Giao thông kết nối: Động lực mới của Tuyên Quang
Những ngày tháng 8, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đang tập trung cao độ, rốt ráo hoàn thành các phần việc chuẩn bị để khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang. Khi hoàn thành, tuyến sẽ nối với hai tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai và Tuyên Quang-Phú Thọ, hình thành nên một trục kết nối xuyên suốt với Thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng.
Cầu Nông Tiến bắc qua sông Lô. |
Công trình trọng điểm của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 này được coi là động lực quan trọng, bước đột phá về giao thông để Tuyên Quang phát triển.
Tuyên Quang là tỉnh nằm sâu trong nội địa, không bến cảng, không cửa biển, cửa khẩu, cũng không có đường sắt chạy qua. Trước đây, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn của Tuyên Quang đã tạo thành vùng an toàn khu bảo vệ Đảng, Bác Hồ lãnh đạo kháng chiến thành công.
Nhưng ngày nay, trong thời kỳ đổi mới, địa thế ấy lại trở thành “rào cản” cho sự phát triển. Cho nên, việc xây dựng hệ thống giao thông đường bộ kết nối liên vùng được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đặc biệt quan tâm và xác định đây là “chìa khóa” để mở ra con đường phát triển cho tỉnh.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định, phát triển hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin là khâu đột phá để Tuyên Quang phát triển. Triển khai thực hiện, tỉnh đã ban hành các nghị quyết, đề án quan trọng cụ thể hóa mục tiêu phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo động lực phát triển; tạo mối liên kết, liên hoàn trong các tuyến giao thông, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm; nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực để đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống giao thông, tạo động lực phát triển. Trong đó, cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang là con đường mong ước của Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang nhằm tạo hệ thống trục dọc kết nối nhanh về Thủ đô Hà Nội. Tuyến đường hoàn thành sẽ góp phần rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho tỉnh Tuyên Quang mà còn tạo kết nối chung cho các tỉnh trong khu vực.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có gần 6.140 km đường giao thông chính; trong đó, có 7 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài gần 564 km đều đã và đang được đầu tư xây dựng, nâng cấp với mặt đường có kết cấu bê-tông nhựa, bê-tông xi-măng hoặc láng nhựa.
Hệ thống đường tỉnh gồm 3 tuyến với tổng chiều dài hơn 450 km, tạo thành trục giao thông chính của tỉnh giúp kết nối từ các trung tâm huyện, các khu dân cư, các khu công nghiệp trong tỉnh đến các tuyến quốc lộ và các tỉnh lân cận. Các tuyến đường đô thị có tổng chiều dài gần 304 km, đường huyện hơn 1.141 km, đường xã, trục thôn dài 3.678 km.
Điểm nhấn của hệ thống giao thông kết nối ở Tuyên Quang là dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ, cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang kết nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai thiết kế bốn làn xe. Tuyến đường bộ cao tốc khi hoàn thành sẽ tạo nên một trục dọc kết nối liên hoàn từ Thủ đô Hà Nội qua Tuyên Quang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang sang Trung Quốc.
Nhờ tuyến đường này, việc giao lưu hàng hóa nội địa và xuất khẩu sẽ trở nên thuận lợi và thông suốt, ngoài ra còn giúp tăng tính kết nối giữa khu công nghiệp của 3 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ với các tỉnh vùng xuôi. Đặc biệt, tuyến đường còn giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa Tuyên Quang và Thủ đô Hà Nội, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển ngành du lịch, một thế mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tuyên Quang Nguyễn Việt Lâm cho hay, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang kết nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác từ tháng 12/2025. Tuyến đường nhằm kết nối tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Hà Giang với đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng, giải quyết những điểm nghẽn về giao thông liên vùng, nội vùng của tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang.
Tỉnh Tuyên Quang đang tập trung đẩy nhanh thi công và hoàn thiện các dự án trọng điểm có tính liên kết vùng, làm động lực để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và kết nối các khu dân cư, khu đô thị trọng điểm mới như: Đường từ Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đến Quốc lộ 2D kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ; đầu tư xây dựng cầu và tuyến đường tránh thị trấn Sơn Dương; cầu Xuân Vân bắc qua sông Gâm; cầu Bạch Xa bắc qua sông Lô,…
Bên cạnh đó, tỉnh dồn lực đầu tư hoàn thành dứt điểm các tuyến trục phát triển từ thành phố Tuyên Quang đến trung tâm huyện Yên Sơn; trục phát triển trung tâm thành phố đến Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang; Quốc lộ 2C từ Khu di tích lịch sử quốc gia Kim Bình, huyện Chiêm Hóa đến thị trấn Na Hang,…
Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch để hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên kết các vùng phát triển kinh tế-xã hội trong và ngoài tỉnh như xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang kết nối với cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang; các tuyến Quốc lộ 2C kéo dài qua khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang-Lâm Bình, Quốc lộ 2D kéo dài qua Khu công nghiệp Long Bình An; các tuyến đường huyện và trục phát triển đô thị mới trên địa bàn các huyện, thành phố Tuyên Quang,…
Tỉnh cũng triển khai dự án xây dựng tuyến đường từ huyện Na Hang kết nối thủy điện Tuyên Quang với hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn; kết nối từ thành phố Tuyên Quang đi Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm với hồ thủy điện Thác Bà; đường kết nối từ vùng kinh tế động lực nam Sơn Dương với huyện Lập Thạch và Tam Đảo (Vĩnh Phúc); đường từ huyện Hàm Yên (kết nối từ cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang) đi các huyện Chiêm Hóa, Na Hang…; đồng thời, thực hiện hiệu quả Đề án bê-tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn.
Trong những năm qua, Tuyên Quang ưu tiên nguồn lực đầu tư, hoàn thành mở mới, nâng cấp hàng nghìn km đường bộ trên các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị; xây dựng mới nhiều cầu lớn, như Tân Hà, Tứ Quận, Tân Yên, An Hòa, Kim Xuyên và đang triển khai xây đựng cầu Trường Thi, cầu Minh Xuân nhằm hoàn thiện kết nối giao thông với các tuyến Quốc lộ 2C, 2D và 3B, 279,… tạo thành hệ thống “xương cá”, trục ngang kết nối với tuyến cao tốc và kết nối liên vùng với các tỉnh lân cận Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ,…
Từ năm 2010 đến 2020, phát triển giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tỉnh Tuyên Quang đã bê-tông hóa 2.900 km đường giao thông thôn bản. Nửa nhiệm kỳ qua (từ năm 2020 đến 2022), toàn tỉnh đã hoàn thành bê-tông hóa hơn 218 km đường giao thông nông thôn và đường nội đồng, trong tổng số 1.080 km kế hoạch cả nhiệm kỳ, phấn đấu đến năm 2025, tất cả các thôn trong tỉnh đều có đường ô-tô tới trung tâm (cả tỉnh chỉ còn thôn Trung Phìn, xã Sinh Long, huyện Na Hang chưa có đường ô-tô tới trung tâm).
Năm 2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 55/NQ-HĐND thông qua Đề án bê-tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trong 5 năm tới xây dựng được 200 cây cầu.
Mặc dù những cây cầu nông thôn quy mô đầu tư nhỏ, chỉ 1 đến 2 tỷ đồng nhưng có ý nghĩa rất lớn, giúp người dân đi lại an toàn, thuận tiện, xóa bỏ chia cắt về giao thông, kết nối giữa các vùng nhằm góp phần giảm nghèo, tạo bứt phá mạnh mẽ hơn đối với sự phát triển của các địa phương.
Ý kiến ()