Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2010 – 2020: Đổi mới và phát triển phù hợp nhu cầu thị trường lao động
(LSO) – Đào tạo nghề để chuyển dịch cơ cấu lao động theo đà của chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong 10 năm thực hiện chương trình củng cố đổi mới và phát triển các trường cao đẳng và dạy nghề của tỉnh giai đoạn 2010-2020, công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển mới.
Bám sát thực tiễn để thay đổi
Đến năm 2010, Lạng Sơn đã có hệ thống đào tạo nghề khá cơ bản với tổng số 5 trường (2 trường cao đẳng (CĐ) và 3 trường trung cấp) đã có 93 chuyên ngành (CN) đào tạo ( 28 CN cao đẳng, 49 CN trung cấp và 16 CN sơ cấp). Tổng số học sinh, sinh viên (HSSV) tại các trường CĐ, dạy nghề của tỉnh tăng từ 3.474 em năm 2005 lên 4.832 em năm 2010 ( tỷ lệ tăng đạt 139%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nâng từ 23% năm 2005 lên 32% năm 2010.
Thực hành thiết kế thời trang của học sinh lớp may công nghiệp Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn (Ảnh chụp thời điểm học kỳ I năm học 2019-2020)
Chương trình củng cố, đổi mới, phát triển các trường CĐ và dạy nghề tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2010 – 2020 nêu mục tiêu phát triển mạng lưới trường đến năm 2020 gồm trường Đại học (ĐH) Lạng Sơn theo hướng đa cấp, đa ngành (trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Lạng Sơn và sáp nhập Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật); Trường CĐ Y tế và Trường Trung cấp Văn hóa- Nghệ thuật, 2 trường CĐ và 1 trường trung cấp nghề. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm triển khai chương trình, thực tiễn đã nảy sinh những vấn đề mới, nhất là Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg ngày 26/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ “về điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020” khiến kế hoạch thành lập ĐH Lạng Sơn không thể thực hiện. Cũng xuất phát từ nhu cầu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động nên giai đoạn này đã có những thay đổi quan trọng trong mạng lưới. Năm 2016, sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên và Trung tâm dạy nghề cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX); năm 2014, nâng cấp đổi tên Trường Trung cấp nghề Việt- Đức thành Trường CĐ nghề Lạng Sơn; năm 2017, sáp nhập trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật vào Trường CĐSP; năm 2019, giải thể trường Trung cấp Văn hóa – nghệ thuật, chuyển một số chuyên ngành đào tạo của trường này sang Trường CĐ Nghề Lạng Sơn và Trường CĐSP.
Tất cả những thay đổi trên nhằm đạt mục tiêu bình quân mỗi năm có trên 15 ngàn lao động qua đào tạo, hết giai đoạn 2016-2020 có 78.477 người qua đào tạo, trong đó, trình độ CĐ là 5.000 người, trung cấp 15.000 người, trình độ dưới 12 tháng là 58.477 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%, đáp ứng với thị trường lao động đang có sự biến đổi rất nhanh về chất là lượng.
Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội
Để công tác đào tạo nguồn nhân lực vừa được nâng cao về số lượng, đáp ứng chất lượng mà xã hội yêu cầu chúng ta đã có sự đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách giáo dục. Theo đó, tăng cường phân cấp quản lý cho các cơ sở đào tạo theo hướng đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đảm bảo quyền lợi người học, quản lý chặt chẽ chất lượng đầu ra. Công tác quản lý được đổi mới, nhất là đổi mới tư duy trong đào tạo theo hướng đào tạo không chỉ đóng vai trò công ích mà còn cung cấp dịch vụ xã hội đáp ứng nhu cầu xã hội.
Bên cạnh đó, việc đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy học được tăng cường. Với mục tiêu là đào tạo cán bộ, người lao động có kiến thức, kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập sáng tạo. Đảm bảo chuẩn “ đầu ra” đáp ứng tốt với thị trường lao động. Vì vậy, kết hợp giảng dạy lý thuyết với rèn luyện kỹ năng thực hành giúp người học có khả năng hành nghề và phát triển nghề nghiệp theo yêu cầu công việc.
Từ sau khi sáp nhập, với sự phối hợp quản lý tốt của Sở Lao động-Thương binh-Xã hội và Sở Giáo dục và Đào tạo, các trung tâm GDNN-GDTX luôn năng động thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Các trung tâm một mặt thực hiện tốt việc đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; mặt khác tăng cường liên kết với các trường đại học, cao đẳng trên cả nước tuyển sinh tốt nghiệp cấp THCS vào học bổ túc THPT và trung cấp nghề. Với thực tiễn hoạt động từ năm 2016 đến nay, các trung tâm GDNN-GDTX đã chứng tỏ tính năng động của mình trong công tác dạy văn hóa, dạy nghề. Bà Hoàng Thúy Phương, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Cao Lộc cho biết: Hiệu quả công tác đào tạo của trung tâm trong 4 năm qua chứng tỏ sự phù hợp của loại hình này trong cơ chế thị trường; mặt khác đáp ứng tâm tư nguyện vọng thực tế của thanh niên hiện nay nên được đông đảo người học hưởng ứng. Nếu làm tốt công tác này thì việc phân luồng học sinh sau cấp THCS và THPT sẽ có nhiều thuận lợi.
Sau khi được nâng cấp lên cao đẳng, Trường CĐ Nghề Lạng Sơn hoạt động năng động hơn, hiệu quả đào tạo tốt hơn. Ông Lê Quang Hồng, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Lạng Sơn cho biết: Học sinh học nghề để có cơ hội việc làm, vì vậy đào tạo gắn với việc làm sẽ tạo nên sức hút đặc biệt đối với người học. Trong những năm qua, công tác xã hội hóa dạy nghề được nhà trường coi là trọng tâm của sự phát triển. Theo đó, nhà trường gắn với doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa là nơi “sát hạch” chất lượng đào tạo vừa là địa chỉ việc làm của học viên. Với nguồn lực mới, Trường CĐSP đang đào tạo theo hướng đa ngành; Trường CĐ Y tế đang vươn lên dần trở thành một trường CĐ tầm khu vực.
Với sự phát triển mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề, đào tạo nghề gắn với việc làm, năm 2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Lạng Sơn đã đạt 52,5%; giải quyết việc làm cho 15.800 lao động, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo. Với đà này, mục tiêu 55% lao động qua đào tạo vào năm 2020 sẽ được thực hiện.
MINH HỒNG (TP. Lạng Sơn)
Ý kiến ()