất ổn định khoảng 60 tấn/ha/năm và giá trị thu nhập gấp hàng chục lần so với trồng lúa. Theo thời giá hiện nay (10 nghìn đồng/kg, bán tại bãi), số tiền thu được từ nghề nuôi ngao ở Giao Xuân không nhỏ. Gia đình anh Phạm Văn Năm (xóm Xuân Tiên) nhận 5 ha bãi bồi, cải tạo thành khu nuôi ngao. Từ nhiều năm nay, bãi nuôi ngao của gia đình anh Năm cho thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động trong khu vực.
Từ những mô hình nuôi ngao khá thành công ở Giao Xuân, UBND huyện Giao Thủy đã xây dựng vùng nuôi ngao chung cho cả huyện, tập trung ở bốn xã: Giao Xuân, Giao Long, Giao Hải và Giao Lạc. Hiệu quả của nghề nuôi ngao trong những năm qua cho thấy đây là chủ trương đúng, trúng và tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội ở những xã vùng chân sóng vốn còn nhiều khó khăn. Giao Thủy đã có vùng nuôi ngao chiếm gần 30% diện tích NTTS mặn lợ, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 3.000 lao động thường xuyên và hàng chục nghìn lao động thời vụ. Sản phẩm ngao Giao Thủy chiếm hơn 44% sản lượng ngao thương phẩm của các tỉnh ven biển phía bắc. Các hộ nuôi ngao ở Giao Thủy đang chuyển từ làm ăn riêng lẻ sang hợp tác theo nhóm từ ba đến năm hộ, nhằm hỗ trợ nhau về tài chính, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, áp dụng chung quy tắc sản xuất an toàn, hỗ trợ nhau nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng.
Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện còn chuyển đổi hơn 83 ha sản xuất muối kém hiệu quả ở xã Giao Phong, thị trấn Quất Lâm và 32 ha vùng nuôi quảng canh ở xã Giao Thiện sang nuôi tôm thẻ chân trắng theo phương thức nuôi bán công nghiệp, công nghiệp và cao sản đạt hiệu quả kinh tế cao, năng suất bình quân khoảng 10 tấn/ha/năm. Ðiển hình là gia đình ông Cao Văn Ba, ở xã Giao Phong, hiện có 6 ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo phương thức nuôi cao sản, năng suất từ 25 tấn đến 30 tấn/ha/năm, thu lãi gần mười tỷ đồng mỗi năm. Ở xã Giao Phong hiện có 145 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, trong đó có hơn 26 ha chuyển đổi từ diện tích sản xuất muối kém hiệu quả sang và đã tổ chức nuôi theo phương thức công nghiệp được 83,5 ha. Nếu “mưa thuận, gió hòa”, thì 145 ha nuôi tôm này thu lãi khoảng 60 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, việc trồng lúa và cây rau màu vốn là thế mạnh ở Giao Phong cũng chỉ là “lấy công làm lãi”.
Về NTTS nước ngọt cũng phát triển mạnh, toàn huyện có 1.151 ha bao gồm 710 ha mặt nước hồ, ao trong dân cư, 441 ha chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang NTTS. Hầu hết các chủ trang trại, hộ nuôi đều mạnh dạn đầu tư vốn để cải tạo ao nuôi chuyển sang nuôi thả những con nuôi có giá trị kinh tế cao như ếch, lươn, cá chuối ta, cá rô đồng, cá chim trắng; năng suất đạt từ ba đến năm tấn/ha/năm, cho thu nhập vài, ba trăm triệu đồng mỗi năm.
Ðể kinh tế biển phát triển bền vững
Từ năm 2005, UBND huyện Giao Thủy đã ủy quyền và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp Cửu Dung (của gia đình anh Nguyễn Văn Cửu ở xã Giao Xuân) xây dựng thương hiệu “Ngao Giao Thủy”. Theo đó, Hội Nuôi nhuyễn thể huyện Giao Thủy được thành lập với hơn 100 hộ nuôi ngao tham gia, nhằm tăng cường mối liên kết giữa các hộ nuôi, cam kết thực hiện đúng quy trình sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ gìn vệ sinh bãi nuôi thả… Các hộ nuôi ngao ở Giao Thủy còn được Trung tâm Chất lượng nông – lâm – thủy sản vùng 1 tư vấn kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, vệ sinh môi trường vùng nuôi. Sau hơn ba năm kiên trì thực hiện với nhiều thủ tục cần thiết, sản phẩm ngao của địa phương này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền, xuất xứ hàng hóa cho thương hiệu “Ngao Giao Thủy”. Liên tục từ năm 2004 đến nay, “vùng nuôi ngao Giao Thủy” là địa bàn duy nhất ở các tỉnh ven biển phía bắc đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; sản phẩm được công nhận là thực phẩm an toàn cấp độ B, đủ tiêu chuẩn, chất lượng để xuất khẩu vào thị trường EU. Trong sáu năm trở lại đây, Giao Thủy đã xuất khẩu khoảng 5.000 tấn ngao thương phẩm/năm sang thị trường EU thông qua các nhà máy chế biến ngao ở một số tỉnh phía nam. Doanh nghiệp Cửu Dung vừa được trao giải thưởng “Doanh nhân vì chất lượng cuộc sống”; sản phẩm ngao Giao Thủy được công nhận “Thương hiệu vàng thực phẩm Việt Nam”.
Mới đây, Công ty TNHH nuôi trồng và chế biến thủy sản Liên Phong đã hoàn thành Dự án xây dựng thương hiệu “Nước mắm cao đạm Sa Châu”, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận bản quyền, tạo bước phát triển mới cho làng nghề Sa Châu, xã Giao Châu.
Về khâu giống, từ năm 2003, doanh nghiệp Cửu Dung đã tiến hành nghiên cứu, tổ chức việc sản xuất giống ngao nhằm chủ động nguồn giống trong quá trình nuôi thả loài hải sản này. Bởi theo Giám đốc Nguyễn Văn Cửu, “Nếu chỉ dựa vào nguồn giống khai thác tự nhiên và mua từ nơi khác về thì rất phập phù, có năm Giao Xuân phải bỏ trống bãi vì không có giống”. Sau nhiều năm bền bỉ thực hiện, với những thăng trầm, nhiều khi tưởng như trắng tay, đến năm 2011, doanh nghiệp Cửu Dung đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất ngao giống, xây dựng được cơ sở nuôi ngao chuyên nghiệp, khép kín chu trình sản xuất ngao “từ nguồn giống, ươm nuôi, khai thác, tiếp thị đến tiêu thụ”. Trong thời gian này, một số người được Giám đốc Nguyễn Văn Cửu hướng dẫn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm cũng đã thành công trong việc sản xuất ngao giống tại địa phương.
Ở Giao Thủy hiện có 43 trại, cơ sở sản xuất ngao giống và nhiều loại giống thủy sản mặn lợ khác, không chỉ thỏa mãn nhu cầu về giống để nuôi thả tại địa phương mà còn cung ứng cho nhiều địa phương trong khu vực. Công ty TNHH nuôi trồng và chế biến thủy sản Liên Phong còn sản xuất được giống cá bống bớp, tu hài và đang thử nghiệm sản xuất giống sò huyết.
Trong năm 2014, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng, triển khai thực hiện Ðề án bảo tồn và phát triển giống ngao dầu bản địa tại Vườn quốc gia Xuân Thủy với diện tích 600 ha, ở hai xã Giao Thiện và Giao An.
Trên lĩnh vực khai thác hải sản, chủ yếu vẫn là đánh bắt ven bờ, hiệu quả kinh tế thấp. Khắc phục tình trạng này, huyện có chủ trương giảm tàu công suất nhỏ, nâng tàu công suất lớn gắn với đổi mới kỹ thuật đánh bắt, công nghệ bảo quản sản phẩm; đồng thời tăng cường quản lý việc đánh bắt xa bờ bằng việc tổ chức các tổ, đội sản xuất trên biển. Tới đây, ngư dân Giao Thủy sẽ được hỗ trợ đóng mới mười tàu đánh cá xa bờ, một tàu hậu cần dịch vụ nghề cá công suất lớn và cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thủy lợi vùng nuôi tôm công nghiệp tại xã Giao Phong theo Nghị định 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ “Về một số chính sách phát triển thủy sản”, có tác động tích cực tới sự ổn định, bền vững của kinh tế biển của huyện nhà.
Trong bốn năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách thực hiện có hiệu quả Nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy “Ðẩy mạnh phát triển kinh tế biển giai đoạn 2011- 2015”. Giao Thủy trở thành huyện trọng điểm của tỉnh Nam Ðịnh về NTTS và sản xuất giống thủy sản; là đơn vị đi đầu và sản xuất ngao giống lớn nhất miền bắc. Ðể kinh tế biển phát triển bền vững trên cả ba lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Giao Thủy tiếp tục thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau.
Một là, xây dựng kế hoạch điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu khai thác, cải tiến ngư lưới, phương tiện máy móc nhằm tăng năng suất, tập trung vào những nghề khai thác những đối tượng có giá trị kinh tế cao.
Xúc tiến và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão và dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng yêu cầu sản xuất và công tác phòng, chống lụt bão.
Hai là, tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch NTTS; phân định, hoàn thiện các vùng nuôi bán công nghiệp, công nghiệp và cao sản, trên cơ sở áp dụng các công nghệ nuôi tiên tiến, hiện đại; tập trung vào một số con nuôi chủ lực ngao, tôm thẻ chân trắng.
Tăng cường quản lý nhà nước về con giống, thức ăn trong NTTS và thuốc thú y thủy sản trên địa bàn huyện; đẩy mạnh sản xuất giống tại địa phương để chủ động về nguồn giống, chủ yếu là tôm và ngao giống.
Ba là, tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, củng cố cơ sở vật chất kỹ thuật cho khâu bảo quản và chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Ðồng thời làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Theo hướng này, trang trại của ông Cao Văn Ba ở xã Giao Phong đã đầu tư xây dựng Phòng chuyển ứng dụng quy tắc thực hành nuôi tốt (GAP/CoC) để xây dựng vùng nuôi tôm bền vững, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho tất cả các cơ sở, hộ nuôi tôm ở xã Giao Phong và trên địa bàn toàn huyện.
Trong tương lai gần, doanh nghiệp Cửu Dung sẽ xây dựng nhà máy chế biến thủy sản nhằm giải quyết đầu ra của sản phẩm cho bà con ngư dân trong huyện, kinh tế biển ở Giao Thủy lại có thêm cơ hội để “cất cánh”, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong huyện, nhất là bà con ngư dân ở những xã vùng chân sóng vốn còn nhiều khó khăn.
Những con số ấn tượng
1-Tổng sản lượng thủy sản trong bốn năm (2011- 2014) ước đạt 34.216 tấn, tăng 1,5 lần so với giai đoạn trước, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 22.036 tấn, khai thác đạt 12.180 tấn.
Tổng diện tích nuôi trồng: 5.241 ha, chủ yếu là mặn lợ (4.090 ha); 780 phương tiện khai thác các loại.
2-Tổng sản lượng sản xuất thủy sản: 129.800 tấn, bao gồm khai thác: 44.800 tấn và nuôi trồng: 85.000 tấn.
3-Tổng giá trị sản xuất thủy sản đạt khoảng 784 tỷ đồng (nuôi trồng đạt hơn
523 tỷ đồng; khai thác đạt gần 235 tỷ đồng), tăng 1,75 lần so với giai đoạn trước.
4- Chế biến và dịch vụ: Nghề chế biến được duy trì và phát triển trong các hộ gia đình ở các làng nghề truyền thống, với những sản phẩm chủ yếu nước mắm, mắm tôm, tôm cá khô tập trung ở hai xã Giao Châu, Giao Yến và các xã ven biển. Nước mắm Sa Châu (Giao Châu) ngon nổi tiếng, được tiêu thụ trong cả nước.
Hiện có 43 trại, cơ sở sản xuất các loại giống thủy sản mặn, lợ cơ bản đáp ứng nhu cầu giống trong huyện và cung ứng cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh Nam Ðịnh.
Huyện Giao Thủy đã huy động hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn Nhà nước, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi – điện – đường phục vụ sản xuất thủy sản theo hướng bền vững. Ðồng thời có cơ chế ưu đãi khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào phát triển kinh tế biển ở địa phương; đã hoàn thành, đưa vào sản xuất đối với Dự án nuôi tôm công nghiệp Giao Thủy vùng Giao Phong – Bạch Long, Dự án nuôi thủy sản tổng hợp Giao Long; hiện đang triển khai thực hiện Dự án cải tạo hệ thống thủy lợi Cồn Ngạn, Dự án chuyển đổi của xã Giao Thịnh.
Các dự án về nuôi trồng thủy sản đã và đang triển khai thực hiện, từng bước hình thành các vùng chuyên canh, xen canh, nuôi tổng hợp, nuôi thủy sản nước ngọt tập trung với nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đưa Giao Thủy là huyện trọng điểm ở Nam Ðịnh về nuôi trồng thủy sản. Ðặc biệt với hệ thống sản xuất con giống đa loài, Giao Thủy trở thành đơn vị sản xuất giống mạnh nhất ở Nam Ðịnh, sản xuất giống ngao lớn nhất miền bắc.
Vườn quốc gia Xuân Thủy, có tổng diện tích khoảng 7.100 ha, gồm 3.100 ha đất nổi có rừng và 4.000 ha đất rừng ngập mặn. Hằng năm có khoảng 100 loài chim di cư về đây tránh đông; trong đó có tới 1/5 số lượng cò mỏ thìa trên thế giới. Tại vườn ước tính có hơn 200 loài chim nước sinh sống, nhiều loài gần như tuyệt chủng có tên trong Sách Ðỏ thế giới; khoảng 500 loài động vật dưới nước; 120 loài thực vật bậc cao, trong đó có nhiều loài rong tảo có giá trị kinh tế cao.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()