LSO-Năm 1996, các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) của tỉnh Lạng Sơn được thành lập không chỉ đáp ứng việc nâng cao trình độ cho mọi đối tượng có nhu cầu, mà còn tạo điều kiện cho những học sinh yếu kém không vào được các trường THPT hệ chính quy, có cơ hội được phổ cập về văn hóa. Nhưng chất lượng của loại hình này vẫn là sự trăn trở bấy lâu nay của ngành GD.
Chất lượng thấp, tại…nhiều bên
Có một câu chuyện khôi hài “cười ra nước mắt”: Một cán bộ xã phát biểu với thầy và trò trường THCS nhân khai giảng năm học mới “các em phải chăm ngoan, học giỏi…tương lai của xã nhà trông chờ vào các em”. Học sinh ngồi dưới ghé tai nhau “Ông ấy học tại Trung tâm GDTX huyện, song hai năm thi tốt nghiệp vẫn trượt…”
Những năm trước đây, khi ngành GD còn cho phép các trường THPT xét tuyển “hệ B”, thì học viên vào các trung tâm GDTX được gọi là “B3” (sau hệ B và trường THPT Dân lập Ngô Thì Sỹ). Theo một số liệu, điểm xét tuyển sinh trung bình của “đầu vào”môn Ngữ Văn là 1,04, môn Toán là 0,79. Kết quả kiểm tra chất lượng “đầu vào” của học viên, điểm trung bình trở lên chỉ chiếm dưới 10%. Theo nhận xét của ngành, đa số có năng lực học tập rất hạn chế, nhận thức chậm, nhiều học sinh lười học, ý thức tổ chức kỷ luật kém, thường xuyên vi phạm nội quy, quy định của các trung tâm. Số học viên là cán bộ và người lao động, do đã nghỉ học một thời gian dài, nên các kiến thức cơ bản bị quên lãng, rất khó khăn cho việc tiếp thu kiến thức mới, nhất là trong giai đoạn đổi mới GD, thay SGK.
|
Học viên Trung tâm GDTX Cao Lộc trong giờ học vi tính |
Không chỉ là học viên, những năm đầu mới thành lập, các trung tâm trong tình trạng thiếu CSVC và cán bộ giáo viên một cách trầm trọng. Phòng học nhờ, học “chay” dạy “chay”, giáo viên thiếu phải cần đến sự chi viện của đội ngũ GV các trường THPT theo tính chất “thỉnh giảng”. Sau này, đội ngũ được kiện toàn và củng cố dần thì “nguồn” lại là những giáo viên cấp THPT, thậm chí cả giáo viên cấp THCS có trình độ chuyên môn thấp, thiếu trách nhiệm; không những vậy, họ luôn luôn trong tình trạng “ quá tải” về giờ dạy; chậm đổi mới phương pháp dạy học, mà chủ yếu là đọc- chép. Năng lực quản lý hành chính cũng như quản lý chuyên môn của cán bộ trung tâm còn nhiều hạn chế. Chậm đổi mới trong đánh giá kiểm tra; có Trung tâm chỉ chạy theo liên kết với mục đích “ làm kinh tế” mà không quan tâm đến nâng cao chất lượng bổ túc THPT.
Chất lượng “đầu vào” thấp, giáo viên bất cập về trình độ và trách nhiệm, đội ngũ quản lý chậm đổi mới phương pháp lãnh đạo, CSVC còn khó khăn…chính là nguyên nhân dẫn đến chất lượng “đầu ra” rất thấp. Từ năm học 2005-2006 trở về trước, căn bệnh thành tích đã “ru ngủ” loại hình GDTX, nhưng từ năm học 2006-2007, cuộc vận động “ hai không” chính là “ phép thử” của loại hình này; chất lượng mới lộ rõ thực chất và đang trở thành mối nghi ngại của xã hội.
Trong 5 nhiệm vụ của trung tâm GDTX được ghi trong Quyết định số 01/2007/QĐ/BGD&ĐT ngày 2/1/2007 của Bộ GD&ĐT, các trung tâm GDTX hầu như chỉ chú trọng vào tuyển sinh và dạy bổ túc văn hóa; do nhiều nguyên nhân công tác dạy và thực hành kỹ thuật nghề nghiệp chưa được quan tâm. Vì vậy, hầu hết học sinh khi ra trường (dù có tốt nghiệp hay không) vẫn chưa xác định được nghề nghiệp cho mình.
Giải pháp nâng cao chất lượng
Khi các trung tâm GDTX ở Lạng Sơn có CSVC ngày càng khang trang, trang thiết bị ngày càng đồng bộ, thì chỉ có thể nâng cao chất lượng bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó nâng cao chất lượng đội ngũ CBGV, tăng cường hoạt động chuyên môn, tăng thời lượng học, bồi dưỡng học sinh yếu kém và đổi mới công tác kiểm tra đánh giá. Với phương châm “ lấy cần cù bù thông minh”, nhiều trường đã tổ chức dạy thêm buổi, kèm cặp học sinh yếu kém. Với phương pháp này, dù có dạy theo lối “ truyền thống” nếu học sinh chịu khó vẫn có thể “vượt qua” kỳ thi tốt nghiệp và có bằng lớp 12 hệ bổ túc THPT.
Với đặc điểm của học viên trung tâm GDTX, khi ra trường họ sẽ là những người trực tiếp tham gia công tác và lao động sản xuất ở địa phương. Vì vậy, song song với các giải pháp nâng cao chất lượng văn hóa, các Trung tâm GDTX cần được trang bị thiết bị và đội ngũ GV dạy nghề, kết hợp với trung tâm dạy nghề cấp huyện để hình thành nghề cho học viên theo mô hình của Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề tỉnh và trường Trung cấp nghề Việt – Đức. Được như vậy, không những học viên hoàn thành chương trình học văn hóa, mà trong 3 năm học, họ sẽ có được một nghề để làm ăn sinh sống. Như vậy, một vấn đề đặt ra là trong khi nhiều huyện chưa có điểm, hoặc chưa xây dựng được trung tâm dạy nghề, có thể kết hợp với trung tâm GDTX theo tính chất “ hai trong một”. Bởi vì đối tượng mà trung tâm dạy nghề hướng tới cũng chính là những người có trình độ THCS hoặc bổ túc THPT- cũng chỉ những đối tượng này mới “chịu ở nhà”, vì với học vấn yếu kém của mình, họ không thể vươn xa được.
Ý kiến ()