Giáo dục truyền thống qua các làn điệu dân ca
Trong thi đua xây dựng THTT, HSTC, các trường được khuyến khích tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi lành mạnh, học sinh được rèn luyện kỹ năng sống, phát huy truyền thống văn hóa đặc sắc của các dân tộc trong đó có việc tìm hiểu, tham gia sinh hoạt, các câu lạc bộ hát dân ca. Hỗ trợ đưa dân ca vào trường học là dạy cho học sinh biết hát một số làn điệu dân ca tiêu biểu, được tiếp cận với các vùng miền qua làn điệu dân ca trên phạm vi toàn quốc, từ đó xây dựng và phát triển năng lực, năng khiếu âm nhạc cho học sinh; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hỗ trợ và tăng cường hiệu quả việc giảng dạy bộ môn âm nhạc trong các giờ học chính khóa; giáo dục học sinh biết trân trọng, yêu quý dân ca, cảm nhận được vẻ đẹp của văn hóa dân tộc cũng như góp phần định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc cho học sinh. Nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, việc đưa dân ca vào các trường học theo các nội dung như: Sưu tầm, tuyển chọn dân ca các vùng miền và các dân tộc thiểu số để xây dựng thành một tài liệu dạy học trong trường học phù hợp từng lớp, từng địa phương là rất cần thiết. Nhất là xây dựng một tài liệu trong đó cung cấp một số kiến thức sơ lược, khái quát về dân ca và nhạc cụ dân tộc, các hình thức sinh hoạt âm nhạc dân gian và nêu lên tác dụng, ảnh hưởng của âm nhạc trong đời sống xã hội xưa và nay sẽ là tiền đề giúp học sinh hiểu biết, nắm bắt được những đặc trưng văn hóa cả nước. Mặt khác, các trường hướng dẫn học sinh sử dụng và tuyên truyền dân ca trong các sinh hoạt ở trường lớp và tham gia các hoạt động ngoại khóa; tổ chức cho học sinh nghe dân ca, dân nhạc sẽ góp phần hình thành thị hiếu và thẩm mỹ âm nhạc, yêu truyền thống quê hương, đất nước trong mỗi học sinh.
Tại Trường THCS Văn Khê, quận Hà Đông (Hà Nội), trao đổi ý kiến với chúng tôi, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Trung Thu cho biết, trước đây, nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhưng từ khi có sự phát động đưa dân ca vào trường học thì các câu lạc bộ dân ca của trường được thành lập ngày một nhiều và hoạt động thường xuyên hơn. Vào các ngày thứ hai đầu tuần, sinh hoạt dưới cờ hoặc sinh hoạt lớp đã trở nên sôi động, vui tươi, tạo sự đoàn kết cho học sinh. Phần lớn các lớp đều có đội hát, đăng ký, thi đua cùng thi hát dân ca và tìm hiểu dân ca. Lê Thị Như Quỳnh, học sinh lớp 9B Trường THCS Văn Khê cho biết, từ khi học tiểu học em đã được học hát dân ca. Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện đưa dân ca vào trường học, nhà trường thành lập nhiều câu lạc bộ dân ca, em không còn hát theo cảm tính, học thuộc nữa mà đã được dạy và tìm hiểu cách lấy hơi, giữ giọng cho từng làn điệu, nhất là được giảng giải, hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa, tính nhân văn được truyền tải trong mỗi làn điệu, mỗi câu hát dân ca của các miền, các dân tộc khác nhau.
SAU hơn hai năm triển khai, phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC, nhất là đưa các làn điệu dân ca vào trường học nhận được sự đồng thuận, và hưởng ứng mạnh mẽ của toàn xã hội nói chung, ngành GD và ĐT nói riêng. Sự hưởng ứng tham gia tích cực của cơ sở giáo dục và phụ huynh, học sinh đã giúp cho cảnh quan môi trường trong các nhà trường có sự chuyển biến rõ rệt. Theo tiến sĩ Trần Đình Châu, Vụ trưởng, Giám đốc dự án giáo dục THCS 2 (Bộ GD và ĐT), việc đưa dân ca vào trường học, nhất là kết quả thí điểm ở các trường THCS ở năm tỉnh, thành phố trên cả nước gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh của Bộ GD và ĐT đã tạo được môi trường học tập chan hòa, cởi mở, thân thiện giữa giáo viên và học sinh. Phần lớn các tiết dạy thí điểm dân ca đều có không khí học tập sôi nổi, học sinh rất tích cực tham gia xây dựng bài. Các em được xem, được nghe hát dân ca, được hát dân ca và được vận động, tham gia các sinh hoạt tập thể như biểu diễn dân ca, trò chơi dân gian. Phần lớn giáo viên và học sinh đều rất phấn khởi và hứng thú, mong muốn dân ca Việt Nam sẽ nhanh chóng được phổ cập trong nhà trường THCS nói riêng, hệ thống giáo dục quốc dân nói chung. Việc tổ chức đưa các trò chơi, các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian vào trong nhà trường phù hợp điều kiện cụ thể của địa phương và lứa tuổi học sinh phổ thông đang từng bước góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục của các nhà trường.
Ý kiến ()