Giao thông nông thôn: Khơi nguồn phát triển
LSO - Trong bất cứ giai đoạn nào của tiến trình phát triển, Lạng Sơn luôn coi trọng phát triển hạ tầng thiết yếu cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Trong đó, phát triển giao thông nông thôn là một trong những chương trình được tỉnh chú trọng và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ.
Người dân địa phương tham gia làm đường giao thông nông thôn theo tiêu chuẩn nông thôn mới tại xã Chi Lăng (Chi Lăng) |
Trong hơn 30 năm từ 1954 đến 1986, thực hiện chiến lược phát triển giao thông vận tải của trung ương, của tỉnh, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đồng hành cùng ngành giao thông vận tải làm tốt nhiệm vụ phục vụ cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và khôi phục nền kinh tế. Để tạo điều kiện phát triển sản xuất, tạo ra của cải vật chất phục vụ chiến đấu, trong giai đoạn này, toàn tỉnh đã mở mới gần 500 km đường đến trung tâm các xã và 2.000 km đường nông thôn và hàng nghìn cầu giao thông trên phạm vi toàn tỉnh.
Bước vào thời kỳ đổi mới phát triển kinh tế gắn với thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong bối cảnh hệ thống giao thông của Lạng Sơn bị tàn phá bởi chiến tranh; để vực dậy lĩnh vực giao thông vận tải, ngoài tập trung cho đầu tư xây dựng cơ bản, tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm tới hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn theo phương châm “dân làm, nhà nước hỗ trợ” được tỉnh bắt đầu triển khai từ năm 1993.
Sau gần 20 năm thực hiện chủ trương hỗ trợ xi măng, phong trào phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả to lớn. Làm đường giao thông nông thôn theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”; “dân làm là chính nhà nước hỗ trợ” đã đi vào ý thức của từng người dân. Từ đó, hàng nghìn tuyến đường giao thông nông thôn đã được đầu tư xây dựng từ chính sức dân, qua đó hỗ trợ tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội tại các địa bàn trong tỉnh.
Thôn Hồng Châu, xã Cai Kinh là điểm sáng của huyện Hữu Lũng về thực hiện phong trào phát triển giao thông nông thôn gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2013-2015, 80 hộ dân trong thôn đã thực hiện hoàn thành bê tông hóa các tuyến đường trục chính của thôn và ngõ xóm với tổng chiều dài hơn 5 km đạt chuẩn nông thôn mới, trị giá gần 4 tỷ đồng. Để tạo nguồn lực làm đường, thôn đã có những giải pháp huy động sáng tạo từ nhiều nguồn lực như: đóng góp của chính bà con trong thôn, những người con lập nghiệp xa quê, nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đứng chân trên địa bàn xã…
Khác với thôn Hồng Châu, thôn Bản Châu xã Tân Tiến, huyện Tràng Định lại là một điểm sáng trong phong trào làm cầu giao thông nông thôn. Từ năm 2008 đến 2014, toàn xã Tân Tiến xây dựng được 5 cây cầu cứng phục vụ giao thông, người dân thôn Bản Châu đã đóng góp tới 4 cây cầu. Các cây cầu được xây dựng thể hiện tinh thần sáng tạo tự lực vươn lên của người dân thôn Bản Châu. Với những cây cầu được xây dựng kiên cố, thôn Bản Châu không chỉ khắc phục triệt để tình trạng giao thông cách trở trong nhiều năm mà còn thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, trao đổi hàng hóa tại thôn bản.
Đây chỉ là hai trong số hàng trăm thôn bản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển được tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải ghi nhận.
Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn, từ năm 1997 đến 2010, toàn tỉnh đã mở mới được khoảng 1.700 km đường ngõ xóm; nâng cấp được hơn 20 nghìn ki-lô-mét đường thôn bản; xây mới được gần 2.300 km mặt đường các loại, trong đó mặt đường bê tông xi măng chiếm 60%. Đặc biệt, bước vào giai đoạn 2011-2015 thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào phát triển giao thông nông thôn tiếp tục khởi sắc. Trong 5 năm triển khai, khối lượng thực hiện chương trình bê tông hóa bằng hơn 10 năm trước đó cộng lại, giai đoạn này, toàn tỉnh đã thực hiện được 1.300 km đường trục thôn, ngõ xóm, giá trị gần 600 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trị giá hơn 320 tỷ đồng. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã mở mới 51 km đường dân sinh phục vụ sản xuất và xây dựng mặt đường bê tông xi măng được 142 km; nhân dân đóng góp giá trị tương đương 35,7 tỷ đồng.
Đáng chú ý, việc huy động nguồn lực xã hội hóa phát triển giao thông nông thôn được tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả, ngoài nguồn lực từ nhà nước hỗ trợ, sự đóng góp của sức dân còn có sự ủng hộ thiết thực của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về tiền mặt, ca máy, vật liệu xây dựng trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Bước sang giai đoạn 2016-2020, nhiệm vụ đặt ra ngành giao thông vận tải Lạng Sơn trong phát triển giao thông nông thôn rất nặng nề. Cụ thể phấn đấu đến năm 2020, đường ô tô đến trung tâm xã đi lại 4 mùa đạt 98% (hết năm 2015 khoảng là 93,5%), cứng hóa đường trục xã, thôn đạt 50% (hết năm 2015 đạt khoảng 33%) và cứng hóa đường ngõ xóm đạt 70% (hết năm 2015 đạt khoảng 50%). Tất cả các chỉ tiêu này nhằm hướng tới hình thành một mạng lưới giao thông nông thôn một cách thuận tiện và an toàn, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực nông thôn.
Bài, ảnh: Công Quân
Ý kiến ()