Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông
Giáo dục hướng nghiệp là một bộ phận của giáo dục toàn diện giúp mỗi học sinh có sự hiểu biết về tính chất của ngành nghề mà mình hướng tới, biết phân tích thị trường hoạt động và tháo gỡ vướng mắc hoặc rèn luyện bản thân từ đó, mỗi học sinh tự xác định được đâu là nghề nghiệp phù hợp hoặc không phù hợp với mình. Trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở trường THPT, hoạt động tư vấn nghề có liên quan tới hiệu trưởng, ban hướng nghiệp, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, thư viện, y tế,… Trong đó, hiệu trưởng là người phụ trách chung về các hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường, trong đó có hoạt động tư vấn. Hiệu trưởng có trách nhiệm thông qua và ký các quyết định về kế hoạch tiến hành các hoạt động tư vấn trong và ngoài trường. Ban hướng nghiệp chịu trách nhiệm thu thập xử lý những thông tin do các bộ phận cung cấp, đưa ra những nhận định, đánh giá sơ bộ về xu hướng nghề của học sinh. Những thông tin sau xử lý do ban hướng nghiệp thực hiện sẽ là những tài liệu bổ ích cho cán bộ làm công tác tư vấn khi tiến hành hoạt động này, làm cho nội dung tư vấn có tính sát thực, đáp ứng đúng nhu cầu định hướng nghề của đối tượng tư vấn. Ban hướng nghiệp còn chịu trách nhiệm tham mưu cho hiệu trưởng đề xuất kế hoạch và tổ chức các hoạt động tư vấn về nhân lực, cơ sở vật chất,… phù hợp kế hoạch năm học của nhà trường trên từng loại đối tượng cụ thể. Giáo viên bộ môn thu thập và cung cấp những thông tin có liên quan thái độ, năng lực học tập của từng học sinh đối với những môn học cụ thể. Giáo viên chủ nhiệm cung cấp những thông tin phản ánh trình độ nhận thức xã hội, phẩm chất đạo đức, kỹ năng hòa nhập với cộng đồng của mỗi học sinh do mình phụ trách. Mỗi giáo viên chủ nhiệm còn có trách nhiệm tập hợp những thông tin do những bộ phận khác cung cấp để thiết lập các phiếu đánh giá về xu hướng nghề đối với từng học sinh trong lớp làm cơ sở cho hoạt động tư vấn. Đoàn Thanh niên thu thập và cung cấp những thông tin về năng lực hoạt động xã hội, tập thể, về ý thức, thái độ, lối sống của mỗi thành viên trong tổ chức. Đáng chú ý, học sinh là đối tượng của hoạt động tư vấn đồng thời là chủ thể của quá trình tiếp nhận thông tin nghề do hoạt động tư vấn mang lại học sinh không chỉ có nhiệm vụ tiếp thu thông tin do chủ thể tư vấn cung cấp mà cùng với nó là quá trình lựa chọn những thông tin hữu ích phù hợp với năng lực, sở trường, tình trạng sức khỏe và nhu cầu lựa chọn nghề nghiệp của bản thân.
Vì vậy, công tác hướng nghiệp cần giúp cho học sinh hiểu được hệ thống nghề nghiệp trong xã hội, phương hướng phát triển nền kinh tế quốc dân nói chung và của địa phương nói riêng nhằm xác định cho bản thân trách nhiệm, nghĩa vụ sẵn sàng tham gia vào lao động sản xuất. Trên cơ sở của sự hiểu biết nghề nghiệp và nền kinh tế quốc dân, của địa phương, những đòi hỏi khách quan của hoàn cảnh, biết đối chiếu với sự phát triển, năng lực, sở trường, tình trạng tâm sinh lý sức khỏe của bản thân để điều chỉnh động cơ lựa chọn nghề. Tạo ra những điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, về các mối quan hệ xã hội và ý thức cầu tiến bộ của học sinh để các em tích cực tham gia các hình thức lao động kỹ thuật do nhà trường tổ chức, nâng cao ý thức và thái độ lao động, có dịp thử sức mình trong hoàn cảnh thực tiễn, từ đó kết luận về sự phù hợp nghề nghiệp của bản thân. Phải làm cho mỗi học sinh có được tính chủ động trong lựa chọn nghề, có khả năng tự quyết định được con đường nghề nghiệp tương lai của mình.
Ý kiến ()