Thứ 7, 19/04/2025 16:41 [(GMT +7)]
Giáo dục Lạng Sơn sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 33/2006/CT-TTg
Thứ 4, 10/08/2011 | 09:11:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trước những hạn chế, yếu kém của ngành GD&ĐT như công tác thi, kiểm tra chưa nghiêm túc, kết quả chưa phản ánh đúng thực chất dạy và học; còn có bệnh thành tích trong đánh giá, thi đua khen thưởng… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ngày 8/9/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg về chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong GD.
![]() |
Tham luận tại hội thảo nâng cao chất lượng giáo dục ở phòng GD thành phố |
Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, căn nguyên của bệnh thành tích vẫn là “sức ép” về chỉ tiêu thi đua; thi đua giữa các giáo viên trong nhà trường, giữa các trường, các huyện, các tỉnh với nhau… Thậm chí có thời gian, một số cấp ủy, chính quyền còn… chỉ đạo ngành GD, các nhà trường về tỷ lệ học sinh lên lớp, tốt nghiệp, phổ cập… vì vậy, các nhà trường cứ thi nhau “tôn” thành tích của mình khác xa với chất lượng thực. Từ căn “bệnh” thành tích, những tiêu cực trong kiểm tra thi cử có “đất” để phát triển, tình trạng “học chơi, thi đùa, bằng thật” làm cho chất lượng GD khác xa với chất lượng thật.
Quán triệt Chỉ thị 33, cuộc vận động do Bộ GD&ĐT phát động và Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đề ra và thực hiện các yêu cầu của cuộc vận động chính là đi vào “cốt lõi” của vấn đề, là bước đột phá để ngành triển khai các cuộc thi đua và các đợt vận động khác. Đổi mới hoạt động GD là khâu “đột phá” trong “đột phá”. Trước hết là thiết lập kỷ cương trong thi cử, kiểm tra, đánh giá bằng cách triển khai hệ thống quy chế mới, ban hành các văn bản hướng dẫn cơ sở thực hiện ở tất cả các khâu từ việc tổ chức thi trắc nghiệm, thi theo cụm, đổi giám thị, chấm chéo; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng đảm bảo an toàn trường thi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong một vài năm đầu, các biện pháp trên có thể tạo ra “cú sốc” đối với HSSV và ngành GD phải “chấp nhận” như tỷ lệ tốt nghiệp thấp, tỷ lệ lên lớp không cao. Song để khắc phục những “hệ lụy” của nó, ngành và công đoàn ngành đã phát động phong trào phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi với chỉ tiêu “mỗi thầy cô giáo dành 2 tiết/ tuần phụ đạo cho học sinh mà không tính thù lao”.
Trong 4 năm qua, toàn ngành đã có trên 500.000 giờ dạy phụ đạo, nếu tính trị giá mỗi tiết học là 20.000 đồng, thì toàn ngành đã “cống hiến” trên 10 tỷ đồng cho học sinh. Những biện pháp này có tác dụng rất rõ rệt. Nếu tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2007 là 76,1% (cả 2 lần thi), năm 2008 là 76,5%, thì năm 2009 đã là 85,2%, năm 2010 là 93,8% và năm 2011 đã đạt tỷ lệ 96,8%. Nổi bật nhất là hệ GDTX, nếu năm 2007 chỉ có 26,9% học viên tốt nghiệp bổ túc THPT, thì năm 2011 đã là 96%. Số học sinh bỏ học giảm dần qua các năm. Nếu năm học 2006-2007, tỷ lệ bỏ học ở 3 cấp học phổ thông và loại hình GDTX là 2,47%, thì năm học 2010-2011, tỷ lệ bỏ học chung chỉ còn 1,72%. Đổi mới công tác quản lý GD, trước hết là đổi mới công tác thi đua khen thưởng, giảng dạy, học tập, kiểm tra đúng thực chất; đổi mới công tác đánh giá đội ngũ CBGV; thực hiện phân cấp quản lý GD và nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra được ngành chú trọng, từ việc thanh tra chuyên đề, thanh tra hoạt động sư phạm của GV, đến việc thanh tra toàn diện nhà trường… trong thanh tra, có xử lý nghiêm túc. Từ năm 2007 đến nay, toàn ngành đã có 113 CBGV bị xử lý, trong đó hạ ngạch, cách chức 11 trường hợp, buộc thôi việc 12 trường hợp đã góp phần chấn chỉnh công tác quản lý, dạy học, tạo nên nền nếp, kỷ cương trong các nhà trường.
Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ, HSSV đã “chịu học” hơn, đội ngũ CBGV đã “chính quy” hơn, nhiệt tình và nghiêm túc trong các hoạt động chuyên môn. Kết quả thi cử đã và đang dần phản ánh đúng chất lượng dạy và học trong các nhà trường hiện nay. Đó là nhận xét chung của dư luận xã hội. Tuy nhiên, với 4 năm, ngành GD chưa thể khắc phục triệt để những tồn tại mà bệnh thành tích gây ra trong nhiều thập kỷ. Vấn đề là nhận thức phải được chuyển đổi một cách rõ ràng, từ nhận thức đúng mới có sự chuyển động mạnh mẽ trong thực hiện ở tất cả các khâu.

Poll
Ý kiến ()