Giáo dục kỷ luật tích cực - Tính nhân văn của phương pháp giáo dục mới
LSO-Được đưa vào thực hiện “thí điểm” tại một số nhà trường từ năm học 2009-2010 và triển khai trong toàn ngành trong năm học 2011-2012, phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực (KLTC) đã tỏ rõ ưu điểm nổi bật và phù hợp với nguyên tắc giáo dục mới.
Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh trong giờ thảo luận nhóm |
Giáo dục kỷ luật tích cực là giáo dục dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của học sinh, không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần của học sinh; tạo điều kiện tốt nhất để học sinh tự giác sửa chữa khuyết điểm, tự giác rèn luyện. Cùng với phương pháp dạy học mới lấy học sinh làm trung tâm và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, phương pháp giáo dục KLTC đối lập hoàn toàn với biện pháp kỷ luật lấy trừng phạt để răn đe, giáo dục học sinh. Trong năm học 2012-2013, toàn ngành đã tổ chức được 1054 cuộc hội thảo cấp lớp học và 681 cuộc hội thảo cấp trường về biện pháp giáo dục này. Qua hội thảo, nhiều vấn đề được đưa ra để thảo luận; những ví dụ cụ thể, những trường hợp điển hình, những cách làm hay, hiệu quả đã được trao đổi và học hỏi lẫn nhau giữa các nhà trường. Nếu Trường THPT Hữu Lũng tận dụng giờ chào cờ đầu tuần để giáo dục đạo đức như đưa ra các tình huống giáo dục để học sinh và thầy cô giáo cùng xử lý; kể các câu chuyện đạo đức, thi tiểu phẩm giữa các lớp… thì Trường THPT Việt Bắc tận dụng tối đa giờ sinh hoạt lớp để tuyên truyền pháp luật, quán triệt nội quy nhà trường đến với học sinh. Cho dù có sự khác nhau trong việc thực hiện, song qua hội thảo và thực tế triển khai 3 năm qua, đội ngũ giáo viên các nhà trường đã nhận ra một điều là kỷ luật trừng phạt không tạo ra kỹ năng xã hội, kỹ năng sống cho học sinh mà chỉ làm cho học sinh thiếu tự tin vào giá trị bản thân mình; mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh thêm căng thẳng. Nhiều khi các em bị “dồn, ép” gây nên tâm lý kháng cự, chống đối…thậm chí bỏ học, bỏ nhà đi sống lang thang.
Tất cả các nhà trường đều có ban tư vấn tâm lý học đường gồm hiệu trưởng, hiệu phó, bí thư đoàn trường, tổng phụ trách đội và một số giáo viên có kinh nghiệm. Trong năm học vừa qua, toàn ngành đã có 5003 giáo viên tham gia tư vấn học đường và đã có 45.284 học sinh được tư vấn. Cô Nguyễn Thị Loan, Hiệu trưởng Trường THPT Hữu Lũng cho biết: việc tư vấn cho học sinh được tiến hành bằng nhiều hình thức và khá linh hoạt như tư vấn qua thư, qua điện thoại hoặc tư vấn trực tiếp. Năm học qua, nhờ tư vấn kịp thời mà nhà trường đã “hóa giải” được nhiều vụ việc phức tạp như từ mâu thuẫn của 2 học sinh dẫn đến xô xát của 2 gia đình; cha mẹ bất hòa nên con bỏ nhà ra đi; giáo viên và học sinh chưa hiểu nhau dẫn đến giờ học căng thẳng… Cô cho rằng phương pháp giáo dục KLTC trong dạy học chính là thay đổi phương pháp giảng dạy, lắng nghe ý kiến phản hồi của học sinh, khéo léo trong ứng xử các tình huống; đặc biệt phải luôn giữ được bình tĩnh để có thể lựa chọn cách giải quyết tốt nhất, ít tổn hại nhất. Cô Vương Xuân Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Việt Bắc- Trưởng Ban Tư vấn tâm lý học đường của nhà trường cho biết: đã tư vấn tập thể cho những học sinh còn hạn chế về đạo đức và thường xuyên tư vấn cho học sinh chậm tiến hoặc vi phạm nội quy, quy định của nhà trường. Đã có nhiều học sinh mạnh dạn tìm đến tâm sự, tại phòng tư vấn, các em “mở lòng” và xin ý kiến của các thầy cô, từ đó có điều chỉnh hành vi ứng xử của mình một cách tích cực. Đối với các trường THCS, hộp thư “Điều em muốn nói” được mở đều đặn vào cuối tuần và ban tư vấn đọc, bàn bạc và trả lời cho các em theo hình thức gián tiếp (thư trả lời) hoặc tư vấn trực tiếp. Trả lời phỏng vấn của chúng tôi về tác dụng của phương pháp giáo dục KLTC, em Nông Thanh Huyền, học sinh lớp 12 Trường THPT Lộc Bình nói rằng, vấn đề lớn nhất là chúng em thực sự được tôn trọng. Khi được tư vấn, các thày các cô không có giọng “lên lớp”, dạy bảo mà với một giọng tâm tình, vì vậy được chúng em tin cậy, tự tin để thổ lộ.
Với phương pháp giáo dục KLTC cộng với phong trào “giáo viên giúp đỡ giáo viên, giáo viên giúp đỡ học sinh tiến bộ”, trong năm học vừa qua đã có 7981 học sinh được giúp đỡ về rèn luyện ý thức và đã có 7338 em tiến bộ; tỷ lệ hạnh kiểm yếu của cấp THCS giảm 0,03%, cấp THPT giảm 0,15%. Tình trạng vi phạm kỷ luật của học sinh giảm nhiều đã nói lên tính nhân văn của phương pháp giáo dục mới này. Tuy vậy, cần phải nghiêm khắc xử lý kỷ luật đối với học sinh vi phạm. Dù không muốn nhưng đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo kỷ cương trường học và có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Các nhà trường đã phối hợp tốt với hội cha mẹ học sinh, lực lượng chức năng trên địa bàn và các tổ chức xã hội để nắm bắt, trao đổi thông tin, kịp thời xử lý các trường hợp học sinh vi phạm kỷ luật và mắc các tệ nạn xã hội. Trong việc xử lý học sinh, phương pháp KLTC cũng được phát huy để các em tự giác thấy được khuyết điểm của mình, tự nhận hình thức kỷ luật và đề ra phương hướng khắc phục, sửa chữa.
Ý kiến ()