Giao thông đường sắt: Hiểm họa từ các đường ngang dân sinh
LSO- Từ đầu năm đến ngày 15/7/2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng, làm 3 người chết. Tất cả các vụ tai nạn này đều xảy ra trên tuyến đường sắt đoạn giao với đường bộ (đường ngang).
Trên địa bàn Lạng Sơn có 2 tuyến đường sắt gồm Hà Nội – Đồng Đăng và Yên Trạch – Na Dương với tổng chiều dài gần 124 km, đi qua địa bàn 5 huyện, thành phố: Chi Lăng, Hữu Lũng, Cao Lộc, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn. Dọc 2 tuyến đường sắt này có những đường ngang mà ngành chức năng cho phép mở (đường ngang hợp pháp) và đã bố trí cán bộ đường sắt trực gác chắn, lắp biển báo, đèn báo hiệu khi sắp có tàu hỏa đi qua.
Tuy nhiên, tại nhiều địa bàn, để thuận tiện đi lại (tránh phải đi đường vòng), người dân đã tự ý tháo hộ lan an toàn (tạo khoảng cách an toàn khi tàu hỏa đi qua khu vực có dân cư sinh sống), mở đường ngang (đường ngang bất hợp pháp).
Tàu hoả tuyến Hà Nội – Đồng Đăng chạy qua 1 đường ngang dân sinh thuộc huyện Chi Lăng
Ông Nguyễn Đình Đại, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Trung tuần tháng 4/2016, thực hiện quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh Lạng Sơn và Bộ Giao thông vận tải về trách nhiệm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường sắt, Ban ATGT tỉnh đã thành lập đoàn khảo sát đảm bảo TTATGT nhằm kiểm tra thực trạng các đường ngang trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, hiện tại trên địa bàn tỉnh có hơn 250 đường ngang (bao gồm cả đường ngang hợp pháp và bất hợp pháp). Phần lớn các đường ngang này, đặc biệt là đường ngang dân sinh còn những hạn chế, bất cập và đều không đảm bảo ATGT đường sắt.
Các đường ngang dân sinh tại địa bàn thường không có rào chắn, không biển báo, không đèn tín hiệu, đặc biệt có đoạn đường độ dốc lớn, mặt đường gồ ghề… nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao. Ví như đường ngang tại Km74 070 tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng chạy qua địa phận thôn Voi Xô, xã Hoà Thắng, huyện Hữu Lũng; đường ngang tại Km88 960 tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng chạy qua xã Hoà Lạc, huyện Hữu Lũng; hay như 3 đường ngang nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng chạy qua địa phận thôn Pò Đứa, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn; đường ngang tại Km234 300 thuộc thôn Nà Pất, xã Vân Thuỷ, huyện Chi Lăng; đường ngang tại thôn Đồng Én, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn…
Hẳn nhiều người dân ở thôn Đồng Én, xã Hoàng Đồng (thành phố Lạng Sơn) vẫn còn nhớ như in vụ tai nạn thương tâm xảy ra ngay tại vị trí đường ngang thuộc thôn vào ngày 16/5/2016. Nếu ở vị trí đường ngang này mà có gác chắn hay tín hiệu cảnh báo khi sắp có tàu hỏa đi qua thì em học sinh kia đã không bị tử vong. Vì không có gác chắn, không biển báo, không đèn tín hiệu…, nên khi em học sinh này phát hiện có tàu đến nơi thì chiếc xe đạp của em đã không phanh kịp để dừng lại.
Thiếu tá Hoàng Văn Thanh, Đội Cảnh sát giao thông đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Qua kiểm tra thực tế, tại 5 huyện, thành phố có hệ thống đường sắt đi qua, hiện xuất hiện rất nhiều đường ngang dân sinh tự phát. Các đường ngang dân sinh tự phát nên không thể bố trí rào chắn, biển báo và nhân viên cảnh giới, vì vậy khi người dân đi lại qua đường sắt chỉ thiếu quan sát là có thể xảy ra tai nạn. Điều nguy hiểm hơn nữa là các đường ngang này lưu lượng người qua lại đông, nhiều đường gần khu vực trường học nên càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Hiện nay, ngành giao thông vận tải tỉnh, Ban ATGT tỉnh cũng đã đề xuất giải pháp, nhưng hiện tại, việc xử lý triệt để, tức là rào hộ lan toàn bộ các đường ngang dân sinh tự phát không thể một sớm một chiều làm được, việc trước mắt, qua khảo sát, đã nắm được những điểm đường ngang tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao thì sẽ tăng cường bố trí chốt gác, rào chắn hoặc sẽ lắp đặt hệ thống cảnh báo bằng đèn khi sắp có tàu hỏa đi qua. Cùng với đó là khẩn trương cải tạo bề mặt một số đoạn đường ngang để tạo mặt đường êm, không gây ra sự cố mắc kẹt phương tiện ngay điểm giao cắt.
Bài, ảnh: TRÍ DŨNG
Ý kiến ()