Giáo dục và đào tạo: 'Không chỉ là chủ trương mà phải là quốc sách'
Theo đại biểu Phan Thanh Bình, trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII đặt ra việc đột phá trong giáo dục và đào tạo, vấn đề này không chỉ là chủ trương mà phải là quốc sách.
Giáo dục và đào tạo là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến, đóng góp của các đại biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 29, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và nguồn lực còn hạn hẹp, song với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém đã chỉ ra trong Nghị quyết 29 chưa được giải quyết triệt để, cần tiếp tục triển khai thực hiện trong giai đoạn tới.
Để có những đánh giá rõ hơn, bên hàng lang phiên thảo luận chiều 27/1, Đại biểu Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có một số trao đổi với báo chí về nội dung trên.
– Thưa ông, tại văn kiện lần này, vấn đề giáo dục đào tạo sẽ được chú trọng như thế nào trong giai đoạn tới?
Đại biểu Phan Thanh Bình:Trong báo cáo văn kiện chính thức của Đại hội có đánh giá hai mặt, cả mặt làm được và chưa làm được. Trong những mặt làm được, cái lớn là trong 7 năm qua chúng ta đã đưa những quan điểm mới, những khái niệm mới vào trong giáo dục.
Từ vấn đề hoàn thiện hệ thống đến làm sao để giáo dục phát triển năng lực chứ không chỉ là kiến thức và đẩy lên thêm một mức nữa, đó là vấn đề chất lượng và tự chủ đối với bậc đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Từ đó, các cơ quan chức năng đã ban hành Khung trình độ 8 bậc để có thể liên thông từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Theo tôi, đây là những vấn đề mà chúng ta đã đặt nền tảng ban đầu và cũng đã có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong văn kiện có đề cập đến nội dung, đó là: Đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong thời gian vừa qua vẫn chưa thật sự trở thành một động lực then chốt cho phát triển kinh tế-xã hội. Đấy là câu chốt lại và tôi nghĩ câu chốt đó đặt ra nhiều vấn đề cho giáo dục của chúng ta.
Do vậy, trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII cũng đặt ra là phải đột phá trong nội dung này. Cụ thể là khẳng định cho được vấn đề giáo dục và đào tạo không chỉ là chủ trương mà phải là hành động và quốc sách.
Bên cạnh đó gắn giáo dục đào tạo với khoa học và công nghệ để sáng tạo, với mục tiêu chúng ta phải đào tạo cho được con người Việt Nam trong một giai đoạn mới, trong bối cảnh toàn cầu và sự phát triển công nghệ rất mạnh. Điều này góp phần phục vụ cho sự phát triển của đất nước mà chúng ta có những khát vọng rất lớn ở những năm 2025 để vượt qua được thu nhập trung bình thấp, sau đó phát triển tốt hơn.
– Rõ ràng phát triển giáo dục là 1 trong 3 đột phá chiến lược của dự thảo văn kiện, vậy ông có thể nói rõ hơn vấn đế giáo dục đào tạo sẽ được xây dựng và ưu tiên như thế nào?
Đại biểu Phan Thanh Bình:Dự thảo văn kiện vẫn giữ nguyên 3 mũi đột phá, đó là về thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, lần này vấn đề giáo dục đào tạo được chú trọng vào nguồn nhân lực. Ở trong văn kiện đặt ra vấn đề như tôi nói ở trên, đó là phải làm sao đào tạo cho được những con người Việt Nam trong một giai đoạn mới.
Đại biểu Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Với mục tiêu này, văn kiện đặt ra nhiều vấn đề; trong đó có việc chúng ta phải đổi mới trong quản lý Nhà nước và quản trị đồng thời đặt ra hàng loạt các chính sách mà các cơ quan chức năng phải ban hành để làm sao đẩy được giáo dục đi lên.
Bên cạnh đó, dự thảo văn kiện cũng đặt ra những vấn đề mà ngay bản thân ngành giáo dục cũng phải đổi mới quản trị để đảm bảo chất lượng và cả những vấn đề tự chủ, trách nhiệm giải trình… để thành động lực phát triển cho thời gian tới.
Cuối cùng, trong văn kiện có nêu về trách nhiệm Nhà nước phải tiếp tục đầu tư và đầu tư tốt hơn cho giáo dục và đào tạo.
– Cùng với phát triển kinh tế thì lĩnh vực văn hóa cũng là lĩnh vực tới đây rất được chú trọng. Vậy vấn đề xây dựng văn hóa con người, khơi dậy khát vọng, ý chí phát triển của dân tộc Việt Nam được xác định như thế nào, thưa ông?
Đại biểu Phan Thanh Bình:Có thể nói đây là một điểm mà chúng ta đang muốn đẩy mạnh hơn trong thời gian sắp tới.
Như tôi nói thì mục tiêu rất rõ trong các phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng như trong văn kiện cũng nhắc tới, đó là: Chúng ta làm sao phát triển, đẩy mạnh và làm nổi bật lên văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam.
Trong tình hình hiện nay, vấn đề này đang đặt ra rất nhiều cái mới. Thứ nhất, chúng ta phải thấy rằng ở một nền tảng văn hóa sẽ phát triển thì kèm đó là trình độ kinh tế.
Con người và văn hóa sẽ đi theo kinh tế, cho nên nếu chúng ta phát triển văn hóa-con người thì kinh tế sẽ càng phải phát triển tốt. Đây là một yếu tố chung, gắn bó giữa kinh tế-văn hóa-xã hội.
Thứ hai, đứng trước toàn cầu hóa, nếu như chúng ta không đặt trọng tâm vào con người thì không biết chúng ta sẽ đi về đâu?
Một điều nữa chúng ta nói rất nhiều đó là sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hay sự phát triển của Robốt thì vấn đề con người cũng cần phải được đặc biệt quan tâm trong một thời đại phát triển nhanh và mạnh.
– Xin cảm ơn ông./.
Ý kiến ()