Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật: Còn nhiều cái khó
(LSO) – Do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị; trình độ nhận thức của học sinh khuyết tật còn hạn chế; chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên giảng dạy học sinh khuyết tật còn nhiều bất cập… khiến cho việc giáo dục học sinh khuyết tật trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn.
Năm học 2020 – 2021, toàn tỉnh có 1.402 học sinh khuyết tật đang theo học tại các trường. Trong đó, khuyết tật trí tuệ 839 em (chiếm 59,8%), khuyết tật vận động gần 170 em (chiếm 12%), còn lại là khuyết tật nghe, nói, thần kinh… Được biết, Lạng Sơn đã có Đề án trợ giúp người khuyết tật theo lộ trình từng năm học và hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn về thực hiện công tác giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật. Tuy nhiên, do địa bàn chưa có cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật, 100% trẻ khuyết tật đi học vẫn phải học trong môi trường như học sinh bình thường. Cùng đó, những trang thiết bị cần thiết để hỗ trợ học sinh khuyết tật (máy trợ thính, bàn phím âm thanh, chữ nổi…) còn thiếu khiến các em không được học trong môi trường dành riêng cho mình, thiệt thòi khi tiếp nhận kiến thức tại lớp. Hơn nữa, so với những học sinh bình thường thì học sinh khuyết tật có sự chênh lệch khá lớn về nhận thức lẫn kỹ năng sống dẫn đến khó khăn khi tiếp nhận kiến thức và trong quá trình tham gia các hoạt động trên lớp, tại trường.
Học sinh Trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn trong giờ học
Ghi nhận tại Trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, năm học 2020 – 2021, nhà trường có 18 học sinh khuyết tật/1.689 học sinh toàn trường. Do không có cơ sở vật chất dành riêng cho giáo dục học sinh khuyết tật, khả năng nhận thức của học sinh khuyết tật còn hạn chế, một số em không tự chủ được hành vi của bản thân, gây ảnh hưởng tới việc quản lý lớp học, giảng dạy của giáo viên… dẫn đến việc dạy và học đối với học sinh khuyết tật gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, trường hợp của em N.Q.T bị khuyết tật hệ vận động. Khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, các môn học thực hành thì em rất khó khăn buộc giáo viên phải bế hoặc cõng thì mới tham gia được.
Cô giáo Vũ Thị Quyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ở cấp tiểu học, mỗi tiết học chỉ có 40 phút. Trong 40 phút này, giáo viên vừa truyền đạt kiến thức, vừa quản lý lớp do đó, việc dạy đối với học sinh bình thường đã khó, nếu dạy ở lớp có học sinh khuyết tật lại càng khó hơn. Giáo viên không áp dụng được triệt để kiến thức đến học sinh hoặc không đủ thời gian truyền đạt, kèm cặp riêng cho học sinh khuyết tật, khiến học sinh khuyết tật bị thiệt thòi, không theo kịp các bạn…
Không chỉ có những cái khó trên, đa phần các giáo viên đều chưa qua đào tạo chuẩn vể giảng dạy cho học sinh khuyết tật mà chỉ tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn ngày, vì vậy, còn nhiều hạn chế trong truyền đạt kiến thức cũng như tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với học sinh khuyết tật…
Ông Trần Minh Châu, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục – Đào tạo cho biết: Ngoài những cái khó trên, trong thực tế, có nhiều học sinh khuyết tật nặng, sức khỏe, tâm lý diễn biến phức tạp, trong khi đó, giáo viên không có chuyên môn sâu nên đã ảnh hưởng đến khả năng hòa nhập của học sinh khuyết tật. Không chỉ vậy, một số phụ huynh không muốn công nhận con mình là học sinh khuyết tật nên không cho con đi kiểm tra xác định các dạng tật làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, phối hợp giáo dục của nhà trường cũng như thực hiện chế độ, chính sách cho học sinh.
Thiết nghĩ, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hòa nhập là rất cần thiết, giúp cộng đồng, xã hội hiểu rõ tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ khuyết tật. Với những khó khăn trên, các sở, ngành, cơ quan liên quan cần tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xem xét quy mô hoặc thành lập trường chuyên biệt công lập ở địa bàn có nhiều học sinh khuyết tật để tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật được học trong môi trường giáo dục phù hợp. Gia đình, nhà trường cần phối hợp tốt hơn nữa trong quản lý, giáo dục học sinh khuyết tật. Ngành GD&ĐT tiếp tục quan tâm cử giáo viên tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về giáo dục học sinh khuyết tật… Có như vậy, học sinh khuyết tật mới có điều kiện học tập để mở rộng cánh cửa tương lai.
Ý kiến ()