Thứ 4, 25/12/2024 00:33 [(GMT +7)]
Giáo dục pháp luật cho học sinh vùng cao
Thứ 5, 13/05/2010 | 09:21:00 [(GMT +7)] A A
Chiếc xe u-oát quân sự đưa chúng tôi đi qua một vùng thị tứ của huyện Sông Mã (Sơn La) vào đúng thời điểm học sinh tan tầm ra về. Suốt quãng đường gần 2 km, hàng trăm học sinh trung học (từ lớp 6 đến lớp 12) cứ “hồn nhiên” đi bộ, đạp xe tung tăng trên đường.
Mặc cho chiếc xe rú còi để “xin đường”, các học sinh vẫn “tụm năm, tụm ba” dàn xe đạp thành hàng ngang choán hết cả mặt đường. Đến một đoạn đông người, anh tài xế thò đầu ra cửa và lên tiếng đề nghị: “Các cháu ơi, ra đường phải chấp hành đúng luật lệ giao thông chứ. Đường chật hẹp thế này các cháu phải đi gọn sang bên phải đường để cho xe chú đi chứ”! Nhưng các cô cậu học trò vẫn “bỏ ngoài tai” và tiếp tục “mạnh ai nấy đi” như “đường của nhà mình” vậy!
Lần khác, chúng tôi được chứng kiến một vụ xét xử ba học sinh phổ thông người dân tộc thiểu số của huyện Bảo Yên (Lào Cai) phạm tội trộm cắp tài sản công dân. Khi tòa hỏi nguyên nhân dẫn tới hành vi phạm tội thì cả ba người đều nói: “Bị cáo phạm tội là do chưa hiểu biết đầy đủ về pháp luật”!
Thực tế cho thấy, khá nhiều vấn đề xã hội bức xúc nảy sinh trên địa bàn miền núi, biên giới như tình trạng tảo hôn, chặt phá rừng làm nương rẫy, ra đường không biết những biển báo giao thông, tái trồng cây thuốc phiện… là do người dân thiếu hiểu biết những nội dung cơ bản về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Giao thông, Luật Phòng chống ma túy… Xuất phát từ điều kiện địa lý, địa hình hiểm trở và khí hậu phức tạp, người dân ở địa bàn miền núi, biên giới thường gặp khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin so với các địa phương vùng đồng bằng, đô thị. Đối với học sinh, do phải tham gia lao động sớm để kiếm sống cùng gia đình nên ít có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu các nội dung liên quan đến pháp luật. Bên cạnh đó, không ít phong tục, tập quán lạc hậu từ hàng ngàn đời nay vẫn “ăn sâu, bám chắc” vào nếp ăn, nếp ở, nếp nghĩ của một bộ phận người dân (trong đó có học sinh) nên họ vẫn chưa có thói quen, hành vi ứng xử theo những quy định của pháp luật, thậm chí làm sai, làm trái pháp luật mà vẫn “dửng dưng”… không biết!
Để tạo cho học sinh ý thức “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, các em cần phải được giáo dục pháp luật đến nơi đến chốn ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Vì vậy, cùng với việc tăng cường đội ngũ giáo viên chuyên trách và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục pháp luật ở nhà trường phổ thông và nội trú, các địa phương cần đa dạng hóa hình thức, biện pháp giáo dục, tuyên truyền và phổ biến pháp luật, trong đó chú trọng các hình thức giáo dục trực quan sinh động, phù hợp với từng lứa tuổi, tâm sinh lý và nhận thức của học sinh. Mặt khác, cần phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, nhất là phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn, đội, hội trong việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và nâng cao kiến thức pháp luật cho các em.
Có kiến thức về pháp luật, học sinh mới có cơ sở để chấp hành nghiêm pháp luật, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, cộng đồng chung quanh biết tuân theo và thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Không những thế, coi trọng việc lấp “lỗ hổng” pháp luật cho học sinh dân tộc thiểu số là thiết thực góp phần nâng cao vị thế của các em học sinh – những chủ nhân đóng vai trò trung tâm đối với việc thúc đẩy kinh tế, xã hội, văn hóa ở địa phương mình trong tương lai. Đồng thời qua đó góp phần ngăn ngừa, hạn chế và dần dần xóa bỏ những tập tục lạc hậu đã tồn tại dai dẳng trên địa bàn miền núi, biên giới. Chú trọng quan tâm giáo dục pháp luật cho học sinh cũng là một trong những nội dung, giải pháp thực hiện có hiệu quả Quyết định số 72/2009/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009 đến năm 2012”.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()