Giáo dục dân tộc - điểm nhấn trong công tác dân tộc
Giờ đọc sách trong thư viện của học sinh Trường THCS Dân tộc bán trú Thiện Long (Bình Gia) |
Mở rộng các loại hình giáo dục dân tộc
Bước vào năm học 2014-2015, Lạng Sơn đã có 1 trường trung học phổ thông dân tộc nội trú ( DTNT), 10 trường trung học cơ sở DTNT với tổng số 104 lớp, trên 2.660 học sinh. Tất cả các trường này đều đạt chuẩn Quốc gia. Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã giúp các trường nội trú đảm bảo các điều kiện nuôi dạy và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Bên cạnh đó, từ năm học 2010-2011, thực hiện Thông tư số 24/TT-BGD&ĐT, ngày 2/8/2010 của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã xúc tiến thành lập loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT). Đến năm học 2014-2015, toàn tỉnh đã có 85 trường phổ thông DTBT, gồm 35 trường tiểu học, 13 trường tiểu học & THCS và 37 trường THCS với trên 10.000 học sinh bán trú.
Song song với duy trì loại hình phổ thông dân tộc nội trú và bán trú, nhiều chương trình, dự án đã được đưa về vùng cao, vùng dân tộc như dự án SEQAP, dự án phát triển trung học cơ sở, dự án dành cho các trường khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn… Các dự án thuộc ngành GD&ĐT cùng với các dự án phát triển khác như chương trình 135, chương trình 120, chương trình định canh định cư và các chương trình viện trợ quốc tế… hình thành một nguồn lực to lớn để hỗ trợ giáo dục dân tộc phát triển, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng tại các trường, điểm trường; hỗ trợ sách giáo khoa, giấy vở học sinh để đảm bảo “3 đủ” cho học sinh tới trường.
Thực hiện chính sách ưu tiên đối với học sinh dân tộc
Trong những năm qua, ngành GD&ĐT đã kịp thời thực hiện đầy đủ chế độ cho học sinh dân tộc thiểu số. Tất cả học sinh trong trường phổ thông DTNT đều được ở nội trú tại trường và hưởng đầy đủ chế độ học bổng. Đến cuối năm học 2013-2014, toàn tỉnh đã có 11.829 học sinh từ cấp học mầm non đến THCS được hỗ trợ tiền ăn theo Quyết định số 85/2010-QĐ-TTg của Chính phủ; 6.855 học sinh THPT được hỗ trợ về tiền ăn và tiền nhà ở theo Quyết định số 12/2013-QĐ-TTg; 20.115 em được hỗ trợ gạo theo Quyết định 36/QĐ-TTg. Hằng năm, với chính sách ưu tiên con em đồng bào dân tộc, hàng trăm học sinh được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng hoặc dự bị đại học trong khu vực. Nhiều học sinh dân tộc thiểu số vào học tại các trường dạy nghề trong và ngoài tỉnh được hỗ trợ ăn, ở, học bổng, được hỗ trợ tìm việc làm sau khi ra trường.
Nâng cao chất lượng cho học sinh dân tộc thiểu số
Việc được ở nội trú, bán trú trong các nhà trường đã tạo điều kiện cho học sinh có nhiều quỹ thời gian để học tăng thời lượng và các hoạt động giáo dục khác. Ngành GD&ĐT cũng đã cử đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm tốt, có chuyên môn cao vào dạy ở loại hình chuyên biệt này. Vì vậy, các em không những được nuôi dưỡng tốt, chăm sóc sức khỏe tốt, học tập tiến bộ mà các kỹ năng cần thiết như kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động tập thể…đều được nâng lên. Năm học 2013-2014, tỷ lệ đạt học lực giỏi của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đạt trên 22%, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, tỷ lệ thi đỗ vào các trường đại học -cao đẳng đạt trên 85%; tỷ lệ học lực giỏi ở các trường THCS dân tộc nội trú đạt 29,6% ( tăng 6,1% so với năm học trước). Chất lượng của các trường phổ thông DTBT cũng tăng cao: tỷ lệ giỏi ở cấp tiểu học đạt 23,6%, cấp THCS đạt 5,9%. Là một người cán bộ quản lý lâu năm ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, thầy giáo Phương Ngọc Thuyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tác động rất rõ của loại hình nội trú đối với nâng cao chất lượng học sinh là sự “cộng đồng trách nhiệm” giữa giáo viên và học sinh. Các em hiểu mình là người dân tộc thiểu số, được Đảng chăm lo, quan tâm từ đời sống, học tập đến tạo điều kiện cho phát triển nên học sinh có ý thức hơn trong phấn đấu và rèn luyện. Đội ngũ giáo viên cũng xác định là người cụ thể hóa chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với GD&ĐT nên quan tâm đến các em trong tất cả các mặt hoạt động”.
Trong những năm qua, công tác giáo dục dân tộc đã có tác động to lớn đến người dân, trực tiếp nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương. Nói về công tác giáo dục dân tộc, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT nhận định: nhờ có chính giáo dục dân tộc nên tỷ lệ huy động học sinh ra lớp cao (35% ở độ tuổi nhà trẻ, 98% ở độ tuổi mẫu giáo, 99,6% cấp tiểu học, 99,3% ở cấp THCS và tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp THCS vào các trường THPT đạt 83%); tỷ lệ bỏ học ở các cấp học rất thấp (0,01% ở cấp tiểu học và 0,15% ở cấp THCS). Chính sách cho học sinh dân tộc đã tạo điều kiện cho các em đến trường, tạo sự bình đẳng giữa các vùng miền, giữa dân tộc thiểu số và đa số, giữa trẻ em gái và trẻ em trai.
Ý kiến ()