LSO-Từ lâu nay, nhà trường, thầy cô giáo và các phụ huynh học sinh đều biết phương châm giáo dục học sinh cần thiết phải phối hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội.Việc xếp thứ tự như vậy cho mọi người thấy rõ vai trò giáo dục, mức độ và điều kiện giáo dục đối với học sinh.
Nếu nói về “tổ ấm”, nơi sinh thành, dưỡng dục quan trọng nhất, với thời gian lâu nhất, phải là gia đình. Nhân cách các em bắt đầu được hình thành từ gia đình qua tấm gương của ông bà, bố mẹ, anh chị em. Dạy làm người cũng bắt đầu từ gia đình. Nhà trường có nhiệm vụ dạy chữ (bậc phổ thông), dạy nghề (trường dạy nghề)…nhưng ngày xưa cũng như trong thời kỳ xã hội phát triển, hội nhập, nhà trường có thêm nhiệm vụ dạy làm người, hoàn thiện trí tuệ và nhân cách. Cũng như gia đình không chỉ dạy dỗ, cho ăn học là đủ, mà cũng kiểm tra, động viên và cả dạy chữ; đặc biệt là hướng dẫn phương pháp sử dụng thời gian học bài ở nhà. Đối với xã hội góp phần giáo dục học sinh rất rộng, với nhiều nội dung phong phú, thông qua các đoàn thể mà các em sinh hoạt, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở khu dân cư, khối phố, sinh hoạt hè các hoạt động văn hóa thể thao du lịch khác.
|
Giờ thực hành tin học ở Trường THPT DTNT tỉnh Ảnh: Thanh Hòa |
Các hình thức ấy chủ yếu tác động gián tiếp đến tâm tư, tình cảm các em, còn phụ thuộc vào sự hiểu biết của mỗi em học sinh để chọn lọc, tiếp thu làm kiến thức, làm bài học bổ ích cho bản thân. Nếu kết hợp chặt chẽ giáo dục giữa 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội, sẽ trở thành sức mạnh tinh thần đem lại hiệu quả cao đối với học sinh, vì vậy, chúng ta tự hào có một đội ngũ thầy cô giáo giỏi, có các bậc cha mẹ học sinh hiểu biết, luôn quan tâm đến tương lai của con cái mà dành thời gian đáng kể giúp đỡ và giáo dục con cái để có lớp học trò phát triển tốt cả về kiến thức văn hóa và thể chất.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, trong một bộ phận học sinh diễn ra những hiện tượng và hành động đáng quan tâm, làm cho ông bà, cha mẹ lo lắng. Đó là thái độ lười học, thích phiêu lưu, bạo lực đánh nhau; sinh hoạt tự do, hay nói dối, không nghe lời bố mẹ và thầy cô giáo, không biết sẻ chia tình thương, lẽ phải, ủng hộ cái đẹp, hành động đẹp, nhiều học sinh vi phạm Luật an toàn giao thông. Xảy ra tình trạng trên, cần nhìn thẳng sự thật là sự kết hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa thực sự tốt, hình thức giáo dục con cái, giáo dục học sinh chưa cụ thể thiết thực, nắm tình hình học sinh, con cái chưa sát sao. Một số gia đình quá chiều con, chạy theo việc làm giầu về kinh tế, ít gần gũi, tâm sự với con để uốn nắn, giúp con sửa chữa mà chỉ biết quát tháo, thậm chí đánh đập, bỏ mặc làm cho trẻ cảm thấy bị cô đơn.
Giải pháp ngăn ngừa tình hình trên, gia đình nên cân đối hành vi giáo dục với làm ăn kinh tế. Nhà trường kết hợp phụ huynh học sinh với phương pháp giáo dục cá biệt; việc dạy thêm, học thêm, không chỉ chọn học sinh giỏi để bồi dưỡng, mà quan tâm bổ túc học sinh kém và trung bình. Xã hội hội cần định hướng các chuẩn mực giáo dục đạo đức với các hoạt động văn hóa đẹp, thu hút các em tham gia vào sinh hoạt lành mạnh. Các cơ quan chức năng quản lý văn hóa, thể thao tăng cường kiểm tra, xử phạt các tụ điểm văn hóa hoạt động có nội dung ảnh hưởng đến nhân cách con người. Đồng thời tăng cường giáo dục lịch sử truyền thống để các em biết quý trọng công lao của các thế hệ đi trước, xây dựng tình cảm yêu thương, biết chia sẻ với người khó khăn, ủng hộ cái đẹp, tránh xa cái xấu.
Ý kiến ()