Giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em
TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 1,4 triệu trẻ em (kể cả diện tạm trú), trong đó có gần 70 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Những năm qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các em kỹ năng tự bảo vệ và bảo vệ đối tượng này.
Trẻ em thiếu kỹ năng tự bảo vệ
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều tai nạn, thương tích thương tâm đối với trẻ em trong độ tuổi dưới 14. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự lơ là của người lớn và sự thiếu hiểu biết của trẻ nhỏ. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, mỗi năm tai nạn thương tích cướp đi sinh mạng khoảng 200 trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 14. Trong đó có nhiều tai nạn đau lòng do thiếu sự quan tâm của người nhà. Theo các bệnh viện Nhi Ðồng, Chấn thương Chỉnh hình, trong dịp hè, số lượng trẻ nhập viện, cấp cứu tăng lên ở mức báo động, trung bình ở mức từ ba đến bốn em/ngày. Cũng theo Sở Y tế thành phố, hiện toàn thành phố có 1.200 trường mầm non, mẫu giáo nhưng cán bộ y tế chỉ đáp ứng được khoảng từ 37 đến 40% nhu cầu, trong đó chỉ khoảng 10% số cán bộ y tế đạt chuẩn. Hạn chế này cũng làm cho việc sơ cấp cứu tai nạn thương tích ở trẻ em trở nên bất cập hơn rất nhiều. Theo các nhà tâm lý, việc hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ hiện cũng chưa được người thân quan tâm chú ý. Từ những nguy hiểm khó lường, rình rập như đã nêu, gia đình và xã hội phải nhìn nhận thật nghiêm túc công tác giáo dục cho trẻ kỹ năng sống để ứng phó với những tình huống xảy ra trong cuộc sống. Phó Trưởng phòng Văn hóa Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh Lê Thị Thanh Nhã cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em như: đuối nước, tai nạn giao thông, ngộ độc, bỏng nước, điện giật, bạo lực (gia đình và xã hội)… Trong các năm 2009 đến 2012, số vụ trẻ em bị đuối nước lần lượt là 13, 22, 13, 18, số trẻ tử vong do ngã cũng không hề giảm qua các năm từ 2009 đến 2012. Nếu như năm 2009, trong số hơn 26 nghìn trẻ bị ngã làm 23 trẻ tử vong thì đến 2012, trong số hơn 24 nghìn trẻ bị ngã vẫn có đến 18 trẻ tử vong. Ðó là những con số khiến các bậc phụ huynh phải giật mình. Trách nhiệm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc này chủ yếu là do người lớn thiếu ý thức bảo vệ trẻ em.
Tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em
TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 1,4 triệu trẻ em từ độ tuổi 0 đến 16 (chiếm hơn 20% dân số thành phố). Những năm qua, thông qua các chính sách chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đến nay, thành phố đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gần 500 nghìn trẻ dưới sáu tuổi, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn 6,8%, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường các cấp tiểu học và trung học đạt từ 96% trở lên. Toàn thành phố có hơn năm nghìn điểm thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao và cơ sở vui chơi giải trí cho trẻ em. Tổ chức được gần một nghìn cộng tác viên chăm sóc trẻ em ở các tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản. Tuy nhiên, công tác chăm sóc trẻ em ở thành phố vẫn còn nhiều bất cập. Thành phố vẫn còn hơn 70 nghìn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có hơn 1.400 em phải lang thang kiếm sống, có 342 trẻ em phải lao động nặng nhọc, độc hại tại các cơ sở tư nhân. Từ năm 2005 đến nay, toàn thành phố xảy ra hơn 575 vụ xâm hại tình dục trẻ em dưới 16 tuổi. Số trẻ em vi phạm pháp luật ngày càng tăng. Nhóm trẻ lang thang kiếm sống, trẻ em trong các gia đình nhập cư do nơi sinh sống không ổn định, do vậy việc theo dõi, quản lý gặp nhiều khó khăn, bản thân các em cũng không tiếp cận được với các dịch vụ, giải trí của xã hội.
Ðể từng bước giải quyết thực trạng này, từ năm 2011, UBND thành phố đã triển khai chương trình Bảo vệ trẻ em TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015 nhằm tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh để tất cả trẻ em đều được bảo vệ; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực; tạo cơ hội cho các em được tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển. Mục tiêu được thực hiện thông qua năm dự án bao gồm: Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội; Xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Xây dựng và nhân rộng mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng. Nội dung hoạt động trọng tâm trong hè năm nay sẽ hướng các em đến các chương trình như: giáo dục cho thiếu niên, nhi đồng về truyền thống lịch sử, đạo đức lối sống và pháp luật; hoạt động vui chơi, giải trí, phát động phong trào rèn luyện kỹ năng, nâng cao sức khỏe, thể chất cho thanh thiếu niên – nhi đồng, tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa…
Bên cạnh những hoạt động diễn ra trong mùa hè, gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng, giáo dục con trẻ cho đến khi các em trưởng thành. Theo Thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP Hồ Chí Minh, xã hội hiện đại ngày càng có quá nhiều những rủi ro cho trẻ. Tai nạn có thể đến từ mọi phía. Việc cha mẹ được trang bị đầy đủ về kiến thức kỹ năng sống sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cách chăm sóc, bảo vệ trẻ, hướng dẫn cho trẻ, phòng, chống hỏa hoạn, thương tích. Ngay từ khi 18 tháng tuổi, trẻ đã cần được dạy về kỹ năng nhận diện rủi ro. Và khi trẻ ba tuổi cần được cha mẹ trang bị, dạy cho trẻ về kỹ năng sống an toàn, phân biệt và lường trước những nguy hiểm từ gia đình, xã hội và cả trường học. Có như thế gia đình và xã hội mới mong giảm được những tai nạn, rủi ro thương tâm cho con trẻ…
Ý kiến ()