Thứ 2, 25/11/2024 10:31 [(GMT +7)]
Giáo dục khơi nguồn tri thức trong dòng chảy lịch sử
Thứ 5, 03/11/2011 | 10:44:00 [(GMT +7)] A A
LSO- Đồng hành cùng dân tộc, trong suốt trường kỳ lịch sử, giáo dục luôn đứng ở vị trí tiên phong có tác dụng khơi nguồn tri thức, để hòa vào dòng chảy lịch sử của nhân dân các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú trong giờ thí nghiệm
Trước cách mạng, với nền giáo dục (GD) nô dịch, thực dân Pháp muốn kìm hãm nhân dân ta trong vòng ngu tối để dễ bề cai trị. Tuy nhiên, nhờ có truyền thống yêu nước và hiếu học, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã không ngừng đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân, mà tiêu biểu là đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dùng vốn văn hóa của mình tích lũy được khi còn trên ghế nhà trường và trong hoạt động thực tiễn, đã rèn luyện để trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên trung của dân tộc.
Cách mạng tháng Tám thành công, đi lên từ 2 bàn tay trắng, với sự quan tâm của Bộ Quốc gia Giáo dục và Tỉnh ủy, UB hành chính tỉnh, nền GD mới của Lạng Sơn bước đầu được tạo lập và phát triển. Nhưng chỉ sau 1 năm học, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, GD Lạng Sơn cùng toàn dân bước vào kháng chiến trường kỳ. Dưới sự che chở của những cánh rừng già, các lớp học vẫn mọc lên và hoạt động có hiệu quả. Với phương châm “ Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, ngành GD vừa có nhiệm vụ xóa mù chữ cho nhân dân, vừa xúc tiến thành lập các trường ở cấp học cao hơn, nhằm đào tạo nguồn cán bộ có trình độ cho kháng chiến trước mắt và xây dựng đất nước sau này. Minh chứng cho chủ trương đó là việc thành lập trường Trung học Việt Bắc ngày 29/5/1947 do thầy giáo Nguyễn Hữu Tảo, nguyên Giám đốc Tiểu học Vụ Bắc bộ làm hiệu trưởng. Sau 10 năm, GD Lạng Sơn đã có bước phát triển nhảy vọt về quy mô và chất lượng. Song song với việc đẩy mạnh công tác giáo dục tiểu học, xóa nạn mù chữ, đưa tỷ lệ người biết chữ lên 90,33% dân số, số trường cấp 3 tăng 8 lần và số học sinh tăng 18,3 lần. Trải qua những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đến năm 1975, toàn tỉnh đã có trên 78 ngàn học sinh phổ thông, trong đó có gần 6000 học sinh cấp 3. Và giai đoạn 1976-1980, số học sinh cấp 3 đã tăng lên trên 8000 em với 17 trường.
Bước vào công cuộc đổi mới, yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đặt ra một cách cấp thiết. Việc hoàn thành và duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học- chống mù chữ từ năm 1997, kết quả phổ cập THCS năm 2006 và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi năm 2008 đã tạo nền móng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở cấp THPT. Theo đó, song song với việc phân luồng học sinh sau cấp THCS một cách hợp lý, mạng lưới các trường THPT không ngừng được củng cố và mở rộng. Đến cuối năm học 2010-2011, toàn tỉnh đã có 25 trường THPT với trên 25.500 học sinh; bên cạnh đó là mạng lưới các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trung tâm Kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp, trường dạy nghề…thu hút trên 5000 học sinh. Tổng hợp tất cả các loại hình của cấp THPT, hằng năm đã thu hút trên 83% học sinh tốt nghiệp cấp THCS. Ông Hoàng Hồ, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Việt Bắc, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh nói rằng, trong lịch sử GD Lạng Sơn, chưa bao giờ cấp THPT lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Chính việc mở rộng quy mô cấp học này đã tạo cho Lạng Sơn hình thành một mặt bằng dân trí mới, tạo đà cho xã hội phát triển.
Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề chất lượng giáo dục toàn diện được ngành GD đặt ra một cách cấp thiết. Được hình thành từ những cấp học thấp hơn, chất lượng GD cấp THPT, kể cả chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn đã có những bước tiến mạnh mẽ. Từ một tỉnh còn xếp ở “mức thấp” trong toàn quốc, từ năm 2007 đến nay, Lạng Sơn đã vươn lên nằm trong tốp 23/63 tỉnh thành về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT. Sự đa dạng hóa ngành đào tạo từ hệ trung cấp đến CĐ-ĐH đã tạo “cú hích” cho giáo dục phổ thông, nhất là cấp THPT Lạng Sơn phát triển. Trong giai đoạn 2005-2010, số học sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển vào các trường chuyên nghiệp không ngừng tăng. Nếu năm 2005, tổng số học sinh trúng tuyển là 2166, thì năm 2010 đã là 5090 (tăng 2,35 lần); tỷ lệ trúng tuyển so với học sinh dự thi đã đạt 35,22%. Với 6 trường và các mã ngành đào tạo được mở rộng, các trường CĐ- trung cấp trên địa bàn tỉnh đã góp phần đào tạo nghề cho 20% học sinh tốt nghiệp THPT.
Song song với nâng cao chất lượng đại trà, công tác giáo dục mũi nhọn luôn được quan tâm đầu tư. Trường THPT chuyên Chu Văn An xứng đáng là “trung tâm” đào tạo mũi nhọn, nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương; hằng năm, nhà trường đã đóng góp hàng trăm học sinh giỏi các cấp, trong đó có từ 15-20 học sinh giỏi cấp quốc gia. Trên cái nền của việc nâng cao chất lượng nói chung, các nhà trường luôn quan tâm phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi; các trường THPT Việt Bắc, THPT dân tộc nội trú, THPT các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Tràng Định…đều có học sinh giỏi cấp quốc gia.
Không chỉ quan tâm thu hút học sinh vào học cấp THPT, công tác điều tra thu hút học sinh đã có bằng tốt nghiệp THCS vào các lớp bổ túc THPT, dạy nghề đã được tăng cường. Các trung tâm GDTX cử giáo viên đi các xã điều tra, mở lớp bổ túc THPT, phối hợp với các trung tâm dạy nghề mở lớp dạy nghề tại các xã, cụm xã. Bà Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, năm học 2011-2012 này đã có trên 2000 học viên học tại xã, cụm xã. Đây chính là “cánh tay nối dài” của các Trung tâm GDTX vươn tới các vùng miền khó khăn, vùng cao, vùng xa để nâng cao trình độ cho các đối tượng.
Bám sát mục tiêu GD là nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, trong các giai đoạn của cách mạng, GD Lạng Sơn làm nhiệm vụ khơi nguồn tri thức và nguồn tri thức đó luôn hòa trong dòng chảy lịch sử của đất nước và địa phương, tạo nền tảng cho sự phát triển KT-XH. Cũng chính sự phát triển mạnh mẽ của KT-XH đã tiếp thêm nguồn lực cho giáo dục phát triển.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()