Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2561
Ngày 10/5 (tức rằm tháng 4 năm Đinh Dậu), tại Hà Nội, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức trọng thể Đại lễ Phật đản Phật lịch 2561, dương lịch 2017.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đọc diễn văn Phật đản
Dự lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số bộ, ngành, đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các tôn giáo bạn cùng đông đảo Phật tử.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lẵng hoa chúc mừng.
Thông điệp nêu rõ, Phật đản là thời gian mỗi người con Phật có cơ hội ôn lại lịch sử của Đức Bản sư để chiêm nghiệm và hành trì, để sống theo lời Ngài chỉ dạy, đi theo con đường Ngài đã đi. Đó là con đường Bát Chính Đạo, con đường Giới – Định – Tuệ. Mỗi chúng ta phải nỗ lực làm cho Đạo Phật xương minh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đem lại an lạc, hạnh phúc cho bản thân và gia đình, sự phồn vinh, thịnh vượng cho đất nước và hòa bình cho nhân loại.
Năm 2017, mùa Phật đản Vesak Phật lịch 2561 trở về trong không khí Tăng Ni và Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đoàn kết, tập trung trí tuệ cùng nhau tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo các tỉnh, thành phố, tiến tới Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022). Sự phát triển ổn định, bền vững của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở tất cả các cấp là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp hoằng dương chính pháp, gìn giữ và phát huy sự trong sáng, truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong muốn mỗi Tăng Ni, Phật tử, tổ chức thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam nâng cao trách nhiệm và làm tròn bổn phận của mình trên tinh thần: Trí tuệ – kỷ cương – hội nhập – phát triển, góp phần làm cho tổ chức Giáo hội không ngừng lớn mạnh.
Tại buổi Lễ, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đọc diễn văn Phật đản và bày tỏ mong muốn Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước, cũng như ở nước ngoài nỗ lực hơn nữa phấn đấu hoàn thành xuất sắc chương trình Phật sự của nhiệm kỳ VII, phân tích đánh giá những bài học thành công, chỉ ra những nguyên nhân hạn chế trong điều hành Phật sự, nhằm xây dựng chương trình hoạt động sát thực tiễn thời đại cho các Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ VIII và các nhiệm kỳ tiếp theo, định hướng tầm nhìn tới năm 2030 trong bối cảnh đất nước ta đang trong quá trình đổi mới, xu hướng hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định Đại lễ Phật đản không chỉ là sự kiện tôn giáo quan trọng trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của nhân dân theo đạo Phật ở Việt Nam, mà còn là một lễ hội văn hóa, tôn giáo thế giới được Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận từ năm 1999.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, đây là một lễ hội quốc tế về tôn giáo và văn hóa trong khuôn khổ của Liên hợp quốc nhằm góp phần tích cực trong nỗ lực kiến tạo hòa bình cho nhân loại từ tinh thần nhân ái của đạo Phật. Trong thực hành giáo lý và cuộc sống, đạo Phật luôn đề cao tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian pháp”. Với tinh thần ấy, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Phật giáo đã bén rễ, ăn sâu vào dân tộc Việt Nam. Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, tinh thần ấy đã tiếp tục thể hiện ngày càng sâu sắc trong mục tiêu “tốt đời, đẹp đạo”, trong phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội trong suốt 35 năm qua. Đó là minh chứng sâu sắc cho sự gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc, thể hiện sinh động cho sự gắn bó giữa đạo và đời, giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đất nước, dân tộc Việt Nam.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, Phật giáo Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc. Phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam, trong những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng vươn lên, từng bước củng cố và phát triển, lớn mạnh về mọi mặt hoạt động, thể hiện ý chí hòa hợp, đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Phật giáo và tiếp tục phát huy tinh thần gắn bó với dân tộc. Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao những đóng góp cho đất nước và dân tộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai mong muốn các vị chức sắc trong Giáo hội tiếp tục gương mẫu, động viên Tăng Ni, Phật tử nêu cao đạo đức, phát huy tinh thần nhân văn, thân ái của Phật giáo, cùng toàn dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật của nhà nước, thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân, sống hài hòa, đoàn kết, hòa hợp giữa Phật giáo với các tôn giáo khác và với những người không theo tôn giáo, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tin rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp phát huy tinh thần nhập thế, lấy việc phục vụ chúng sinh, ích đạo, lợi đời làm phương hướng tu hành; khẳng định và xiển dương những giá trị ưu việt của tôn giáo hòa bình, để xứng đáng với niềm tin yêu, mong đợi của Tăng Ni, Phật tử nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Giáo hội sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa Phật tử kiều bào, các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài hướng về ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cũng tin tưởng Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 – 2022, suy tôn, suy cử Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự để lãnh đạo Giáo hội trong nhiệm kỳ 5 năm tới.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động Phật sự của Giáo hội, tạo môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tự do, ổn định và lành mạnh trong sự nghiệp phát triển của đất nước.
Nhân dịp này, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp tổ chức lễ phóng sinh, thả 1 tấn cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hồng./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()