Giáo dục học sinh sống văn minh, thanh lịch
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết: Hiện nay toàn thành phố có hơn 1,4 triệu học sinh đang theo học trong hệ thống các trường học, việc khơi dậy niềm tự hào, kế thừa truyền thống văn minh – thanh lịch sẽ làm cho học sinh có trách nhiệm hơn và thay đổi nhận thức, hành vi trong cuộc sống. Năm 2010, Sở GD và ĐT cùng Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức biên soạn bộ tài liệu 'Giáo dục nếp sống văn minh – thanh lịch' cho học sinh Hà Nội. Bộ tài liệu tập trung chỉ dẫn hành vi cá nhân cụ thể về ăn, mặc, nghe, nói…; hướng dẫn về giao tiếp và ứng xử văn minh – thanh lịch giữa người với người và với thiên nhiên môi trường. Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, cấp độ và hành vi cũng khác nhau từ đơn giản đến phức tạp. Vì vậy, theo từng cấp học, các nội dung được đề cập ở từng cấp theo mức độ cao hơn, rộng hơn và khái quát hơn. Bên cạnh đó, cách triển khai vấn đề đơn giản, nhẹ nhàng mà cụ thể, đi vào những vấn đề rất đời thường đã khiến bộ tài liệu nhận được sự đánh giá cao của nhiều nhà quản lý giáo dục. Mặc dù quá trình biên soạn còn gặp nhiều khó khăn nhưng bộ tài liệu đã bảo đảm được tính chính xác, khoa học trong nội dung kể từ góc độ văn hóa, đạo đức và xã hội. Nội dung tài liệu vừa sức, phù hợp với học sinh, góp phần giúp các em hiểu biết, kế thừa, tiếp thu truyền thống thanh lịch – văn minh, nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Hà Nội. Ngoài ra, cấu trúc các bài khá hợp lý, phù hợp đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và trình độ hiểu biết cũng như sự phát triển cá nhân về nhận thức bản thân, cuộc sống, giúp cho học sinh Hà Nội có những hành động, thái độ tự giác và đầy đủ hơn so với những hiểu biết, kinh nghiệm thường ngày.
Đáng chú ý, sau khi hoàn thành biên soạn, TP Hà Nội đã tiến hành giảng dạy thí điểm bộ tài liệu tại 18 trường tiểu học, THCS và THPT. Kết quả giảng dạy thí điểm cho thấy niềm tin tưởng của các thầy giáo, cô giáo, học sinh và phụ huynh về việc xây dựng con người Thủ đô văn minh – thanh lịch. 100% ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên và hơn 90% ý kiến của phụ huynh học sinh đều nhận định bộ tài liệu cần thiết cho học sinh và có tác dụng đối với sự phấn đấu vươn lên hoàn thiện cả về đạo đức, lối sống cho học sinh.
Tại trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội), trao đổi với chúng tôi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung Đoàn Đức Hạnh cho biết, kỹ năng sống của học sinh còn rất yếu, vì vậy, bộ tài liệu sẽ là nền tảng để các em không chỉ học tốt mà còn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Trường THPT Quang Trung mặc dù mới được thí điểm cho hơn 300 học sinh trên sáu lớp của khối lớp 10, 11. Tuy nhiên, kết quả có sự chuyển biến bất ngờ. Học sinh luôn chào hỏi thầy giáo, cô giáo, người lớn tuổi, tình trạng đánh nhau hầu như không còn. Đáng chú ý trong giờ học, khi thầy giáo, cô giáo đặt tình hưống, các em đã biết lựa chọn, đưa ra các phương pháp ứng xử hợp lý, nhân văn. Rất thích thú khi được nói về môn học, em Nguyễn Hoài Trung, Trường tiểu học Đoàn Kết (quận Hai Bà Trưng) nhận thấy hiệu quả sau mỗi tiết học là nhiều bạn trong lớp không nói tục chửi bậy nữa, còn bản thân thì thấy ý thức và tự giác hơn.
Bộ tài liệu không chỉ thu hút sự quan tâm của giáo viên, học sinh mà còn nhận được rất nhiều ý kiến của phụ huynh học sinh. Chị Nguyễn Thu Hương, phụ huynh HS lớp 5H, Trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) đã bày tỏ niềm tin tưởng và nhiệt tình ủng hộ việc triển khai giảng dạy bộ tài liệu này trong nhà trường. Theo chị Hương, bộ tài liệu sẽ có tác dụng lớn trong việc giáo dục các thói quen tốt, các hành vi lịch sự, văn minh cho học sinh. Ngay sau khi môn học này được triển khai đại trà, chị sẽ tích cực tham gia vào việc phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục con em lối sống văn minh, tích cực.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD và ĐT) Vũ Đình Chuẩn, bộ tài liệu là cách làm rất sáng tạo của Sở GD và ĐT Hà Nội với thành quả là bộ tài liệu không chỉ mang ý nghĩa khoa học, mà còn gắn với yêu cầu của thực tiễn dạy học. Đó là khơi dậy sự chủ động, tạo điều kiện để giáo viên sáng tạo, khích lệ việc đổi mới phương pháp trong mỗi bài giảng khi tìm tòi, đưa thêm những tình huống, câu chuyện để tổ chức cho HS thảo luận, đánh giá. Với việc không làm quá tải chương trình, không trùng lặp với nội dung đã có trong sách giáo khoa, tài liệu còn khắc phục được nhược điểm phổ biến hiện nay là hạn chế yếu tố lý luận, hàn lâm. Kiến thức truyền đạt cho HS được thể hiện một cách có hệ thống theo nguyên tắc đồng tâm – tiệm tiến, phù hợp lứa tuổi HS từ tiểu học, THCS đến THPT. Hình thức này còn gợi ra cho giáo viên cách thức kiểm tra, đánh giá HS không chỉ dựa vào kiến thức thu nhận qua một bài học cụ thể, mà còn kiểm tra được cả quá trình nỗ lực của HS khi chuyển từ nhận thức đến hành vi.
Dự kiến từ năm 2011, chương trình giáo dục nếp sống văn minh – thanh lịch sẽ được triển khai ở tất cả các trường học, sẽ góp phần quan trọng giúp các em học sinh có cái nhìn sâu sắc hơn về lối sống, đạo đức, tác phong của con người thanh lịch, văn minh xây dựng Thủ đô – trái tim của đất nước ngày càng to đẹp, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc.
Ý kiến ()