Thứ 2, 25/11/2024 18:52 [(GMT +7)]
Giáo dục- điều kiện tiên quyết cho sự nghiệp CNH
Thứ 5, 09/09/2010 | 08:35:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trong những năm qua, công tác GD&ĐT đã có tác động mạnh mẽ đến quy mô, tốc độ của sự nghiệp CNH-HĐH ở tỉnh ta. Trong thời kỳ mà sự nghiệp CNH-HĐH là một sự tất yếu của phát triển, thì địa phương nào có trình độ dân trí cao hơn, thì kinh tế- xã hội ở địa phương đó phát triển nhanh hơn…
Những người cao tuổi chắc vẫn còn nhớ thời kỳ bình dân học vụ trong những năm 50 của thế kỷ trước. Thời đó, phong trào toàn dân đi học đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến tất cả các tầng lớp nhân dân. Hồi ấy, người ta “đốt đuốc đi tìm chữ” chỉ đơn giản là để biết đọc, biết viết, mà chưa thể áp dụng các tiến bộ KHKT từ tài liệu vào sản xuất và đời sống. Bởi vậy, sau thời kỳ này, cái chữ cứ theo người dân lên núi, vào nương mà rơi rụng dần qua từng con dốc đứng. Sau năm 1975 và giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường, tỷ lệ người dân tái mù chữ trên địa bàn tỉnh ta rất cao, đặc biệt tập trung vào các xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số và các xã ĐBKK. Bởi vậy, trong thời kỳ 1990-2000, song song với việc phục hồi giáo dục phổ thông, công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học (GDTH) được coi là “sự nghiệp hàng đầu” của tỉnh. Với quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, việc mở các lớp xóa mù chữ, phổ cập GDTH được thực hiện đồng bộ và rộng khắp. Để đẩy nhanh tiến trình thực hiện, các chế độ chính sách cho người dạy, người học được thực hiện một cách nghiêm túc có tác dụng động viên người trong độ tuổi đến trường, chống lưu ban bỏ học. Do đó, đến năm 1997 toàn tỉnh đã hoàn thành phổ cập GDTH chống mù chữ trước kế hoạch 1 năm. Tuy vậy, mãi đến năm 2001, tất cả 226/226 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh mới hoàn thành công tác này.
“Cầm tay chỉ việc” – một phương thức truyền đạt kiến thức mới, mang lại hiệu quả cao đối với người nông dân |
Trong những năm đầu của thế kỷ XXI, trước yêu cầu về chất lượng nhân lực cho công cuộc CNH-HĐH đất nước, công tác phổ cập trung học cơ sở ( THCS) được đặt ra một cách cấp thiết. Song song với giữ vững thành tựu phổ cập GDTH- chống mù chữ; đẩy mạnh phổ cập GDTH đúng độ tuổi, các địa phương đã tiến hành điều tra, phổ cập THCS. Khắc phục nhiều khó khăn về CSVC, đội ngũ giáo viên và nhất là đối tượng người học trong độ tuổi lao động, sự linh hoạt của các nhà trường trong việc huy động và duy trì đã mang lại hiệu quả: năm 2006 toàn tỉnh đã hoàn thành việc phổ cập THCS; tỷ lệ người trong độ tuổi tốt nghiệp THCS đạt trên 80%. Đến nay, việc duy trì các lớp phổ cập THCS vẫn là việc làm thường xuyên của các nhà trường. Tỷ lệ người biết chữ trong toàn tỉnh trong độ tuổi 15-25 đã đạt 98,6%, trong độ tuổi 15-35 đạt 97,8% và độ tuổi 15 trở lên đạt 94,5%. Triển khai các chỉ thị của Tỉnh ủy về thành lập Trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ), với “hạt giống” là trung tâm HTCĐ ở xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng), các trung tâm đã được thành lập và đi vào hoạt động, thu hút người lao động đến học tập, bồi dưỡng. Tính đến hết tháng 8/2010, tất cả 100% số xã có trung tâm HTCĐ, riêng năm học 2009-2010, các Trung tâm đã mở được 2.833 lớp với 211.676 lượt người tham gia học tập thường xuyên với các chuyên đề khác nhau theo tính chất “cần gì học nấy, học để làm được ngay”. Việc hình thành một xã hội học tập đã giúp cho vùng nông thôn phát triển nhanh theo hướng CNH- HĐH. Thông qua các trung tâm này, người nông dân đã tiếp cận với cơ chế thị trường, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với việc được cung cấp kiến thức, nguồn vốn vay dồi dào hơn, lãi suất ưu đãi hơn, nên nông dân Lạng Sơn đã tự tin hơn khi bước vào thời kỳ hội nhập. Những cụm từ “ Lợn siêu nạc, gia cầm siêu thịt, siêu trứng, bò sinh sản, cà chua trái vụ siêu quả, na đốn cành…” không còn là chuyện quá xa xôi với người nông dân. Dựa trên thành quả của phổ cập THCS, công tác đào tạo nghề cho người lao động được tiến hành thuận lợi hơn; nhiều nghề mới xuất hiện ở nông thôn đã có tác dụng phân công lại lao động, bố trí lại cơ cấu ngành nghề một cách tự nhiên, giải quyết việc làm tăng thu nhập, tạo sự chuyển biến trong đời sống của nông dân, mang lại diện mạo mới trong khu vực nông thôn.
Kiên trì và nỗ lực, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo có hiệu quả của UBND các cấp, việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực đã được ngành GD&ĐT thực hiện nhanh và mang tính bền vững; cung cấp nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng cho sự nghiệp CNH-HĐH; ngược lại, chính sự nghiệp CNH-HĐH đã tạo điều kiện cho công tác GD&ĐT tỉnh ta phát triển theo hướng hiện đại, hòa nhập với một nền giáo dục tiên tiến của cả nước.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()