Giao thông xanh: ‘Chìa khóa’ giảm ô nhiễm môi trường
Chất lượng môi trường không khí đô thị xuống thấp, giao thông xanh được coi là “chìa khóa”, là giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề này.
Theo các chuyên gia môi trường, để cải thiện chất lượng không khí một cách bền vững, việc phát triển giao thông xanh là vô cùng cần thiết, nhằm hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường.
Bởi lẽ, giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén… Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió…chính là tham gia giao thông xanh, bảo đảm môi trường.
Hà Nội hướng đến mục tiêu giao thông xanh
Thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực, đẩy nhanh phát triển giao thông xanh. Có thể kể đến như việc phát triển hệ thống vận tải công cộng, thu hút người dân đến với tàu điện, xe buýt; thực hiện rà soát các phương tiện xe cá nhân phát thải cao; đưa xe buýt điện vào vận hành…
Đáng chú ý, mới đây, tập đoàn Vingroup không chỉ tham gia vào sản xuất xe ô tô điện mà còn phát triển hệ thống xe bus điện, với bước đầu chạy thí điểm tại các khu đô thị của tập đoàn. Nhiều người đã lên xe trải nghiệm, khám phá và bày tỏ sự thích thú với loại hình buýt mới mẻ này.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cho rằng, việc bổ sung xe điện hai bánh kết nối với xe buýt sẽ giúp người dân thuận lợi hơn trong việc di chuyển, từ đó hình thành thói quen sử dụng phương tiện công cộng, dần thay thế xe cá nhân.
Kế hoạch còn nhằm mục đích tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ích lợi của việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy và thu hồi xe máy cũ. Bước đầu hình thành thói quen về bảo dưỡng và kiểm định khí thải xe máy định kỳ; loại bỏ xe máy cũ không bảo đảm an toàn kỹ thuật và môi trường (khí thải), góp phần giảm thiểu ảnh hưởng tới chất lượng không khí.
Đặc biệt, hướng đến mục tiêu giao thông xanh, Hà Nội đã đưa vào khai thác tàu điện trên cao phục vụ vận tải hành khách công cộng. Chỉ sau hơn hai tháng đưa vào khai thác, tàu điện trên cao Cát Linh-Hà Đông đã đạt mốc một triệu lượt khách đi tàu vào giữa tháng 1/2022.
Dự kiến, trong năm 2022, dự án “xanh” quan trọng khác là đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội cũng sẽ được đưa vào khai thác đoạn trên cao (Nhổn-Cầu Giấy), tiếp tục mở ra tín hiệu khả quan về vận tải hành khách công cộng tại Thủ đô.
Xe đạp công cộng-mắt xích trong chuỗi vận tải xanh
Như thế chưa đủ khi giao thông công cộng của Hà Nội còn thiếu một mảnh ghép cực kỳ quan trọng, một mắt xích trong chuỗi vận tải xanh, đó là xe đạp công cộng. Những năm gần đây, phong trào sử dụng xe đạp vừa để cải thiện sức khỏe cũng như bảo vệ môi trường đã thu hút được nhiều người tham gia.
Nhiều chuyên gia cho rằng, xe đạp công cộng có những lợi thế rất lớn, có thể nhanh chóng được đón nhận và phổ biến tại Hà Nội. Trước hết, đó là loại phương tiện gần gũi với người dân, đã từng được sử dụng trong thời gian dài tại hầu hết mọi gia đình.
Bên cạnh đó, xe đạp có thể thuê, không cần lo lắng về nơi gửi, sửa chữa, bảo dưỡng… phù hợp với những quãng đường ngắn một vài cây số sẽ là lựa chọn hàng đầu của dân công sở, học sinh, sinh viên, khách du lịch.
Quan trọng hơn nữa, xe đạp là loại hình phương tiện xanh, không gây ô nhiễm môi trường, khi lưu thông ít có khả năng gây áp lực cho hệ thống giao thông đô thị nói chung.
Để khuyến khích cũng như hướng đến thói quen có lợi cho sức khỏe này, Hà Nội dự kiến triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trong 12 tháng. Giai đoạn 1, dự kiến thực hiện thí điểm từ năm 2022-2023. Giai đoạn này đơn vị thực hiện Dự án sẽ đầu tư 1.000 xe đạp; trong đó, có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Số xe này sẽ được bố trí tại từ 70-80 vị trí ở quận trung tâm.
Giai đoạn 2, dự kiến là từ năm 2023-2024 mở rộng vùng phục vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm.
Được biết, nếu dự án phát huy hiệu quả thì sẽ là cơ sở để người dân chuyển đổi từ phương thức cá nhân sang loại hình vận tải hành khách công cộng, góp phần cải thiện môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra, điểm mấu chốt khác là loại hình phương tiện “xanh” như xe đạp gần như không phát thải ô nhiễm môi trường, khi lưu thông ít có khả năng gây áp lực cho hệ thống giao thông đô thị.
Dưới góc độ chuyên gia môi trường, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, câu chuyện phát triển giao thông xanh tại các đô thị lớn tại Việt Nam là một hành trình dài, bởi để thực hiện được mục tiêu này cần một lộ trình dài hơi.
“Phát triển đô thị xanh, không gian xanh là định hướng mang tính chiến lược cần có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng.”, PGS.TS Bùi Thị An nói.
Đặc biệt, thay đổi nhận thức cần cả một quá trình, chúng ta cần phải song song tích cực giáo dục và truyền thông, để người dân tiếp cận được với vấn đề giao thông xanh, về những lợi ích của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng…
Ý kiến ()