Thứ 3, 26/11/2024 04:29 [(GMT +7)]
Giáo sư Lân Dũng miệt mài viết sách ở tuổi 73
Thứ 7, 15/10/2011 | 08:52:00 [(GMT +7)] A A
Trong căn biệt thự tĩnh lặng có riêng hai tầng dùng để chứa sách, vị giáo sư già mang bệnh tim mạch đang đua với thời gian, bởi ông còn “một núi công việc phải hoàn thành”.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng sinh ra trong gia đình thật đặc biệt. Nhà ông có đến 8 người đều là giáo sư, phó giáo sư tiến sĩ, là con của cố giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân. Người đi trước dìu dắt người đi sau, họ đã xây đắp nên hình mẫu của gia đình hiếu học, tài hoa, chuẩn mực.
“Nghị lực và lửa yêu nghề của bố tôi đã truyền lại cho chúng tôi”, giáo sư Lân Dũng nói về cha, người có tầm ảnh hưởng nhất đối với ông.
“Tôi còn nhớ trong thời kỳ khó khăn, mỗi tối, anh em chúng tôi ngồi học với cây đèn dầu tự tạo bằng hộp kem đánh răng đã dùng hết. Gian khổ lắm nhưng ai cũng tự giác, hăng hái học tập”.
|
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, 73 tuổi, nói ông luôn giữ tinh thần sao cho vui vẻ lạc quan. |
Nhìn giáo sư Nguyễn Lân Dũng, không ai nghĩ rằng ông đang mang hai ống thép (stent) trong động mạch nuôi tim, bởi ông luôn tươi cười. Ông nói căn bệnh có thể khiến ông bị đột quỵ bất cứ lúc nào nên thời gian còn lại là quá ngắn để ông hoàn thành cả núi công việc đang chờ.
Căn nhà rộng rãi nhưng ông và vợ chỉ tập trung sinh hoạt ở tầng một, còn hai tầng trở thành thư viện sách. Phần lớn diện tích tầng một cũng là chỗ làm việc.
Sau nhiều kỳ làm đại biểu quốc hội, nay giáo sư Nguyễn Lân Dũng tập trung nghiên cứu khoa học. Nhiều người biết đến ông với tư cách đại biểu của dân hơn là nhà sinh học, bởi mỗi lần lên nghị trường ông đều phát biểu những điều rút ra được từ tiếp xúc với dân chúng.
Là chuyên gia sinh học, nhưng ông được biết đến rộn rãi hơn khi là người đại biểu nhân dân. Trước mỗi lần lên nghị trường, ông đều nêu ra 6 điều bức xúc để nói, ngắn gọn và hợp với lòng dân.
Giáo sư Lân Dũng kể ông rất vui vì được dân yêu. Có lần ông đi nói chuyện với sinh viên, các bạn trẻ nhất định đòi chụp ảnh riêng với ông chứ không chụp chung cả đoàn. Đứng “làm mẫu” mãi vẫn chưa hết số người muốn chụp ảnh cùng.
“Tôi đâu phải là ngôi sao bóng đá hay danh ca”, ông Dũng mỉm cười nói, “nhưng thấy vui vì được nhiều người tín nhiệm”.
Giáo sư cho biết cũng có những người nói với ông rằng nên chú tâm làm khoa học. “Tôi nói cái gọi là người của công chúng và nhà khoa học không có gì đối chọi nhau đâu, bởi khi được bà con biết đến, thì việc phổ biến kiến thức khoa học sẽ hiệu quả hơn nhiều”.
Ông quan niệm cứ sống tự nhiên và trong sáng thì không lo người khác hiểu nhầm. “Thật khó có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Nhưng thế mới là đời sống, mới là sự đa dạng của xã hội”, giáo sư nói.
Hiện giáo sư Nguyễn Lân Dũng đang tham gia đều đặn cho chương trình trên truyền hình như Chương trình Hỏi đáp FAQ ở VTV2, làm cố vấn cho Chương trình Ai là triệu phú. Ngoài ra mỗi tuần còn phải có 4.000 từ cho báo Nông nghiệp Việt Nam ở chuyên mục Hỏi gì đáp nấy.
Trong những lần trả lời câu hỏi, giáo sư rất vui với những câu hỏi của các cháu nhỏ. Ông còn nhớ có em bé hỏi rằng: “Tại sao cháu đánh răng hằng ngày mà răng vẫn đen và rất yếu. Con chó ăn rất bẩn sao răng nó lại trắng và khỏe thế?”.
Hiện giáo sư dành phần lớn thời gian để hoàn thành cuốn Từ điển Vi sinh vật học Anh-Việt khoảng 30 nghìn từ. Ông còn biên soạn cuốn “Từ ngữ tiếng Anh tối thiểu” với trên 1.000 từ , mỗi từ có 5-10 ví dụ với các nghĩa khác nhau.
“Tôi không có ngày nào rỗi cả. Bữa ăn là lúc duy nhất tôi dành thời gian cho gia đình. Tôi ngủ ít, bởi công việc còn nhiều quá”, giáo sư Lân Dũng tâm sự.
Dù yếu và bận, giáo sư không bao giờ từ chối khi các địa phương mời đi nói chuyện khoa học. “Chuyện gì mà nhiều người không biết, còn mình có điều kiện biết hơn thì mình phải giúp. Tôi thấy càng làm việc càng khỏe ra”.
|
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là chuyên gia sinh học hàng đầu Việt Nam. |
Ông không giấu niềm tự hào về gia đình. Với ông, bố mẹ là những người có ảnh hưởng lớn nhất suốt cả cuộc đời.
Giáo sư vẫn luôn theo cách của bố mẹ trước đây để giáo dục các con của ông. Ông không bao giờ đánh hoặc mắng các con, mà chỉ khuyên bảo và động viên, cố gắng tạo điều kiện cho các con học tốt. Con trai giáo sư là Nguyễn Lân Hiếu theo nghề bác sĩ tim mạch; con gái Nữ Thảo học nước ngoài cũng sắp về Việt Nam.
Được hỏi liệu sự thành công của các thành viên trong đại gia đình có phải nhờ di truyền không, giáo sư Lân Dũng cười nói đó là nhờ sự nỗ lực không ngừng của mỗi người, cũng như cách dạy dỗ trong gia đình.
“Tôi vẫn nhớ như in lời ba tôi dạy, rằng gia đình mình không giàu có về tiền, nên các con phải học”, ông tâm sự. “Ba mẹ chỉ cho các con tri thức, các con cố học mà thành tài”.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()