Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THPT: Việc làm cần thiết
(LSO) – Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ học sinh tự tử do áp lực học tập, thiếu kỹ năng xử lý tình huống trong cuộc sống. Do vậy, việc giáo dục kỹ năng sống (KNS) cho học sinh là vấn đề cần thiết đã và đang được ngành giáo dục và các trường THPT trong tỉnh quan tâm triển khai, giúp các em tự tin đối mặt với mọi thử thách trong cuộc sống và hoàn thiện bản thân mình.
Nhiều người dân Lạng Sơn đến nay chưa hết bàng hoàng về một số vụ việc đáng tiếc do áp lực học hành, thi cử liên quan đến học sinh THPT trên địa bàn tỉnh, như trường hợp một học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn đã nhảy xuống sông tự tử (năm 2015) hay gần đây là trường hợp một học sinh lớp 12, Trường THPT Đồng Đăng, huyện Cao Lộc cũng tìm đến cái chết ngay thời điểm đầu năm học mới.
Lứa tuổi THPT là giai đoạn các em học sinh bộc lộ cái tôi rõ nét nhất, thêm vào đó là nhu cầu phát triển các mối quan hệ xã hội, đây cũng là giai đoạn cuối cấp, các em phải chịu áp lực lớn trong thi cử dẫn đến dễ rơi vào trạng thái tiêu cực ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần. Do vậy, rất cần sự quan tâm, định hướng từ phía gia đình và nhà trường, giúp các em có các kỹ năng để hoàn thiện mình hơn.
Học sinh Trường THPT Lộc Bình tham gia ngoại khóa “Giáo dục sức khoẻ sinh sản cho trẻ vị thành niên”
Thạc sỹ tâm lý học Đinh Thị Tình, Tổ Tâm lý giáo dục, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn cho biết: Giáo dục kỹ năng sống được chia làm hai nhóm kỹ năng cơ bản đó là nhóm kỹ năng trong học tập, làm việc, vui chơi giải trí và nhóm kỹ năng giao tiếp, hòa nhập, ứng phó với các tình huống cuộc sống. Đối với học sinh THPT, theo tôi, cần chú trọng giáo dục vào nhóm kỹ năng thứ hai, trong đó đặc biệt là kỹ năng kiểm soát tình cảm, kiềm chế thói hư tật xấu, sở thích cá nhân. Để làm tốt việc này nên có sự kết hợp giữa gia đình, xã hội và nhà trường.
Như vậy, rèn luyện KNS có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người có thể đương đầu với mọi thử thách trong cuộc sống và hoàn thiện bản thân mình hơn. Điều này còn rất quan trọng đối với học sinh THPT – lứa tuổi có những chuyển biến phức tạp trong tâm sinh lý. Hiện nay, ngành giáo dục Lạng Sơn đã và đang triển khai đồng bộ việc giáo dục KNS ở tất cả các cấp học, đặc biệt chú trọng vào lứa tuổi học sinh THPT. Tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh, bên cạnh các hoạt động ngoại khóa, việc rèn luyện KNS cho học sinh được lồng ghép, tích hợp trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp và ở một số môn học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Qua đó hình thành cho học sinh các giá trị sống, KNS tích cực để các em có trách nhiệm hơn với bản thân và cộng đồng. Ngoài ra, hiện nay, 100% trường THPT trên địa bàn tỉnh đều thành lập ban tư vấn tâm lý học đường nhằm tư vấn cho học sinh đang gặp khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống; hỗ trợ học sinh rèn luyện KNS, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội.
Đơn cử, Trường THPT Đồng Đăng, huyện Cao Lộc trong kế hoạch hoạt động ngoài giờ lên lớp nhà trường dự kiến tổ chức 23 buổi xuyên suốt cả năm học 2019 – 2020, đến nay, đã tổ chức 3 buổi tuyên truyền về truyền thống nhà trường, ngoại khóa về an toàn giao thông, giáo dục kỹ năng giải quyết căng thẳng trong học tập… Bày tỏ sự thích thú sau khi tham gia các hoạt động trên của nhà trường, em Hoàng Nhật Quế, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Đồng Đăng cho biết: Sau khi tham gia các buổi ngoại khóa về giáo dục KNS, em được trang bị kiến thức, có thêm nhiều hiểu biết hơn và sống có trách nhiệm với bản thân hơn. Em mong rằng nhà trường tổ chức nhiều buổi ngoại khoá hơn nữa để chúng em có thêm KNS.
Nói về những hoạt động giáo dục KNS trong nhà trường, thầy Đặng Ngọc Tú, phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trong năm học 2018 – 2019 và đầu năm học 2019 – 2020, nhà trường đã tổ chức được hơn 30 hoạt động ngoại khóa về KNS như: giáo dục chăm sóc sức khỏe vị thành niên, kỹ năng giao tiếp, phòng cháy chữa cháy,… lồng ghép vào các môn học như: giáo dục công dân, ngữ văn, lịch sử,… Thông qua những hoạt động này, nhà trường giúp các em được trang bị tốt hơn các kỹ năng để sau này ra xã hội có thể vững tin và trở thành công dân có ích.
Bên cạnh sự vào cuộc của nhà trường thì việc giáo KNS rất cần sự chung tay từ phía các bậc phụ huynh. Theo đó, để giúp con em có kỹ năng giải quyết những khúc mắc, áp lực trong cuộc sống thì cha mẹ phải đóng vai trò là một người bạn, hiểu tâm tư tình cảm của con, thay vì quát mắng hãy tạo cho con sự thân thiện, tin tưởng. Phụ huynh cần hiểu hơn về đặc trưng tâm sinh lý lứa tuổi và đời sống của con, dành thời gian để trò chuyện, lắng nghe. Nhà trường, gia đình và xã hội cần tiếp tục phối hợp để có phương pháp, chương trình rèn luyện thích hợp nhằm trang bị cho các em kỹ năng cơ bản giải quyết và bảo vệ mình trước các tình huống phức tạp của đời sống.
Ý kiến ()