Giáo dục Hải Dương tiếp tục "được mùa"
Thủ khoa Phạm Đức Thịnh mong trở thành bác sĩ giỏi. |
Trước thềm năm học mới, niềm vui đang vỡ òa trong biết bao gia đình có con em vừa nhận thông tin trúng tuyển vào các trường ĐH. Tin vui nối tiếp tin vui đối với ngành giáo dục Hải Dương khi hàng loạt “sĩ tử” của các trường THPT trong tỉnh đỗ “thủ khoa” và “á khoa” của nhiều trường. Trong đó nổi bật là các em: Nguyễn Ngọc Thiện (THPT huyện Thanh Miện) đạt 29 điểm, thủ khoa Trường đại học Ngoại thương; Phạm Thành Công (Trường THPT Nguyễn Trãi), đạt 29 điểm, thủ khoa Học viện Tài chính. Tuy không đạt danh hiệu thủ khoa, nhưng “á khoa” Đại học Y Hà Nội – Phạm Đức Thịnh (THPT huyện Kim Thành) lại là niềm tự hào của sĩ tử Hải Dương với tổng số điểm thi 29,5 và xứng đáng là “thủ khoa” của tỉnh. Nét đáng chú ý, số lượng học sinh đạt điểm cao, trúng tuyển các kỳ thi ĐH phân bổ khá đồng đều giữa khu vực nông thôn và thành thị, các thủ khoa, á khoa năm nay cũng trải đều ở các trường tuyến huyện.
Trường THPT huyện Kim Thành là một trường có chất lượng đầu vào không cao, nhưng nhiều năm qua luôn đứng trong tốp 100 trường của cả nước về số học sinh thi đỗ ĐH. Để có kết quả đó là sự nỗ lực phấn đấu của tập thể thầy và trò nơi đây, nhất là nhà trường khuyến khích giáo viên sử dụng giáo án điện tử, tăng cường các phương tiện dạy học và sử dụng các phương pháp dạy học tích cực để học sinh hoạt động nhiều trên lớp, phát huy được khả năng sáng tạo và biết cách tìm kiếm, khai thác các loại tài liệu học tập. Thầy giáo Bùi Quang Lương, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A phấn khởi cho biết: Lớp có 45 học sinh, kỳ thi ĐH vừa qua 39 em đạt điểm 20 trở lên, 18 em đạt trên 25 điểm, học sinh có điểm thấp nhất cũng vượt xa điểm sàn.
“Thủ khoa” của tỉnh Phạm Đức Thịnh lớn lên trong một gia đình nhà giáo ở thị trấn Phú Thái (Kim Thành), ngay từ nhỏ em đã được cha mẹ định hướng phương pháp học tập khoa học. Gương mặt thông minh, nụ cười cởi mở nhưng Thịnh không muốn nói về thành tích học tập của bản thân. Em dí dỏm nói về những ước mơ thuở nhỏ, về công ơn sinh thành của cha mẹ, sự dưỡng dục của gia đình và sự tận tâm, trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo đối với học sinh trong nhà trường. Phương pháp học tập của Thịnh xem ra rất đơn giản: Lắng nghe, tiếp thu những điều thầy cô giảng trên lớp; về nhà dành thời gian học vừa phải nhưng tập trung; kết hợp hài hòa giữa học tập với vui chơi phù hợp và rèn luyện thể chất. Thịnh đăng ký theo học ngành y bởi tâm nguyện muốn chữa bệnh cứu người. Em hứa quyết tâm phấn đấu để trở thành chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế và trước mắt là trở thành một thầy thuốc giỏi.
Cùng lớp 12 A với Thịnh còn có hai bạn đỗ Trường ĐH Dược với số điểm rất cao, đó là Bùi Huy Hoàng đạt 28 điểm; Vũ Văn Đông đạt 27 điểm. Bùi Huy Hoàng còn thi vào Trường ĐH Y đạt 27 điểm. Hoàng sinh trưởng trong gia đình nông dân nhưng có quyết tâm cao. Là lớp trưởng 12A, năm học 2011-2012 em đoạt Giải nhì kỳ thi Học sinh giỏi tỉnh. Theo Hoàng, có được kết quả trên là nhờ nhà trường có môi trường giáo dục rất tốt, các thầy cô có phương pháp giảng dạy đa dạng, dễ hiểu, dễ nhớ, từ đó học sinh tự lựa chọn phương pháp để tiếp thu bài giảng tốt nhất.
Niềm vui nhân đôi đối với gia đình Phạm Tuấn Anh (THPT Tứ Kỳ), bởi năm nay em có số điểm thi cao nhất Khoa Kinh tế đầu tư (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), còn năm trước người anh trai là Phạm Quốc Anh trúng tuyển Đại học Xây dựng với số điểm 27. Với niềm vui rạng ngời, hai anh em Tuấn Anh, Quốc Anh tâm sự: Bí quyết học tập của hai em là lắng nghe bài giảng trên lớp, về nhà xem lại kiến thức và nghiên cứu tài liệu các môn thi đại học mà các thầy cô biên soạn, cấp phát cho học sinh theo tuần, theo chuyên đề. Kỳ thi đại học vừa qua, lớp 12 A của Tuấn Anh có 42 học sinh thì có 41 bạn đạt điểm từ 20 trở lên, bạn thấp nhất đạt 19 điểm.
Những năm qua, Trường THPT Tứ Kỳ luôn là “điểm sáng” của Hải Dương về tỷ lệ học sinh đỗ ĐH, với tỷ lệ trung bình 60 đến 65%/năm. Về định hướng giáo dục, Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Ngọc Nhật cho biết: Nhà trường thực hiện đúng chương trình giảng dạy của Bộ Giáo dục và Đào tạo và theo hướng dẫn của ngành; thường xuyên củng cố mối quan hệ giữa nhà trường, lớp học và hội cha mẹ học sinh. Mỗi năm trường đầu tư 70-80 triệu đồng mua tài liệu giảng dạy và học tập bổ sung cho thư viện, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên và học sinh tiếp cận, nghiên cứu, bổ trợ kiến thức từ các nguồn tư liệu. Tổ chức cho học sinh học tập, trao đổi kinh nghiệm hai lần mỗi năm, trong đó mỗi lớp chọn 5-10 học sinh viết sáng kiến, kinh nghiệm học tập, có chấm giải và biểu dương khen thưởng. Trường tổ chức thi thử đại học ba lần cho học sinh lớp 12, sau đó giáo viên bộ môn rút kinh nghiệm làm bài đối với từng học sinh, qua đó bổ trợ kiến thức và tư vấn cho các em chọn nghề, chọn trường phù hợp sức học.
Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi được ví như “vườn ươm” của những tài năng. Năm nay trường tiếp tục vinh danh với thủ khoa của Học viện Tài chính là Phạm Thành Công. Hiệu trưởng nhà trường Phan Tuấn Cộng cho biết: Tại kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc vừa qua, trường Nguyễn Trãi có sáu học sinh đoạt giải nhất quốc gia, gồm: ba giải nhất môn sử, hai giải nhất môn hóa, một giải nhất môn toán. Song song với đào tạo học sinh giỏi, nhà trường luôn coi trọng giáo dục toàn diện, thực hiện thi tuyển, không xét tuyển. Theo thầy Phan Tuấn Cộng, để đào tạo học sinh giỏi, cơ bản phải có “bốn tốt”: chính sách tốt, cơ sở vật chất tốt, chương trình giáo dục tốt và tổ chức giáo dục tốt.
Năm học 2011-2012 tiếp tục là năm được mùa của giáo dục chất lượng cao của tỉnh Hải Dương. Ngoài việc có nhiều thủ khoa tại kỳ thi tuyển sinh đại học, Hải Dương còn có 67 học sinh đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và là đơn vị có số giải nhất dẫn đầu cả nước. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương Nguyễn Văn Quốc cho biết: Ngành giáo dục Hải Dương luôn coi trọng giáo dục toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần cho học sinh ngay từ bậc tiểu học. Trước hết phải bảo đảm chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy; làm tốt công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu để các em vươn lên đạt chuẩn kiến thức; chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống để nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, tạo cơ sở vững chắc cho các em phát triển sau này. Đối với bậc trung học, các trường THCS trọng điểm, chất lượng cao được ưu tiên bố trí cán bộ quản lý, giáo viên đủ phẩm chất, năng lực; trang bị cơ sở vật chất, thiết bị tối thiểu theo tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia; tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên được đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong nước và nước ngoài; tăng cường thêm nguồn chi phí thường xuyên cho các trường. Đối với bậc THPT, thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; coi trọng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá chất lượng toàn diện các mặt công tác; chỉ đạo các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao chất lượng dạy học. Đó là những cơ sở tiền đề và là nền tảng vững chắc để tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống hiếu học và giữ vững chất lượng giáo dục ở Hải Dương.
Ý kiến ()