Giáo dục STEM cấp THPT: Khơi dậy đam mê sáng tạo của học sinh
– Từ năm học 2019 – 2020, một số trường THPT trên địa bàn tỉnh đã thí điểm dạy học chương trình STEM nhằm khuyến khích hoạt động tư duy sáng tạo, ứng dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn đời sống của học sinh.
Giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp liên môn (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán). Từ năm học 2017 – 2018, nhiều chương trình của giáo dục STEM đã được các trường từ cấp mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh lồng ghép giảng dạy, nhằm khích lệ học sinh tham gia học tập, sáng tạo. Đến năm học 2019 – 2020, thực hiện Đề án Thí điểm triển khai giáo dục STEM tại một số trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã triển khai chương trình giáo dục này.
Để việc giảng dạy STEM đạt hiệu quả, các trường THPT còn tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM để học sinh, giáo viên thử sức trong vận dụng lý thuyết đến thực tế bằng các mô hình, sản phẩm. Tiêu biểu có thể kể đến “Ngày hội STEM” của 2 cụm trường gồm: cụm các trường THPT “Văn Lãng – Tràng Định – Bình Độ” và cụm trường THPT trên địa bàn huyện Hữu Lũng được tổ chức trong năm học 2019 – 2020. Ngày hội có sự tham gia của hơn 1.000 học sinh và trên 150 giáo viên với gần 100 sản phẩm dự thi của giáo viên và học sinh.
Mỗi sản phẩm đều thể hiện sự sáng tạo, vận dụng hiệu quả các kiến thức của nhiều môn học, một số sản phẩm có tính ứng dụng và có hướng phát triển trong tương lai thành các sản phẩm khoa học có giá trị cao. Điển hình như: sản phẩm rượu vang na, rượu vang sim; mô hình trồng rau thủy canh, thuốc khử mùi hôi chân; si rô sấu gừng; điều hòa mi ni; mô hình tưới tự động… của học sinh.
Thầy Nguyễn Thái Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Hữu Lũng cho biết: Trước khi tham dự “Ngày hội STEM” cấp cụm, Trường THPT Hữu Lũng đã tổ chức ngày hội STEM cấp trường. Ở đây, các em học sinh đã mang đến 91 sản phẩm thuộc 3 nhóm lĩnh vực hóa – sinh, lý – kỹ thuật và khoa học. Trong đó có 55 sản phẩm của học sinh và 36 sản phẩm của giáo viên. Có nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống, nhất là sản phẩm chế biến từ nông sản địa phương.
Hay như “Ngày hội STEM” cấp trường của Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn được tổ chức vào đầu học kỳ II, năm học 2020 – 2021 vừa qua. Tham gia ngày hội, học sinh đã sáng tạo nhiều sản phẩm, dự án về ẩm thực, kinh doanh, sáng tạo kỹ thuật… vận dụng các kiến thức đã học vào giải thích, thiết kế, lắp đặt. Em Phùng Tiến Lộc, học sinh lớp 12A2 cho biết: Nhóm lớp chúng em áp dụng kiến thức từ lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, điều tra, nghiên cứu thị hiếu của giới trẻ để thực hiện dự án gian hàng ẩm thực với các món ăn, đồ uống được chế biến từ rau, củ, quả trên các vùng quê Lạng Sơn. Gian hàng đã thu hút nhiều bạn học và cả khách đến tham quan mua và thưởng thức.
Qua đây có thể thấy: so với phương pháp giáo dục truyền thống, giáo dục STEM có nhiều lợi ích thiết thực theo đúng phương châm “học đi đôi với hành”, “học để phục vụ cuộc sống”. Thông qua giáo dục STEM, những kiến thức hàn lâm đã được kết hợp chặt chẽ với các bài học thực tế, học sinh được áp dụng những kiến thức khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học vào những bối cảnh cụ thể.
“Giáo dục STEM đã giúp học sinh phát triển năng lực bản thân. Điều đó được thể hiện rõ nhất không chỉ ở ngày hội STEM mà thông qua cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh phổ thông, các em đã vận dụng linh hoạt kiến thức đã học để sáng tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích. Trong năm 2019, cả tỉnh có 126 sản phẩm của học sinh tham gia cuộc thi và có 84 sản phẩm đạt giải. Đến năm 2020, có 134 dự án được lựa chọn, trong đó có 90 dự án đạt giải. Các dự án thể hiện sự sáng tạo, có sự đầu tư nghiên cứu công phu, phương pháp nghiên cứu khoa học và sản phẩm nghiên cứu có giá trị thực tiễn”. Ông Đặng Hồng Cường, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo |
THẢO NGUYÊN
Ý kiến ()