Giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử: Nhân lên niềm tự hào, bồi đắp tình yêu quê hương
– Cùng với đổi mới nâng cao chất lượng dạy học, các trường học trên địa bàn tỉnh còn chú trọng giáo dục văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bồi đắp tình yêu quê hương cho thế hệ trẻ.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, có 7 dân tộc chính cùng sinh sống và có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa tạo nên sự đa dạng, phong phú, giàu bản sắc. Để giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa đó của quê hương, thời gian qua, ngành giáo dục đã quan tâm tích hợp giáo dục văn hóa địa phương vào các môn học, hoạt động ngoại khóa… Qua đó, giúp thế hệ trẻ có ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa.
Học sinh Trường Tiểu học xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn tham quan tìm hiểu lịch sử văn hóa địa phương tại Bảo tàng tỉnh
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Toàn tỉnh hiện có 670 cơ sở giáo dục từ mầm non đến trường chuyên nghiệp với trên 209.000 học sinh, sinh viên. Xác định tầm quan trọng của giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống, sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục lồng ghép, tích hợp nội dung dạy học lịch sử văn hóa địa phương vào các môn học, hoạt động giáo dục; truyền đạt cho học sinh các chủ đề văn hóa trong các hoạt động ngoại khóa, chương trình ngoài giờ lên lớp, các tiết chào cờ, sinh hoạt tập thể; thành lập các câu lạc bộ để tuyên truyền, lưu giữ và bảo tồn các giá trị lịch sử và văn hóa… qua đó, góp phần trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản về quá trình hình thành và phát triển của địa phương mình.
Từ năm học 2019 – 2020, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc. Theo đó, ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Ở cấp THCS và THPT, nội dung giáo dục địa phương có vị trí tương đương các môn học khác. Trong đó, căn cứ điều kiện thực tiễn và đặc trưng văn hóa của mỗi huyện, thành phố, các trường học lại có cách làm sáng tạo riêng, có thể là thông qua hình thức dạy – học trên lớp trong giờ chính khóa hoặc tổ chức các tiết ngoại khóa, để học sinh tham quan, tìm hiểu học tập và trải nghiệm; tổ chức tọa đàm về các giá trị di sản văn hóa tại địa phương.
Tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, ngoài dạy học chính khóa, nhà trường còn lồng ghép nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương vào các tiết sinh hoạt dưới cờ hằng tuần và các hoạt động ngoại khóa. Cô Vương Xuân Thuận, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Là trường đặc thù, hiện có hơn 600 học sinh, 100% học sinh là con em người dân tộc thiểu số, nhà trường rất quan tâm giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương. Trường quy định học sinh mặc trang phục dân tộc vào thứ 2 hằng tuần. Trong các ngày lễ lớn của dân tộc, của địa phương, trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa học tập trực tiếp tại khu di tích. Ở đó giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh sưu tầm tài liệu lịch sử, văn hóa quê hương, sau đó trình bày lại trước lớp, giúp các em dễ nhớ, dễ hiểu và tích cực hơn trong học tập.
Theo tìm hiểu, đến nay, 100% trường học đều thực hiện đưa giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc vào giảng dạy trong trường học. Một số trường còn thành lập các câu lạc bộ văn hóa để học sinh được tiếp cận những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Có thể kể đến như: Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS – THPT huyện Văn Quan, để bảo tồn văn hóa truyền thống hát then, đàn tính, từ tháng 6/2021 trường đã thành lập câu lạc bộ hát then, đàn tính. Ban đầu câu lạc bộ chỉ có 16 thành viên, đến nay đã có hơn 300 học sinh trong trường tham gia. Em Triệu Tuấn Minh, lớp 9A chia sẻ: Tham gia câu lạc bộ, hằng ngày, sau các buổi học, em đều tranh thủ luyện đàn và hát, nhờ đó thành thạo nhiều làn điệu then, đàn tính. Qua hát then, đàn tính giúp em hiểu và thêm yêu hơn văn hóa của dân tộc mình.
Để giáo dục học sinh về các giá trị văn hóa quê hương, hằng năm, 100% trường học từ mầm non đến chuyên nghiệp đều tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm theo các chủ đề: tết quê, chợ quê, trải nghiệm lễ hội, trò chơi dân gian… Các trường học còn chủ động phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức cho học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu về các di tích, về văn hóa truyền thống Xứ Lạng. Tính riêng trong năm 2022, Bảo tàng tỉnh đã đón tiếp hơn 15.000 lượt học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa.
Những hoạt động được triển khai của ngành giáo dục tỉnh đã và đang góp phần lan tỏa nét đẹp truyền thống đến toàn thể học sinh, sinh viên. Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục các giá trị văn hóa quê hương trong nhà trường, giúp các em có ý thức bảo vệ, gìn giữ và tự hào về những giá trị truyền thống của dân tộc.
Ý kiến ()