LSO-Xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện chính sách phát triển giao thông nông thôn (GTNT) là công tác huy động sức dân. Kinh nghiệm cho thấy nơi nào thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền, thì hệ thống GTNT của nơi ấy càng nhanh chóng được hoàn thiện. Huy động được sức mạnh tổng hợp từ nhân dân, huyện vùng cao Tràng Định đã trở thành một trong những điểm sáng.Nhân dân Tràng Định chung sức phát triển giao thông nông thônNhững cây cầu sức dân ở Tân TiếnSông Bắc Khê chia thôn Bản Châu, xã Tân Tiến thành 2 phần. Quốc lộ 3B và khu dân cư ở bên này sông, còn lại hầu như toàn bộ đất đai lại tập trung ở bên kia sông. Với điều kiện địa hình như vậy để phát triển sản xuất, vận chuyển nông sản hàng hóa, người dân không còn cách nào khác là phải băng sông. Dòng Bắc Khê bỗng dưng trở thành một vật cản trong phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Thế nhưng, trong năm 2008, anh Bế Văn Tình – một thanh niên trẻ trong thôn đã tự bỏ...
LSO-Xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện chính sách phát triển giao thông nông thôn (GTNT) là công tác huy động sức dân. Kinh nghiệm cho thấy nơi nào thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền, thì hệ thống GTNT của nơi ấy càng nhanh chóng được hoàn thiện. Huy động được sức mạnh tổng hợp từ nhân dân, huyện vùng cao Tràng Định đã trở thành một trong những điểm sáng.
|
Nhân dân Tràng Định chung sức phát triển giao thông nông thôn |
Những cây cầu sức dân ở Tân Tiến
Sông Bắc Khê chia thôn Bản Châu, xã Tân Tiến thành 2 phần. Quốc lộ 3B và khu dân cư ở bên này sông, còn lại hầu như toàn bộ đất đai lại tập trung ở bên kia sông. Với điều kiện địa hình như vậy để phát triển sản xuất, vận chuyển nông sản hàng hóa, người dân không còn cách nào khác là phải băng sông. Dòng Bắc Khê bỗng dưng trở thành một vật cản trong phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Thế nhưng, trong năm 2008, anh Bế Văn Tình – một thanh niên trẻ trong thôn đã tự bỏ hơn 80 triệu đồng để thiết kế, xây dựng hẳn một cây cầu kiên cố bắc ngang qua sông. Nhiều người bảo anh liều, nhưng anh chỉ cười hiền: Mình có tính toán cả ấy chứ, xây cầu xong mình đầu tư nuôi lợn, mỗi năm xuất chuồng vài tấn thịt, rồi tăng diện tích trồng thạch đen, cải tạo lại vườn cây ăn quả, đào ao thả cá, khoanh vườn nuôi lợn rừng…Cầu mang lại cho gia đình mình và nhiều người dân nữa được lợi, vài chục triệu đồng đầu tư như thế là đúng hướng.“Chuyện lạ” của anh Tình chưa lắng xuống thì “đùng một cái”, năm 2010 được sự giúp đỡ của cộng đồng, anh Phan Văn Hưng, cũng ở thôn Bản Châu, tiếp tục xây dựng thêm một cây cầu nữa bắc qua sông Bắc Khê. Cây cầu này xem ra còn có vẻ “hoành tráng” hơn cây cầu của anh Tình 2 năm về trước với chiều dài 40m, rộng 1,8m và cao 8m so với mặt nước sông. Anh Hưng tâm sự: Trong những năm vừa qua được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, gia đình mình đã tích cực phát triển sản xuất từ chăn nuôi lợn, trồng thạch đen, trồng cây công nghiệp, mỗi năm cũng có thu nhập được gần trăm triệu đồng. Nhưng khổ nỗi, mỗi lần vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ, gia đình anh lại phải qua cầu tre, xe máy còn chẳng đi được và mùa mưa lũ thì bị cô lập hoàn toàn. Vậy là anh Hưng “bức xúc”, từ năm 2009 tự mày mò nghiên cứu về kỹ thuật làm cầu, tích cóp từ các khoản thu nhập trong năm, đầu tư hơn 75 triệu đồng mua vật liệu, cùng với trên 25 triệu đồng từ sự giúp đỡ của cộng đồng, tháng 5/2010 cây cầu thứ 2 ở Bản Châu đã thông. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến không giấu nỗi niềm vui: Trước kia Tân Tiến cứ ao ước có cây cầu bắc qua sông để tạo sức bật phát triển kinh tế, giờ ở Bản Châu đã có những 2 cây cầu, vượt quá cả mong đợi của chúng tôi. Ngoài 2 cây cầu ở Bản Châu, trong những năm qua, phát triển GTNT đã trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ ở Tân Tiến, được người dân nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp công sức tham gia. Ngay cả một thôn nghèo và xa nhất của Tân Tiến, năm 2008, mỗi hộ gia đình cũng tự nguyện đóng góp mỗi hộ 7 triệu đồng để làm đường GTNT, nâng tổng số thôn có đường GTNT của xã đến nay là 10/10 thôn, tỷ lệ mặt đường được bê tông hóa tăng theo từng năm và đời sống ở vùng khó Tân Tiến cứ đổi thay từng ngày.
GTNT tạo đà cho nông thôn mới
Không chỉ riêng ở Tân Tiến, mà trong những năm qua, ở khắp các địa phương trên vùng đất lúa, GTNT đã thực sự trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, việc làm tốt công tác huy động sức dân là yếu tố quan trọng để tạo ra tính hiệu quả của phong trào. Đặc biệt từ khi Nghị quyết số 38 ngày 5/8/2005 của HĐND tỉnh ban hành về GTNT, ngay lập tức cấp ủy, chính quyền địa phương đã cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết, quyết định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn huyện triển khai thực hiện. Kết quả, đến nay Tràng Định đã có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm; 70% số thôn, bản trong toàn huyện có đường ô tô đến trung tâm thôn; 51,8% số mặt đường thôn, bản được bê tông hóa. Từ năm 2006 đến nay, nhân dân toàn huyện đã đóng góp trên 318 ngàn ngày công và hơn 1,8 tỷ đồng, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước nâng cấp, sửa chữa, xây mới hàng trăm km đường GTNT. Cái được, nhìn thấy trước mắt là giao thông thuận lợi đã tạo đà cho địa phương đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao và diện mạo khu vực nông thôn trên vùng đất lúa đang không ngừng được đổi mới. Nhưng điều quan trọng hơn, cái được lớn nhất là sức mạnh từ nhân dân đã được huy động một cách tối đa và đó chính là nền tảng để đất lúa hướng tới mục tiêu lớn hơn: Xây dựng thành công nông thôn mới.
Lê Minh
Ý kiến ()