Giáo dục giới tính cho giới trẻ: Còn nhiều khoảng trống
Theo các chuyên gia, giáo dục giới tính ngày càng trở nên cấp thiết do xu hướng quan hệ tính dục sớm hơn so với trước đây. Tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở vị thành niên Việt Nam đã giảm và số thanh niên cho biết có quan hệ tình dục tiền hôn nhân đã tăng lên.
Những con số biết nói
Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số vừa công bố một nghiên cứu mới nhất về sức khỏe tình dục vị thành niên và giáo dục giới tính được tiến hành trong năm nay. Công trình nghiên cứu được thực hiện trên khoảng gần 800 đối tượng là vị thành niên, thanh niên độ tuổi từ 14 – 24. Những con số mà nghiên cứu này đưa ra giúp xã hội có một kênh thông tin thực sự hữu ích về quan niệm, thái độ của giới trẻ về tình dục và tình yêu.
Theo kết quả khảo sát, nhìn chung người vị thành niên có thái độ khá cởi mở và trung lập về tình dục. Có đến 93,7% đối tượng được khảo sát nghĩ về tình dục như là một điều bình thường và tự nhiên trong cuộc sống. Nhiều ý kiến cho rằng giá trị tích cực chỉ khi gắn với các điều kiện “trong hôn nhân”, “yêu thực sự”, “có sự đồng thuận” và “an toàn”. Một số ý kiến khác vẫn khẳng định tầm quan trọng của tình dục nhưng nhấn mạnh đến quyết định cần phải cân nhắc kỹ đến thỏa mãn và hạnh phúc. Chỉ 1,6% người trả lời cho rằng không tốt.
Ảnh minh họa. Nguồn: hanoimoi.vn |
Về tình dục trước hôn nhân, 41% cho rằng việc ấy là “bình thường” hoặc “tốt”; 35,9% không ủng hộ quan hệ tình dục trước hôn nhân; 6,1% cho rằng việc đó cần hai người cân nhắc cẩn trọng. Nhìn chung, mặc dù các bạn nam ủng hộ quan hệ tình dục, bao gồm cả tình dục trước hôn nhân, nhưng họ lại có cái nhìn tiêu cực về những cô gái đã có quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Trung bình, vị thành niên bắt đầu mối quan hệ tình cảm khoảng 18 tuổi. Tuy nhiên, các em có thể bắt đầu từ lúc 10 tuổi hoặc thậm chí sớm hơn. Việc có nhiều người yêu cũng khá phổ biến. Trong số những vị thành niên từng yêu trong lúc đang đi học, cho đến tuổi 24, 27% trong số họ đã có đến 3 mối quan hệ trở lên.
Cũng theo kết quả nghiên cứu, tuổi trung bình có quan hệ tình dục lần đầu là 18,8 tuổi, nhưng 8,5% các bạn trẻ đã có quan hệ tình dục cho biết đã có quan hệ lần đầu ở tuổi 15 hoặc trẻ hơn. Tỷ lệ có 2 bạn tình trở lên thì nam nhiều hơn nữ.
40% vị thành niên từng quan hệ tình dục không áp dụng biện pháp bảo vệ trong lần quan hệ tình dục gần nhất trước khi tham gia khảo sát. Tỷ lệ này đối với lần quan hệ tình dục đầu tiên là gần 50%.
Đáng chú ý là, gần 1/3 (26,1%) thanh niên từng có mối quan hệ tình cảm không hề làm bất kỳ điều gì để đảm bảo an toàn khi đi chơi bởi vì họ không thấy có bất kỳ nguy cơ gì. Trong số còn lại, 72,6% (283/390) mang theo tiền; 66% chỉ đến những nơi họ biết; 59,5% có số liên hệ khẩn cấp theo mình; 48,2% phải tìm hiểu về người kia trước khi đi chơi; 30,5% mang theo bao cao su; 22,6% nói với người khác về việc hẹn hò và 20,5% mang theo những thứ có thể giúp báo động hoặc sử dụng làm vũ khí. Vẫn còn khoảng 20% vị thành niên hiểu sai lệch về việc sử dụng thuốc tránh thai để phòng tránh lây nhiễm HIV cũng như chẩn đoán nhiễm HIV thông qua nhìn vẻ bề ngoài.
Giới trẻ biết những gì? Và giới trẻ muốn biết những gì?
Theo điều tra nghiên cứu, nhìn chung vị thành niên thấy rằng việc có cảm xúc với người khác ở độ tuổi đi học là điều bình thường và bắt đầu mối quan hệ ở trường THPT là điều có thể chấp nhận. Mặc dù có sự hoài nghi về những điều như “tình yêu đích thực” trong độ tuổi đi học, nhưng vị thành niên, đặc biệt là những người đã và đang yêu, xem xét mối quan hệ một cách nghiêm túc. Do đó, họ cảm thấy ức chế khi thấy rằng mối quan hệ của mình không được chấp nhận, bị kiểm soát và chịu sự dò hỏi của phụ huynh và giáo viên. Sự mâu thuẫn này là một rào cản để giao tiếp hiệu quả và cùng xây dựng giữa vị thành niên với phụ huynh và giáo viên về mối quan hệ ngay cả khi vị thành niên thực sự muốn tham vấn ý kiến của người lớn.
Mặt khác, vị thành niên cũng cẩn trọng hơn về quan hệ tình dục tiền hôn nhân bởi vì họ nhận thức được những rủi ro có thể xảy đến. Những vị thành niên tốt nghiệp THPT tỏ ra có thái độ cởi mở hơn đối với tình dục tiền hôn nhân. Tuy nhiên, do sự gắn kết giữa tình dục tiền hôn nhân và phán xét đạo đức dưới những cái tên như “ngoan hiền” hay “hư đốn”, nên vị thành niên có xu hướng coi việc quan hệ tình dục là những biến cố bất chợt, ngẫu nhiên và ngoài tầm kiểm soát… Quan nhiệm này đã phần nào ngăn không cho vị thành niên có được những chuẩn bị thấu đáo cho các thực tiễn tình dục, kể cả việc tìm kiếm thông tin và tài liệu cần thiết chẳng hạn như các biện pháp đảm bảo an toàn. Do đó, ngay cả những vị thành niên lớn tuổi cũng không thể hoàn toàn có được những hành vi tình dục an toàn.
Cũng theo các kết quả điều tra, vị thành niên mong muốn tìm hiểu thêm về vấn đề tình dục và quan hệ tình cảm từ các bậc phụ huynh và giáo viên. Họ xem giáo dục giới tính là những kiến thức quan trọng trong cuộc đời. Họ muốn được giáo dục về lĩnh vực này ngay từ sớm trong giai đoạn học tiểu học. Họ nêu lên những đề xuất liên quan đến kiến thức và kỹ năng cụ thể và thực tiễn mà họ có thể áp dụng trong mối quan hệ của mình bao gồm cả quan hệ tình dục, chứ không chỉ là sự đe dọa hay cảnh bảo. Họ muốn tình cảm và vấn đề tình dục bằng phương pháp thực nghiệm.
Kết quả khảo sát cho thấy, việc tâm sự với phụ huynh về tình yêu, tình dục vẫn còn là một khó khăn đối với giới trẻ. Thiếu lòng tin và sự thấu hiểu lẫn nhau giữa phụ huynh và con cái, giới trẻ không nói chuyện với phụ huynh về các mối quan hệ của mình mặc dù trên thực tế họ muốn có lời khuyên từ bậc cha mẹ.
Trong khi đó, phụ huynh thực sự muốn biết về tình trạng của con cái họ nhưng không thể tiếp cận được những thông tin này. Do đó, họ phải tự tìm ra cách riêng của mình để vi phạm sự riêng tư của con cái. Thậm chí một số phụ huynh còn cố gắng tiếp cận các khu vực riêng tư của con họ như facebook hay tin nhắn điện thoại, hy vọng có thể tìm thấy một vài “bí mật” của con và ngăn chặn những rủi ro có thể xảy ra.
Giáo viên cũng không phải là đối tượng giới trẻ tìm đến nhiều khi muốn tâm sự chủ đề tình yêu, tình dục. Chỉ có khoảng 1/4 số tham gia khảo sát cho rằng sẽ tâm sự với giáo viên khi có người yêu. Hầu hết, các đối tượng tham gia khảo sát đều cho rằng họ không dám tâm sự với thầy cô khi đã quan hệ tình dục. Gần 1/5 (18,6%) giới trẻ đã từng hỏi ý kiến thầy cô về bao cao su. Tỷ lệ tâm sự với giáo viên về các biện pháp tránh thai khác chiếm 20,3%.
Trước tình hình thực tế như vậy, các chuyên gia nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị như: giáo dục giới tính phải được đưa thành một nội dung bắt buộc của chương trình giáo dục phổ thông, trước khi học sinh nữ và học sinh nam bước vào giai đoạn dậy thì; Giáo dục giới tính cần phải là một quá trình liên tục và tổng thể chứ không phải là các phần riêng lẻ, độc lập; Chương trình giáo dục giới tính trong nhà trường cần được thảo luận với cả phụ huynh để họ có thể hỗ trợ hiệu quả trong quy trình này.
Ý kiến ()