Giáo dục giới tính: Tạo “lá chắn” an toàn cho trẻ
– Giáo dục giới tính (GDGT) luôn là chủ đề được cơ quan chức năng và các gia đình quan tâm bởi việc này góp phần không nhỏ tới sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ, giúp trẻ em hiểu rõ cơ thể mình và sự khác biệt với bạn khác giới một cách sớm nhất để từ đó biết cách bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ bị lạm dụng tình dục hoặc mang thai trong độ tuổi vị thành niên…
GDGT là giáo dục những kiến thức liên quan đến sinh sản, kỹ năng sống ở mỗi giới, giúp trẻ có những hiểu biết tối thiểu để không bỡ ngỡ trong quá trình phát triển của cơ thể. Bác sĩ Vũ Vân Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: Thông thường, độ tuổi thích hợp nhất trong quá trình sinh sản vào khoảng 20 đến 30 tuổi ở cả nam và nữ. Việc mang thai sớm ở lứa tuổi vị thành niên sẽ dễ dẫn đến các biến chứng như: sảy thai, đẻ non, nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ tử vong mẹ. Vì thế, GDGT có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển toàn diện cho trẻ, để trẻ hiểu rõ về sự phát triển của cơ thể, tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Chị Nguyễn Thu Trang, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho các con xem hoạt hình có tác dụng giáo dục giới tính cho trẻ
Để thực hiện tốt việc GDGT, nhất là GDGT từ sớm cho trẻ, những năm qua, các cấp, ngành liên quan và các bậc phụ huynh đã có nhiều động thái tích cực. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền các nội dung về phòng, chống xâm hại trẻ em; các kỹ năng tự bảo vệ, phòng tránh xâm hại… cho học sinh, trẻ em bằng nhiều hình thức như: nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm, in và phát tờ rơi tài liệu tuyên truyền, treo pa nô, áp phích… Ông Đàm Văn Chính, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Từ năm 2019 đến nay, sở đã hướng dẫn, đôn đốc phòng lao động, thương binh, xã hội – dân tộc các huyện và Phòng Lao động – Thương binh, Xã hội thành phố phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) các huyện, thành phố tổ chức được hơn 60 buổi diễn đàn dành cho trẻ em các cấp tiểu học, THCS và THPT với chủ đề liên quan đến GDGT. Trong đó có hướng dẫn cách nhận biết và phòng, chống các loại tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là phòng tránh xâm lại tình dục. Cùng đó, sở còn phối hợp với các cấp, ngành chức năng tổ chức nhiều hoạt động liên quan.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 670 đơn vị trường ở các bậc học. Hằng năm, các trường đều tổ chức các hoạt động tuyên truyền, lồng ghép GDGT vào các môn học; tổ chức các hội thi, trò chơi vận động, chiếu clip có nội dung liên quan đến chủ đề GDGT cho học sinh… Bên cạnh trách nhiệm của nhà trường, gia đình là nền tảng vững chắc để giáo dục cho trẻ hiểu những vấn đề nhạy cảm về giới tính từ khi còn nhỏ. Thay vì có những suy nghĩ lệch lạc về việc GDGT như trước thì những năm gần đây, phụ huynh cũng đã quan tâm theo dõi sự phát triển, sinh trưởng của con em mình và áp dụng các kiến thức cơ bản để GDGT sớm cho trẻ từ những năm học mầm non, tiểu học… Chị Nguyễn Thu Trang, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi đã bắt đầu GDGT cho con gái của mình từ khi cháu 4 tuổi. Tôi thường trò chuyện, cho con biết về giới tính, về sự thay đổi của bản thân để con hiểu về cơ thể mình và biết cách phân biệt bạn trai, bạn gái… Việc giáo dục này được thực hiện thông qua hình thức cho con xem tranh, ảnh, phim hoạt hình hoặc đọc sách, truyện liên quan đến giới tính.
Với những cách làm, biện pháp trên đây, những năm qua, việc GDGT đã mang lại những kết quả tích cực. Trẻ em trên địa bàn tỉnh đã biết bảo vệ bản thân khỏi các vụ lạm dụng tình dục, qua đó, số vụ xâm hại tình dục trẻ em giảm rõ rệt. Năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 20 vụ với 27 trẻ em vị xâm hại; năm 2020, xảy ra 17 vụ với 17 trẻ em bị xâm hại; từ đầu năm 2021 đến nay, cả tỉnh xảy ra 9 vụ với 10 trẻ bị xâm hại.
Qua đây có thể thấy, việc GDGT cho trẻ là hết sức cần thiết và quan trọng. Để việc GDGT cho trẻ tiếp tục mang lại hiệu quả tích cực thì các cấp, ngành chức năng, nhà trường, gia đình và phụ huynh nên tiếp tục có những cách làm hay, cách giáo dục phù hợp để trẻ có thể dễ dàng tiếp cận thông tin về giới tính, để từ đó góp phần giúp trẻ phát triển tốt về thể trạng và tâm sinh lý.
THU HIỀN
Ý kiến ()