Giáo dục hướng nghiệp: Mở cánh cửa tương lai cho học sinh
– Trong những năm gần đây, xác định được tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, các nhà trường đã chú trọng lồng ghép, tích hợp nội dung hướng nghiệp vào các môn học và hoạt động giáo dục nhằm giúp học sinh định hướng tương lai.
Học sinh tham dự ngày hội khởi nghiệp cấp tỉnh tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn
Công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông có vai trò quan trọng, là hoạt động không thể thiếu được ở các nhà trường, nhằm giúp học sinh đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề nghiệp phù hợp. Trong những năm qua, công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh đã được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các cấp quản lý giáo dục, đặc biệt ở khối THPT, bước đầu đã có sự phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp, chuyên gia trong tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Lồng ghép vào hoạt động giáo dục
Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục hướng nghiệp có vai trò quan trọng trong hình thành năng lực định hướng nghề nghiệp cho học sinh và được tích hợp trong một số môn học, hoạt động giáo dục. Trong đó, ở cấp tiểu học, giáo dục hướng nghiệp được tích hợp vào nội dung giáo dục của một số môn học, hoạt động giáo dục như: Tự nhiên và xã hội, Khoa học, Tiếng Việt, Đạo đức, hoạt động trải nghiệm. Đối với cấp học này chủ yếu là nhằm giáo dục học sinh nhận biết công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số nghề nghiệp cơ bản.
Đối với cấp THCS, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019 – 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện khảo sát về nguyện vọng học lên của học sinh khối lớp 9 tại một số trường THCS trên địa bàn tỉnh (năm học 2019 – 2020). Kết quả, có 14,11% lựa chọn học nghề; hơn 10% là lựa chọn học chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX). Trên cơ sở đó, công tác giáo dục hướng nghiệp ở bậc học này tiếp tục được tích hợp vào các môn học, đồng thời được biên soạn thành một số chủ đề ở các môn: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục công dân và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong năm học cuối cấp lớp 9.
Cô Hà Thanh Nhung, Hiệu trưởng Trường THCS xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình cho biết: Ngoài việc tích hợp giáo dục dướng nghiệp vào các môn học ở các khối lớp thì riêng ở khối lớp 9, mỗi năm nhà trường đều dành 27 tiết giáo dục hướng nghiệp để tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh theo quy định. Qua các hoạt động này các em được định hướng nghề nghiệp và học tập phù hợp với bản thân. Trong 3 năm trở lại đây, qua khảo sát trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, có khoảng 20% học sinh của trường có nguyện vọng vào học tại các trường nghề.
Theo tìm hiểu tại các trường THCS và thông qua kết quả tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn tỉnh cho thấy, từ năm học 2018 – 2019 đến nay, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đăng ký vào học tại các trường nghề đạt trung bình khoảng 15% số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS (tăng hơn 5%) so với các năm học trước đó.
Đối với cấp THPT, từ năm học 2022 – 2023, sau khi thực hiện dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở khối lớp 10 THPT, lần đầu tiên hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp trở thành hoạt động giáo dục bắt buộc. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn, chỉ đạo các trường THPT và trường có cấp THPT xây dựng hoạt động trải nghiệm thực tế, tìm hiểu ngành nghề cho học sinh tối thiểu 1 lần/năm học. Nổi bật trong đó là hằng năm sở đều tổ chức Ngày hội khởi nghiệp cấp tỉnh của học sinh, sinh viên và tổ chức cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp. Qua đó, các trường THPT đã phát động học sinh toàn trường hưởng ứng, xây dựng các dự án, đề tài khởi nghiệp… góp phần định hình về ngành nghề trong tương lai.
Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu: “Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh… Bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”. Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 9/6/2014 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó xác định cần “Triển khai phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông”. Trong Luật Giáo dục 2019 quy định: “Hướng nghiệp trong giáo dục là hệ thống các biện pháp tiến hành trong và ngoài cơ sở giáo dục để giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp, khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội”. |
Hướng nghiệp giúp định hướng tương lai cho học sinh
Chương trình giáo dục phổ thông mới xác định giáo dục hướng nghiệp bao gồm toàn bộ các hoạt động của nhà trường phối hợp với gia đình và xã hội nhằm trang bị kiến thức, hình thành năng lực định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Từ đó, giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích, quan niệm về giá trị của bản thân, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình và phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Đặc biệt, trong chương trình mới, nội dung hướng nghiệp tập trung cao ở khối THPT, khi các em phải lựa chọn môn học, tổ hợp học tập phù hợp ngay từ khi vào lớp 10. Theo đó, học sinh sẽ căn cứ vào định hướng nghề nghiệp bản thân, năng lực, sở trường và sở thích để đăng ký một trong các tổ hợp. Căn cứ vào tổ hợp học sinh lựa chọn, mỗi trường sẽ triển khai tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các em.
Cụ thể, nếu học sinh lựa chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên gồm các môn: Lý, Hóa, Sinh, Tin học, còn chuyên đề học tập là: Toán, Lý, Hóa, các trường sẽ định hướng nhóm ngành xét tuyển, tuyển sinh đại học, cao đẳng khối A, B (nhóm ngành Khoa học tự nhiên) và có thể xét khối A1, D. Còn đăng ký tổ hợp Khoa học xã hội gồm: Địa lý, Giáo dục công dân, Kỹ thuật và pháp luật, với chuyên đề học tập: Văn, Sử, Địa thì nhà trường sẽ định hướng khối C (nhóm ngành Khoa học xã hội), có thể xét khối A1, D… Việc này giúp học sinh sớm có cơ hội tiếp cận và nhận thức được nhiều hơn về các ngành nghề. Sớm xác định được khối ngành trong tương lai giúp các em có nhiều thời gian để chuẩn bị, tập trung vào những môn trọng tâm để thi hoặc xét tuyển đại học.
Bên cạnh tư vấn cho học sinh đầu cấp, các trường còn chú trọng triển khai các tiết hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp. Đặc biệt, để giúp học sinh khối 12 đưa ra những quyết định đúng đắn cho bản thân về chọn trường, chọn nghề phù hợp, 100% trường THPT đều tổ chức hoạt động ngoại khóa, tư vấn hướng nghiệp.
Điển hình như mới đây (ngày 6/11), tại tiết sinh hoạt dưới cờ, Trường THPT Hoàng Văn Thụ, Thành phố Lạng Sơn đã tổ chức tiết hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp 11 cho học sinh toàn trường tham dự. Tại đây, các thầy cô phụ trách đã phổ biến cho học sinh về những ngành nghề mã xã hội quan tâm. Đồng thời, tổ chức diễn đàn kịch tương tác “vượt qua trở ngại để tự hoàn thiện”, nói về tinh thần vượt khó phấn đấu trong học tập để đạt được ước mơ của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, người viết nên số phận bằng đôi chân, nhằm giúp các em định hướng học tập và rèn luyện. Em Nông Hải Đăng, lớp 11A1 cho biết: Những giờ ngoại khóa trải nghiệm, hướng nghiệp giúp chúng em có thêm những hiểu biết về nhu cầu thị trường lao động của xã hội. Qua đó, trên cơ sở năng lực của bản thân, em đã xác định được mục tiêu để phấn đấu học tập và đăng ký nguyện vọng khi dự thi tốt nghiệp THPT.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, giúp học sinh vững bước và có lựa chọn phù hợp trước “ngã rẽ” tương lai, bên cạnh sự đồng hành, tư vấn của ngành giáo dục, các bậc phụ huynh cũng cần đồng hành cùng con, chủ động tìm kiếm thông tin để phân tích, định hướng cho con em mình lựa chọn ngành, nghề phù hợp để lập thân, lập nghiệp, đảm bảo các em khi ra trường có được việc làm ổn định, góp phần phát triển quê hương, đất nước.
Ý kiến ()