Giao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường có hạn chế được tiêu cực?
Sau một thời gian việc giao quyền lựa chọn sách giáo khoa (SGK) cho các tỉnh, thành phố vấp nhiều ý kiến trái chiều, để điều chỉnh quyền lựa chọn SGK, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có Dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn SGK mới.
Theo đó, quyền lựa chọn SGK sẽ được giao về cho các nhà trường, giáo viên và có sự tham gia của phụ huynh học sinh. Nhiều ý kiến đồng tình với quy định trong dự thảo song cũng cho rằng, để việc lựa chọn SGK đảm bảo thực chất, minh bạch và khách quan, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo cần tăng cường trách nhiệm trong kiểm tra giám sát.
Từ năm học 2021-2022, việc lựa chọn SGK được thực hiện theo các quy định tại Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, Hội đồng lựa chọn SGK do UBND tỉnh, thành phố thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn các bộ SGK sử dụng trong nhà trường phổ thông. Tuy nhiên sau thời gian triển khai, nhiều giáo viên, chuyên gia trong ngành giáo dục đã có nhiều ý kiến cho rằng, giao quyền chọn SGK cho tỉnh, thành phố trên thực tế dẫn đến cách hiểu, cách làm khác nhau. Ở nhiều nơi, giáo viên chưa thực sự có vai trò, tiếng nói trong việc chọn các bộ SGK để dạy học.
Trong Nghị quyết giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá, quy định lựa chọn SGK phổ thông tại Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương. Thậm chí, có thể tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh. Thời gian lựa chọn ngắn, số bản mẫu SGK nhiều, nhất là ở cấp tiểu học nên giáo viên gặp khó khăn trong nghiên cứu, đề xuất lựa chọn. Nhiều tỉnh, thành chậm phê duyệt kết quả lựa chọn SGK, ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng sách cho năm học mới…
Trong Dự thảo mới về chọn SGK đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến dư luận trước khi ban hành chính thức, Bộ GD&ĐT yêu cầu, việc lựa chọn SGK đảm bảo một số nguyên tắc như lựa chọn SGK trong danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông; mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện trong cơ sở giáo dục phổ thông ở mỗi khối lớp lựa chọn một SGK; việc lựa chọn SGK bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
Hội đồng lựa chọn SGK của cơ sở giáo dục phổ thông do hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn sách. Mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập 1 hội đồng lựa chọn SGK của nhà trường tối thiểu là 11 thành viên, gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; đại diện tổ chuyên môn; đại diện giáo viên, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông. SGK được lựa chọn đảm bảo có từ 1/2 số giáo viên trở lên lựa chọn.
Sau đó, nhà trường tổng hợp kết quả lựa chọn sách của các tổ chuyên môn để lập hồ sơ lựa chọn SGK về cấp quản lý là Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT. Căn cứ vào kết quả của các trường do Sở GD&ĐT trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn SGK của các trường tại địa phương. Sau đó, UBND tỉnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục SGK mới được phê duyệt để sử dụng trong các trường trước ngày 30/4 hàng năm…
Nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục bày tỏ ủng hộ việc trao quyền lựa chọn SGK về cho các nhà trường và đội ngũ giáo viên bởi chính giáo viên là người trực tiếp giảng dạy học sinh, họ cũng là những người sát nhất với chương trình, với học sinh nên khi nghiên cứu SGK, các thầy cô có thể nhìn ra được điểm mạnh, yếu và sự phù hợp của từng bộ sách để thuận lợi cho quá trình dạy học.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhận định, với các quy định mới trong dự thảo sẽ khắc phục được những nhược điểm trong lựa chọn SGK hiện hành. Trong đó, điểm mấu chốt nhất là tiếng nói của các nhà trường, của giáo viên được tôn trọng và đóng vai trò quyết định. Đồng thời đây cũng chính là cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chọn sách và giảm sự tác động của đội ngũ quản lý đến việc chọn sách của các nhà trường.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định việc các trường được chủ động lựa chọn SGK cũng là một cách nâng cao tính tự chủ trong công tác giáo dục đào tạo.
Mặc dù ủng hộ chủ trương giao quyền lựa chọn SGK cho nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh song cũng có những ý kiến băn khoăn trước tính “hai mặt” của các phương án. Cô Nguyễn Thanh Hà, giáo viên đang công tác tại một trường THCS tại Hà Nội cho rằng, thực tế việc chọn SGK được trao cho nhà trường, cho giáo viên thì sẽ bám sát thực tiễn hơn nhưng ở hội đồng cấp tỉnh, thành phố, các thành viên của hội đồng có thể có những đánh giá toàn diện, chuẩn xác hơn về các bộ sách ở tầm bao quát.
Bên cạnh đó, khi việc chọn SGK được giao cho các nhà trường, hiệu trưởng sẽ có quyền nhiều hơn trong việc đưa ra quyết định song nếu như hiệu trưởng thiếu bản lĩnh cũng sẽ khó có thể giữ được sự khách quan, công tâm khi các đơn vị xuất bản tìm cách chủ động tiếp cận và có đưa ra các hứa hẹn về quyền lợi hấp dẫn.
Thầy Lê Công Toản, giáo viên phổ thông ở Nghệ An cũng cho rằng, hiện nay các bộ SGK được đưa vào nhà trường đều đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Do đó, về nguyên tắc, các trường chọn bộ SGK nào trong các bộ sách trên đều được. Vấn đề đặt ra là để ngăn chặn, hạn chế tiêu cực có thể xảy ra trong việc lựa chọn sách, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo gồm Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để việc lựa chọn SGK đảm bảo thực chất, dân chủ, minh bạch và công bằng.
Nguồn:https://cand.com.vn/giao-duc/giao-quyen-lua-chon-sach-giao-khoa-cho-nha-truong-co-han-che-duoc-tieu-cuc–i712030/
Ý kiến ()