Giáo dục giá trị sống: Cách thức “mở”để bồi dưỡng nhân cách học sinh
(LSO) – Với nhận thức giáo dục giá trị sống cho học sinh là một phần quan trọng trong giáo dục toàn diện, các nhà trường đã có những hình thức dạy học mang tính “mở” để làm phong phú hơn cảm nhận của các em.
Hiệu quả của một buổi ngoại khóa
Với chuyên đề “chữ Hiếu”, Trường THCS Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) đã chọn ngày 20/10 – ngày Phụ nữ Việt Nam để tổ chức các hoạt động cho học sinh khối 9 và một số phụ huynh tại chùa Tân Thanh. Bằng cái tâm với thế hệ trẻ, Thượng tọa Thích Quảng Truyền đã trao đổi với học sinh thế nào là chữ hiếu, cách thể hiện “chữ hiếu” phù hợp với lứa tuổi các em… Sau giờ giảng, các hoạt động bổ trợ được tổ chức sinh động và hấp dẫn.
Học sinh Trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn trao đổi những cuốn sách hay về giá trị sống
Em Nguyễn Mai Thảo Nguyên, học sinh lớp 9A5 cảm nhận: “Chúng cháu đã được học những tấm gương hiếu nghĩa qua các giờ Đạo đức, Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử… Song khi nghe Thượng tọa giảng cháu hiểu ra nhiều vấn đề”. Em Nguyễn Ngọc Thịnh, học sinh lớp 9A2 tâm sự: qua lời giảng của Thượng tọa, bản thân cháu tự nhìn lại mình và vỡ lẽ ra rằng, nhiều khi mải học, mải chơi, mình đã thiếu quan tâm đến cha mẹ; thậm chí nhiều lúc còn làm cho cha mẹ phiền lòng. Trao đổi với chúng tôi, chị Đinh Thị Hường, một phụ huynh thổ lộ, đây là hoạt động rất ý nghĩa vì nó không chỉ là sự cung cấp kiến thức, bồi đắp tình cảm cho các cháu mà chính các bậc cha mẹ như chúng tôi cũng được thức tỉnh về bản thân cũng như quan tâm hơn tới con mình. Cô giáo Bùi Thị Thơm, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các giá trị nền tảng của giá trị sống, các thầy cô đã cung cấp cho các em theo hình thức lồng ghép vào các bài giảng bộ môn. Song khi được nghe theo tính chất “chuyên đề”, học sinh hiểu sâu hơn, liên hệ tốt hơn và những chuyến trải nghiệm như vậy sẽ trở thành dấu ấn sâu sắc trong các em.
Đa dạng hóa hình thức giáo dục
Dựa trên 12 giá trị nền tảng, giá trị sống hình thành trong quá trình phát triển của mỗi cá nhân, nhưng phải được giáo dục, nhất là trong giai đoạn tuổi vị thành niên (10-18 tuổi), vì lứa tuổi này đang trong thời kỳ hình thành nhân cách. Một nhà giáo dục đã khẳng định “Thiếu kỹ năng nghề nghiệp thì con người sẽ sống khổ, thiếu kỹ năng sống thì con người sẽ sống khó, không có giá trị sống thì con người không đáng sống”. Là một phần của công tác cải cách toàn diện giáo dục và đào tạo, những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo đã tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục từ cấp học mầm non đến THPT dành thời lượng và hình thức phù hợp trong chương trình, tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm, hình thành giá trị sống từ thấp đến cao.
Vượt qua khó khăn về thời gian và thời lượng “cứng” của chương trình khung, các nhà trường lập và thực hiện chương trình giáo dục của mình, cụ thể hóa chương trình chung cho phù hợp; lựa chọn xây dựng nội dung và xác định cách thức thực hiện đáp ứng nhu cầu phát triển của người học, nhằm đạt hiệu quả mục tiêu giáo dục của cấp học. Giáo dục giá trị sống được bố trí thời gian và hình thức khá phù hợp theo hướng “mở” tùy điều kiện của từng trường, trong đó, hình thức phối hợp với các lực lượng xã hội để giáo dục giá trị sống cho học sinh đã mang lại hiệu quả tốt. Các buổi ngoại khóa với các chủ đề: gia đình, tình bạn, tình yêu, tình thầy trò; các buổi nói chuyện về lịch sử, địa lý; các chuyến tham quan cột mốc, biển đảo…luôn được các nhà trường tổ chức và rất bổ ích trong giáo dục giá trị sống.
Có những “lớp học trong hang núi” như cách thức tổ chức của Trường THCS Tân Văn (Bình Gia) giúp học sinh tìm hiểu về người Việt cổ tại hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai. Có những “lớp học vườn quýt” của học sinh Trường THCS xã Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn) giúp học sinh hiểu về giá trị lao động. Và rất nhiều hoạt động như: tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc gia đình người có công… các hoạt động mang tính xã hội rộng đã giúp sức cho công tác giáo dục giá trị sống.
Ý kiến ()