Giáo dục học sinh từ kiến thức đến tình yêu biển đảo
Những tư liệu trong triển lãm
Sáng 14/1/2016, khi được nhà trường cho phép đi dự khai mạc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Thư viện tỉnh, các em học sinh lớp 10 và lớp 11 của Trường THPT Chu Văn An rất háo hức. Mặc dù mưa rét và thời gian không nhiều, các em vẫn kiên trì tiếp cận với nhiều tư liệu, văn bản cổ, từ phiên bản Hán – Nôm, Pháp ngữ đến Việt ngữ do các triều đại phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX; đặc biệt là Châu bản triều Nguyễn ban hành liên quan đến vấn đề khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các em quan sát các bản đồ cổ thể hiện chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo; xem các ảnh, tư liệu về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền 2 quần đảo suốt trong trường kỳ lịch sử. Trò chuyện cùng chúng tôi, em Hoàng Hồng Nhung, lớp 11 E cho rằng: chúng em đã tìm hiểu về Hoàng Sa, Trường Sa qua các môn học và các nguồn tham khảo, song qua triển lãm, chúng em thấy rõ ràng hơn, thuyết phục hơn vì những tư liệu, bằng chứng pháp lý không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam ta đối với 2 quần đảo này. Em Lã Tuấn Dũng, học sinh lớp 10A1 cho biết: chúng em thấy tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc qua những tư liệu quý giá này. Em cũng ước rằng nếu các bài học trong môn Lịch sử và Địa lý đi sâu hơn nữa vào vấn đề biển đảo, cả thực thi chủ quyền và kinh tế biển đảo thì học sinh khu vực biên giới đất liền sẽ có sự liên hệ sâu sắc hơn về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải biên giới quốc gia.
Học sinh Trường THPT Chu Văn An tìm hiểu tư liệu về biển đảo tại triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – bằng chứng lịch sử và pháp lý”
Không chỉ các em học sinh Trường THPT Chu Văn An mà trong suốt 5 ngày triển lãm trưng bày, những học sinh cấp tiểu học, THCS khu vực thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc đã tranh thủ ngày nghỉ cùng nhau vượt mưa rét đến xem triển lãm. Em Hoàng Văn Hùng ở thị trấn Cao Lộc cho biết: đây chính là cơ hội để chúng em được tiếp xúc với những tư liệu quý giá nhằm củng cố niềm tin, tiếp thêm lòng tự hào dân tộc.
Và kiến thức từ nhà trường
Từ năm học 2014-2015 đến nay, kiến thức về biển đảo của đội ngũ giáo viên cấp THCS và THPT đã được nâng lên qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng từ cấp bộ đến cấp trường. Từ kiến thức đó, với trách nhiệm của mình, giáo viên và các đoàn thể trong nhà trường đã chú trọng nhấn mạnh nội dung biển đảo qua các môn học trong khuôn khổ chương trình và ngoại khóa. Thầy giáo Bế Đoàn Trọng, Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Bình cho biết: trong 2 năm học vừa qua, nhà trường đã chỉ đạo đội ngũ giáo viên các môn Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng… khai thác triệt để nội dung lãnh thổ chủ quyền, kinh tế biển đảo trong các bài học chính khóa. Chỉ đạo giáo viên các môn học khác quan tâm tích hợp nội dung biển đảo vào các bài giảng; Đoàn Thanh niên nhà trường quan tâm lồng ghép nội dung biển đảo vào các buổi sinh hoạt và hoạt động ngoại khóa cho đoàn viên thanh niên, học sinh. Do có sự chỉ đạo sát, thực hiện nghiêm túc nên kết quả thu được khá tốt: kiến thức về biển đảo đã được nâng lên, tình yêu biển đảo và ý thức về chủ quyền biển đảo của học sinh cũng được bồi đắp qua thời gian ngồi trên ghế nhà trường.
Thầy giáo Đậu Trường Huân, Hiệu trưởng Trường THCS xã Quảng Lạc (thành phố Lạng Sơn) cho biết: ngoài các môn học chính khóa, ý thức tích hợp kiến thức biển đảo vào các môn học của đội ngũ giáo viên được biểu hiện khá rõ. Ngoài ra, vấn đề về biển đảo cũng được đưa vào các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Tuy học sinh ít có dịp đi tham quan biển, song qua các hoạt động như: xem phim, tài liệu, mô hình, hoạt động thư viện, tham quan bảo tàng… đã giúp học sinh cấp THCS nâng kiến thức về biển đảo.
Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: là tỉnh không có biển, song lại là một tỉnh biên giới nên học sinh Lạng Sơn sẵn có ý thức về chủ quyền quốc gia. Kiến thức biển đảo tới học sinh bằng nhiều kênh cả trong và ngoài nhà trường. Trong đó, ngành phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán bồi dưỡng cho giáo viên để họ dạy đúng, dạy “trúng” trong khuôn khổ thời gian hạn hẹp. Bên cạnh đó, tài liệu, tư liệu, sách tham khảo cũng phong phú hơn, điển hình như cuốn “Giáo dục về biển đảo Việt Nam” do nhà Xuất bản Giáo dục phát hành là sách tham khảo dành cho cả giáo viên và học sinh cấp THPT. Kiến thức phong phú, tinh thần trách nhiệm cao đối với thế hệ trẻ và tình yêu biển đảo của mỗi giáo viên sẽ tạo thuận lợi cho việc cung cấp kiến thức, bồi dưỡng tình yêu biển đảo và ý thức bảo vệ Tổ quốc cho các thế hệ học sinh.
Ý kiến ()