Giáo sư Nobel hóa học chia sẻ cách thu hút người trẻ đến với lĩnh vực KHCN
Không chỉ Việt Nam, mà ở nhiều nước, các ngành khoa học cơ bản nói chung, hóa học nói riêng không phải là lựa chọn hàng đầu của sinh viên. Để người trẻ chọn lĩnh vực khoa học công nghệ, trở thành nhà khoa học thì cần nuôi dưỡng tình yêu khoa học cho họ từ bé.
Ngày 20/4, GS. Morten Peter Meldal, một trong 3 người đoạt giải Nobel Hóa học 2022 đã có bài giảng đại chúng về Hóa học click, tại Trường Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội (USTH -trực thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).
Trong bài giảng, GS. Morten đã chia sẻ những tiến bộ và tầm quan trọng của Hóa học click cho giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên.
“Phản ứng click” là các quá trình hóa học kết nối những phân tử cấu trúc nhỏ thành phân tử lớn hơn thông qua các nhóm chức một cách nhanh chóng và hiệu quả. Phản ứng click có độ chính xác, độ chọn lọc, hiệu suất phản ứng cao, và không hình thành sản phẩm phụ.
Năm 2002, GS. Morten P. Meldal và GS. Karl B. Sharpless đã độc lập công bố các kết quả nghiên cứu về phản ứng cộng đóng vòng Azide-Alkyne sử dụng xúc tác đồng (CuAAC) và trở thành “trái tim” của Hóa học click hiện nay.
Sự phát triển của Hóa học click đã mở ra kỷ nguyên tổng hợp hóa học mới với cấu trúc sản phẩm được thiết kế theo mục đích, được chứng minh hiệu quả trong việc “chức năng hóa” các đối tượng sinh học, lập bản đồ ADN, phát triển dược phẩm, điện tử, vật liệu polymer chức năng … và trong rất nhiều ứng dụng khác.
Chia sẻ với báo chí, GS. Morten đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hóa học cho sự phát triển của tương lai: “Tất cả xung quanh chúng ta đều là hóa học. Chúng ta cần hóa học để giải quyết rất nhiều thách thức toàn cầu trước mắt. Chúng ta cần các giải pháp hóa học và cần phải cho những thế hệ sau được học hóa học”.
Chủ nhân giải Nobel Hóa học 2022 cho rằng, cần khuyến khích các bạn trẻ tiếp cận sớm và nhiều với hóa học để có những đột phá trong lĩnh vực này. Không riêng Việt Nam, tại Đan Mạch, hóa học hay các ngành khoa học cơ bản khác cũng không phải là lựa chọn hàng đầu của sinh viên. Tuy nhiên, các ngành khoa học cơ bản là nền tảng của những ngành khoa học khác. Ông động viên sinh viên hãy theo đuổi lĩnh vực mình yêu thích với tình yêu và sự kiên trì.
GS. Morten cho rằng, việc dạy hóa học cho trẻ bắt đầu từ lớp 7, lớp 8 dường như hơi chậm. Chúng ta nên dạy hóa học càng sớm càng tốt khi trẻ đang hiếu động, thích quan sát hiện tượng, tìm hiểu mọi thứ xung quanh.
“Ở Đan Mạch, chúng tôi đang có dự án làm sao thu hút người trẻ đến với lĩnh vực KHCN, hóa học bằng cách làm phim hoạt hình để chuyển tải nội dung bài học về hóa học thành video học liệu sinh động, bắt mắt, dễ tiếp thu cho học sinh tiểu học.
Bên cạnh đó, chúng tôi dự định thiết kế chương trình dạy hóa học ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR). Tất cả những nỗ lực này là nhằm giúp cho thế hệ trẻ có nhận thức rằng hóa học cũng là một ngành khoa học đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống”, GS. Morten cho hay.
Ngoài ra, chia sẻ bài học từ Đan Mạch về tự do trong nghiên cứu khoa học, GS. Morten cho biết ở Đan Mạch, có rất nhiều quỹ tư nhân do các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư cho KHCN với kinh phí rất lớn.
Điểm đặc biệt của quỹ này là không phải cứ tập đoàn công nghiệp thì mặc định tài trợ cho nghiên cứu ứng dụng, mà họ còn đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nên mảnh đất để các nhà khoa học nghiên cứu là rất lớn, không bị nhiều rào cản.
Ngay cả quỹ nghiên cứu quốc gia của Đan Mạch cũng bỏ dần sự ràng buộc đối với nhà khoa học, vì vậy họ được tự do nghiên cứu, đồng thời nghiên cứu cơ bản rất được coi trọng.
Khi thành lập các quỹ này, cần có tiêu chí rõ ràng. Quỹ nào cho nghiên cứu cơ bản thì chỉ phục vụ cho nghiên cứu cơ bản, quỹ nào cho nghiên cứu ứng dụng thì chỉ nghiên cứu ứng dụng, không được bắt nhà khoa học nghiên cứu cơ bản phải cho ra ứng dụng. Như vậy việc nghiên cứu khoa học cơ bản mới đúng ý nghĩa và các nhà khoa học đi được sâu vấn đề để phát triển.
Ngoài ra, chủ nhân giải Nobel Hóa học 2022 cũng cho rằng, để duy trì tình yêu, ngọn lửa đam mê nghiên cứu, gắn bó lâu dài với khoa học thì nhà nghiên cứu phải không ngừng đặt câu hỏi, không ngừng suy nghĩ và tìm tòi vấn đề mới.
PGS.TS Đinh Thị Mai Thanh, Hiệu trưởng USTH, cho biết, USTH là một số ít những trường chỉ đào tạo về KHCN, lại trực thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam – cơ quan nghiên cứu hàng đầu của cả nước về khoa học tự nhiên, do đó, bài giảng của GS. Morten đã giúp thầy trò của trường hiểu hơn về những tiến bộ vượt bậc của lĩnh vực Hóa học click.
Những chia sẻ của GS. Morten cũng cho thấy quá trình miệt mài vất vả, gian nan trong nghiên cứu khoa học là điều bình thường và nếu muốn đạt được vinh quang phải trải qua nhiều chông gai, thực sự theo đuổi đam mê, mục tiêu đến cùng.
Bài giảng đã truyền cảm hứng cho các sinh viên có động lực vươn lên và đạt được ước mơ hoài bão của mình. Nhưng ý nghĩa lớn hơn nữa, hoạt động này góp phần mang đến môi trường giảng dạy, học tập lý tưởng, tiếp cận trình độ quốc tế cho giảng viên và sinh viên Việt Nam.
Ý kiến ()