Giáo dục học sinh ý thức bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nước
Học sinh Trường THCS Trần Phú (tỉnh Hà Nam) rửa dụng cụ thí nghiệm, chuẩn bị cho giờ học thực hành. |
Việc triển khai thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường trong nhà trường có ý nghĩa chiến lược lâu dài, nhằm góp phần hình thành thói quen văn minh, giữ gìn vệ sinh cá nhân, sử dụng nguồn nước sạch, rửa tay với xà-phòng đúng cách, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp trong trường học, nhất là trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Trần Quang Quý cho biết: Ngành giáo dục đã triển khai chương trình nước sạch, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường trong các cơ sở giáo dục. Chương trình đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần cải thiện tình hình nước sạch và vệ sinh môi trường. Hầu hết các trường học, cơ sở giáo dục đều có công trình nước sạch và công trình vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn, có công trình thu gom, xử lý rác thải và hệ thống cống rãnh tiêu, thoát nước. Việc thực hành vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường trong các cơ sở giáo dục, trong đó có các trường mầm non đã được triển khai và duy trì, từng bước tạo thành thói quen tốt trong các em học sinh, giáo viên và những người nuôi dạy trẻ. Đến nay, trên cả nước, tỷ lệ công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học tăng 2% mỗi năm; tỷ lệ cấp nước và vệ sinh trường học đạt hơn 87%.
Tuy nhiên, việc thực hiện công tác cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở một số nơi còn hạn chế; công tác giáo dục truyền thông chưa được quan tâm đúng mức, việc quản lý và sử dụng các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường hiệu quả chưa cao, nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của học sinh, các thầy giáo, cô giáo. Ở một số địa phương các công trình nước sạch và nhà vệ sinh trong trường học được xây dựng không đồng bộ, chưa đúng quy cách, chưa thật phù hợp với độ tuổi của trẻ, chưa bảo đảm vệ sinh và an toàn cho trẻ. Công tác truyền thông về giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường còn gặp nhiều khó khăn do phong tục, tập quán của người dân ở một số nơi, nhất là miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn lạc hậu. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam Nguyễn Văn Khoát, hệ thống nước ở sông Nhuệ vẫn còn tình trạng bị ô nhiễm. Tỷ lệ nước sạch trong dân cư là hơn 70%, còn trong trường học khoảng 90%, tuy nhiên, một số trường vẫn còn khó khăn trong việc cấp nước sạch, nhiều trường phải tích nước mưa để học sinh sử dụng.
Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú (Hà Nam) Phạm Thị Tính chia sẻ: Vai trò nước sạch trong nhà trường là vấn đề rất quan trọng và không thể thiếu. Việc bảo vệ và cung cấp nguồn nước sạch trong trường học là điều hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, tạo cho các em yên tâm học tập. Về vấn đề tuyên truyền, giáo dục sử dụng nước sạch và vệ sinh trường học được quán triệt và thực hiện rất hiệu quả. Ngoài ra, trường còn đưa cả hệ thống bồn rửa tay vào các phòng học bộ môn Hóa học, Sinh vật, để sau khi các em thực hành môn học xong có thể rửa tay ngay tại phòng. Bên cạnh đó, nhà trường luôn giáo dục ý thức cho học sinh sử dụng nước phải tiết kiệm và không được lãng phí.
Thứ trưởng GD và ĐT Trần Quang Quý cho biết, mục tiêu cụ thể trong chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015 là đến cuối năm 2015, 100% số trường học mầm non và phổ thông, trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch và đủ nhà tiêu hợp vệ sinh. Do vậy, các tỉnh cần phấn đấu, ưu tiên nguồn vốn đầu tư để đến năm 2015 đạt 100% số trường mầm non và trường phổ thông có đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, vận hành và bảo dưỡng tốt công trình cấp nước và vệ sinh trường học. Tăng cường giáo dục kỹ năng sử dụng, bảo quản công trình cấp nước và vệ sinh trường học cho học sinh và giáo viên. Tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông và giáo dục về Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học.
Ý kiến ()