Giáo dục và giám sát phòng, chống bạo lực gia đình
Gần đây, tình trạng bạo lực gia đình (BLGÐ) được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng. Ðiều đáng nói, trước đây nạn nhân BLGÐ phần lớn là do người chồng bạo hành với vợ và con cái thì nay có nhiều hơn số vụ con, cháu bạo hành bố mẹ, ông bà già đến mức rất đáng lo ngại.
Một nghiên cứu quốc gia về BLGÐ do Tổng cục Thống kê – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiến hành, với gần năm nghìn người là phụ nữ độ tuổi từ 18 đến 60 trong cả nước, kết quả là: Cứ ba phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có một người (gần 34%) cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tinh thần. Nếu xét đến cả ba hình thức bạo lực trong đời sống vợ chồng, thì có 58% số phụ nữ cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực. Ðối với trẻ em đây cũng là điều rất đáng lo ngại. Cứ bốn phụ nữ có con dưới 15 tuổi thì có một người cho biết con của họ đã từng bị chồng họ bạo hành thể xác. Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Nghiên cứu này chỉ ra, mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực bình đẳng giới, BLGÐ vẫn là vấn đề xã hội rất đáng quan tâm.
Nguyên nhân của tình trạng trên cũng đã được đề cập khá nhiều trong các công trình nghiên cứu, điều tra, khảo sát. Ðó là từ nhận thức về bình đẳng giới và tư tưởng “trọng nam hơn nữ”; do kinh tế gia đình khó khăn, không có việc làm; do trình độ học vấn thấp; do mắc vào tệ nạn xã hội (nghiện rượu, sử dụng ma túy và chơi cờ bạc…); do ghen tuông, ngoại tình; do tập tục lạc hậu; cả do các cơ quan chức năng chưa phát huy đầy đủ vai trò trong phòng, chống BLGÐ. Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, trình độ học vấn cao sẽ có lợi thế hơn trong việc tiếp cận và nắm bắt cơ hội việc làm. Ðây cũng chính là điều kiện để có thu nhập ổn định, giảm bớt những bức xúc về kinh tế trong đời sống gia đình. Với người học vấn thấp sẽ ít có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định. Công việc của họ thường có mức thu nhập thấp. Với những gia đình mà thu nhập không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, dễ phát sinh mâu thuẫn, bạo lực gia đình. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, BLGÐ diễn ra cả trong gia đình mà người chồng và người vợ đều có trình độ học vấn cao, do họ không nhận thức đầy đủ hoặc nhận thức sai các chuẩn mực văn hóa, đạo đức, trách nhiệm.
Môi trường giáo dục gia đình là phương thức giáo dục hiệu quả nhất về nhân cách, về tình cảm yêu thương, sự hy sinh chia sẻ, đạo lý, trách nhiệm, bổn phận của mỗi cá nhân thành viên. Khi mà các giá trị nhân văn của văn hóa gia đình được thấm sâu trong trái tim, trí tuệ và hình thành thói quen tâm lý của mỗi thành viên, gia đình là nơi ngăn chặn, phòng ngừa sớm, hiệu quả đối với các hành vi bạo lực. Do vậy, cùng với tăng cường thực thi pháp luật, kỷ cương trong lĩnh vực này, các tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư tới từng gia đình cần đẩy mạnh các chương trình giám sát, hoạt động giáo dục gia đình, giúp cá nhân và cộng đồng nhận thức đúng về giá trị cao đẹp, thiêng liêng của gia đình trong cuộc đời mỗi con người. Thiết nghĩ, đây là giải pháp quan trọng, thường xuyên để ngăn chặn kịp thời, góp phần giảm thiểu BLGÐ trong mỗi gia đình, nhóm dân cư, từng khu vực tới toàn xã hội.
Theo Nhandan

Ý kiến ()