Giao thông đô thị bền vững – Chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và Thụy Điển
Chiều 25/11, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Đại sứ Quán Thụy Điển tổ chức Hội thảo "Giao thông đô thị bền vững – Chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và Thụy Điển".
Tham dự Hội thảo về phía Việt Nam có lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Giao thông vận tải, một số Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải địa phương, đại diện Cục Cảnh sát giao thông, lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải. Về phía Thụy Điển có Thứ trưởng Bộ Giao thông và Cơ sở hạ tầng, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam và đoàn các doanh nghiệp Thụy Điển.
|
Đoàn công tác của Thụy Điển làm việc tại trụ sở UBND TP Hà Nội. |
Tại Thụy Điển, kể từ năm 1990, phát thải đã giảm khoảng 9% trong khi GDP đã tăng gần 50%. Ngoài ra, số lượng tai nạn giao thông đã giảm một nửa từ 2000 đến 2013, đạt mức 30 vụ/1 triệu dân /năm, mức thấp nhất thế giới. Thụy Điển cũng là nước đi đầu về an toàn giao thông với “Tầm nhìn về Không” đối với các vụ tử vong do tai nạn giao thông gây ra. Nước này cũng cung cấp hệ thống tàu điện ngầm, xe bus nhanh (BRT), an toàn giao thông và giao thông thân thiện môi trường. Điều này có được là nhờ các công ty sáng tạo và sử dụng công nghệ tiên tiến có thể xử lý được các thách thức trong ngành giao thông.
Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ các phương thức nhằm đảm bảo giao thông đô thị phát triển bền vững như cung cấp các giải pháp giao thông sạch nhằm giảm thiểu ô nhiễm, xây dựng chiến lược giao thông công cộng toàn diện, bền vững và giảm số lượng các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông. Đoàn đại biểu Thụy Điển bao gồm lãnh đạo từ các công ty khác nhau quan tâm tìm hiểu về hiện trạng giao thông đô thị tại Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp giao thông đô thị sáng tạo. Các doanh nghiệp trong đoàn cung cấp những giải pháp hàng đầu trong lĩnh vực giao thông công cộng, bao gồm tập đoàn Scania & Volvo (xe bus), Gunnebo (kiểm soát lối vào), Axis Communications (giám sát), Kapsch TrafficCom (giải pháp thu phí), Waste4Fuel (biến chất thải thành năng lượng), Icomera (kết nối internet trên tàu hỏa và xe buýt). Về tổng thể, các tập đoàn này mang lại các giải pháp hoàn chỉnh được thể hiện trong hệ thống giao thông tích hợp của thủ đô Stockholm, trong đó Cơ quan Giao thông công cộng Stockholm (SL) cùng vận hành một hệ thống bao gồm xe bus, tàu điện ngầm và tàu hỏa vé tháng.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết: Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, thu hút nhà đầu tư nước ngoài với vốn và khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại tham gia đầu tư vào Việt Nam để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa cơ sở hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
“Đã từ lâu Thụy Điển luôn đi đầu trong việc cung cấp các giải pháp giao thông an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Việt Nam và Thụy Điển cũng có quan hệ hữu nghị lâu đời. Tuy nhiên, hợp tác giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở và giao thông. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng các cuộc gặp gỡ song phương và các diễn đàn doanh nghiệp sẽ mang lại những cơ hội kinh doanh và củng cố hơn nữa mối quan hệ tuyệt vời giữa hai nước”, ngài Erik Bromander, Thứ trưởng Bộ Giao thông và Cơ sở hạ tầng Thụy Điển nhấn mạnh.
Bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam chia sẻ, hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề về phát triển đô thị do việc đô thị hóa gia tăng nhanh. Đặc biệt, Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển nhanh và phải xử lý những thách thức này. Một hệ thống giao thông với mức chi phí hợp lý sẽ cho phép người dân tới được nơi mình cần tới trong thời gian ngắn nhất có thể. Đại sứ Mellander cũng nhấn mạnh Thụy Điển đi đầu trong việc cung cấp các giải pháp mới, sáng tạo và đột phá trong ngành giao thông, một trong những giải pháp đó là SymbioCities, trong đó mục tiêu là tạo ra các thành phố đáng sống cho người dân về môi trường, giao thông, xử lý chất thải.
Trước đó, đoàn công tác Thụy Điển đã có cuộc trao đổi và làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội bàn các nội dung hợp tác phát triển, trong đó có nội dung về phát triển giao thông đô thị bền vững.
Theo Dangcongsan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()