Giáo dục và đào tạo trên vùng đất chiến khu: Từng bước xây dựng xã hội học tập
Phát triển vững chắc giáo dục chính quy
Toàn huyện có 64 trường, trong đó có 2 trường THPT và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) với 15.694 học sinh.
Cấp học mầm non có tỷ lệ huy động độ tuổi nhà trẻ là 37,6%, độ tuổi mẫu giáo là 99,53%, riêng tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 100%. Trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, trẻ 11 tuổi vào lớp 6 đạt 99,68%. Với 2 trường THPT, tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp THCS vào cấp THPT đạt trên 80%. Với tỷ lệ này, Bắc Sơn trở thành huyện có tỷ lệ huy động trẻ đi học cao thứ 2 trong toàn tỉnh (đứng sau thành phố Lạng Sơn).
Đến hết tháng 6/2015, toàn huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; giữ vững thành tựu phổ cập giáo dục tiểu học- chống mù chữ tại 100% số xã, trong đó có 14 xã, thị trấn đạt mức độ 2. Nâng cao chất lượng phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Bằng sự đầu tư của nhà nước và công tác xã hội hóa giáo dục ở mức cao, hiện toàn huyện đã có 12 trường học đạt chuẩn quốc gia
Công tác giáo dục dân tộc được chú trọng. Với 6 trường phổ thông dân tộc bán trú, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS, học sinh người dân tộc các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng an toàn khu (ATK) được quan tâm; chế độ chính sách cho người học được đảm bảo đầy đủ. Năm học 2014-2015, toàn huyện có 3.403 trẻ từ 3-5 tuổi được hỗ trợ tiền ăn; 1.095 học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn, ở; 1.760 học sinh được hỗ trợ gạo; trên 12.500 học sinh cấp tiểu học và THCS được cấp sách giáo khoa và giấy vở học sinh.
Giờ đọc sách trong thư viện của học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Bắc Sơn
Mở rộng các hình thức học tập
Năm học 2014-2015, số học sinh sinh viên (HSSV) Bắc Sơn có trên 1.000 người đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường nghề và có gần 1.000 lượt người học nghề và dự bồi dưỡng nghề tại Trung tâm GDTX và Trung tâm dạy nghề.
Bằng sự năng động trong liên kết đào tạo, hằng năm, Trung tâm GDTX huyện Bắc Sơn đã mở nhiều lớp học nghề và bồi dưỡng các nghề phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, thu hút nhiều thanh niên vào học. Điều tra, mở lớp tại các xã, cụm xã, tạo điều kiện cho thanh niên học bổ túc THPT; đồng thời tổ chức cho họ tham gia định hướng nghề nghiệp, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Với phương châm “Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”, Trung tâm đã có đề tài “Du lịch Bắc Sơn, một vùng quê cách mạng” của học viên Hoàng Thị Thoa đạt giải 3 quốc gia Cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn dành cho học sinh Trung học.
Thực hiện tốt các chính sách, góp phần tạo thuận lợi về chương trình, cách thức, nhân lực cho các Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động. Năm học 2014-2015, toàn huyện đã mở 164 lớp tại 20 Trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, thu hút 22.900 người tham dự với các chuyên đề về pháp luật, kinh tế, kỹ thuật, văn hóa, đời sống.
Tổ chức tốt công tác khảo sát, điều tra số người trong độ tuổi chưa biết chữ, có kế hoạch mở lớp, duy trì phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục THCS tại các địa phương. Đến nay, tỷ lệ thanh niên độ tuổi 15-18 tốt nghiệp THCS đã đạt 88,6%; tỷ lệ người từ 15-60 tuổi biết chữ đạt 93%, trong đó, 99,8% số người trong độ tuổi từ 15-36 biết chữ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Tiến Đức, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Sơn cho biết: trên nền vững chắc của giáo dục chính quy, GDTX phát triển mạnh tạo cơ hội học tập cho mọi người. Nếu cộng tất cả các loại hình, hình thức học tập, năm học 2014-2015, huyện Bắc Sơn có trên 41 ngàn người dân đi học, như vậy bình quân cứ 1,7 người dân có 1 người đi học. Đây là biểu hiện rõ của một xã hội học tập- một biểu hiện tích cực về vai trò của GD&ĐT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.
Ý kiến ()