Giao lưu văn hóa thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc
Trong 15 năm qua, từ khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đến nay, giao lưu văn hóa, nhân văn giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng sâu rộng, nhân dân hai nước ngày càng xích lại gần nhau.
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi núi liền núi, sông liền sông, văn hóa tương đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu văn hóa giữa hai nước. Các bộ phim truyền hình được chuyển thể từ “Tứ đại danh bộ” của Trung Quốc gồm: “Tây du ký”, “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử” và “Hồng lâu mộng” đã được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam.
Chị Nguyễn Quỳnh Mai (26 tuổi, Thạc sĩ, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) chia sẻ với phóng viên: “Tôi là người Hà Nội, cứ mỗi dịp hè đến, tôi lại xem “Tây du ký”. Tôn Ngộ Không với phép thuật vi diệu, nữ vương của Nữ nhi quốc xinh đẹp… đều là những nhân vật mà tôi rất mến mộ. Hiện nay, nếu có dịp ghé thăm khu phố cổ Hà Nội, bạn vẫn thường xuyên có thể bắt gặp màn trình diễn của Tôn Ngộ Không, thu hút không ít người xem.”
Các sinh viên Việt Nam tham gia trò chơi đoán câu đố tại Chương trình Liên hoan ca nhạc, phim ảnh thanh niên Trung Quốc – ASEAN diễn ra ngày 1-11-2023 tại Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: Tân hoa xã |
Hiện nay, giới trẻ Việt Nam khá yêu thích các bộ phim truyền hình Trung Quốc thuộc thể loại cổ trang và ngôn tình thành thị. Sinh viên Nguyễn Minh Anh (Khoa Đạo diễn, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) cho biết: “Kịch bản phim Trung Quốc hay, sản xuất chất lượng cao. Tôi sắp tốt nghiệp vào năm sau và những bộ phim truyền hình Trung Quốc mang lại cho tôi rất nhiều cảm hứng cho đồ án tốt nghiệp của mình”.
Âm nhạc cũng là sợi dây tinh thần kết nối người dân Trung Quốc và Việt Nam. Nhiều bài hát của Trung Quốc đã trở nên thịnh hành tại Việt Nam. Đồng thời, một số ca khúc của Việt Nam cũng đã nhanh chóng trở nên phổ biến ở Trung Quốc.
Kể từ đầu năm nay, lượng khách du lịch qua lại giữa Trung Quốc và Việt Nam liên tục tăng. Ngày 15-3, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thuộc tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam, các cô gái địa phương đội nón lá, mặc áo dài truyền thống đứng tặng hoa cho đoàn khách Trung Quốc đầu tiên vào Việt Nam sau dịch Covid-19, người dân tổ chức múa lân chào đón đoàn khách du lịch Trung Quốc đầu tiên qua đường bộ đến Việt Nam sau khi Trung Quốc thí điểm khôi phục các tour du lịch ra nước ngoài. Đến cuối tháng 9-2023, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam trong năm nay đã vượt quá 1,12 triệu lượt người…
Ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, du lịch là lĩnh vực quan trọng trong hợp tác Việt – Trung, ngành du lịch là trụ cột quan trọng của kinh tế Việt Nam, sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc là động lực to lớn thúc đẩy phục hồi kinh tế Việt Nam.
Ngày 15-3-2023, các cô gái Việt Nam tay cầm hoa tươi chào đón du khách Trung Quốc tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn, Việt Nam). Ảnh: Tân hoa xã |
Số lượng sinh viên Việt Nam học tập tại Trung Quốc đang tăng lên qua từng năm, tạo cơ hội cho nhiều bạn trẻ Việt Nam có thể tìm hiểu trực tiếp về lịch sử, văn hóa Trung Quốc. Theo số liệu từ Hội đồng Học bổng Trung Quốc, hơn 23.000 sinh viên Việt Nam đã sang Trung Quốc học tập trong năm học 2022-2023.
Năm ngoái, Trung Quốc công bố sẽ dành cho Việt Nam hơn 1.000 suất học bổng Chính phủ và hơn 1.000 suất học bổng cho giáo viên Trung văn quốc tế trong 5 năm tới. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhân, giảng viên Khoa Ngôn ngữ Văn hóa Trung Quốc, Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hợp tác trong lĩnh vực nhân văn Việt – Trung hiện nay có tiềm năng lớn; tin tưởng rằng hai bên sẽ thúc đẩy hơn nữa giao lưu nhân văn trong tương lai, qua đó tiếp tục làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/giao-luu-van-hoa-thuc-day-tinh-huu-nghi-giua-nhan-dan-hai-nuoc-viet-nam-trung-quoc-755098
Ý kiến ()