Thứ 7, 08/02/2025 20:47 [(GMT +7)]
Giáo dục đại học - bức tranh đáng báo động Kỳ 3: Cần 5 năm để phục hồi chất lượng GDĐH đạt chuẩn
Thứ 4, 09/06/2010 | 09:11:00 [(GMT +7)] A A
Mặc dù chất lượng GDĐH đang xuống cấp trầm trọng, nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi, để tránh gây sốc cho xã hội, chúng ta cần một lộ trình 5 năm để phục hồi nền GDĐH trở lại chuẩn ban đầu của nó.
Hy sinh số lượng để bảo đảm chất lượng
– Thưa GS Đào Trọng Thi, theo như ông nói, GDĐH Việt Nam hiện nay đã thấp hơn rất nhiều so với chuẩn của chính chúng ta đặt ra. Làm thế nào để GDĐH đạt chuẩn?
– Một trong những chỉ tiêu kinh tế xã hội được đưa ra để đánh giá sự phát triển hằng năm đó là phải đạt 200 SV/1 vạn dân. Vô hình trung, điều này đã dẫn đến việc GDĐH phải chạy theo số lượng. Nhưng cần gì phải chạy theo số lượng khi chất lượng không có? Nếu đào tạo có chất lượng thì quy mô càng lớn càng tốt, nhưng không thể giải bài toán số lượng bằng cách giảm chất lượng xuống, để đến mức SV không còn là SV ĐH mà thành trình độ trung cấp, CĐ. Điều đó sẽ có hại nhiều hơn vì nhà trường cung cấp một số lượng sản phẩm “dởm” và XH sẽ phải gánh chịu hậu quả. Vì thế năng lực đào tạo được bao nhiêu SV thì đào tạo chừng đó, không vì muốn đào tạo số lượng lớn mà hy sinh chất lượng. Duy nhất một điều chúng ta băn khoăn là không đáp ứng được nhu cầu học tập của đông đảo thanh thiếu niên, đó là điều cay đắng. Nhưng chúng ta buộc phải chấp nhận, không thể đáp ứng điều đó bằng mọi giá.
Tôi muốn nhấn mạnh một điều là Việt Nam dù có thực hiện nghiêm túc chuẩn của mình thì cũng là một chuẩn rất thấp. Với định mức suất đầu tư 6 triệu đồng/SV/năm, thậm chí chúng ta cần đặt dấu hỏi đã đủ bảo đảm chất lượng hay không? Nhưng giờ đây chúng ta chỉ cần đạt được chuẩn đó. Chuẩn quốc tế thì cao hơn nhiều, tiêu chuẩn của Mỹ từ 20.000 đến 30.000 USD/SV/năm, còn ta thì tính kỹ thì mới chỉ đạt 300 USD/SV/năm thôi. Với tỷ lệ giảng viên, bây giờ chúng ta chỉ cần bảo đảm chất lượng của Việt Nam là: 15 SV/giảng viên. Trong cơ cấu của giảng viên thì tiêu chuẩn của Việt Nam là 15% TS, 40% thạc sĩ, còn tiêu chuẩn của nước ngoài thì giảng viên ĐH là TS trở lên, không có thạc sĩ.
Nguy hiểm là chúng ta đang đi con đường ngược lại, hy sinh chất lượng để chạy theo số lượng, nhưng cuối cùng số lượng ấy cũng không mang lại hiệu quả gì. Cái mà từ trước đến nay ngành GD không giải quyết được là bài toán quy mô và chất lượng.
– Nhưng nếu làm khắt khe theo tiêu chuẩn Việt Nam, theo ông sẽ có bao nhiêu trường ngoài công lập “sống sót”?
– Tôi nghĩ nếu làm đúng đắn thì trường ngoài công lập sẽ phát triển và phát triển lành mạnh. Hiện nay những trường phát triển không lành mạnh đang chèn chân của những trường lành mạnh.
GS, TSKH Đào Trọng Thi: “Phải hiểu các chuẩn Nhà nước quy định
là tối thiểu của trường ĐH, chứ không phải đạt chuẩn đó nghĩa
là trường tốt như lâu nay chúng ta đã hiểu”.
là tối thiểu của trường ĐH, chứ không phải đạt chuẩn đó nghĩa
là trường tốt như lâu nay chúng ta đã hiểu”.
Điểm sàn để đo năng lực thí sinh chứ không phải để đạt chỉ tiêu
– Kỳ tuyển sinh năm nay lại sắp bắt đầu, điểm sàn vẫn là câu chuyện muôn thuở. Ông có nói điểm sàn là để loại những thí sinh không đủ năng lực học, nhưng trên thực tế có đúng như vậy không?
– Điểm sàn được xác định theo hai yếu tố: những thí sinh nào đủ điểm chuẩn mới được theo học, trong những thí sinh đủ điều kiện theo học thì lấy từ cao xuống thấp cho đủ chỉ tiêu. Nhưng trong thực tế, điểm sàn hiện nay được xác định theo số lượng thí sinh và chỉ tiêu được tuyển, có nhiều chỉ tiêu thì điểm sàn càng lấy thấp. Bây giờ chỉ tiêu nhiều đến mức điểm sàn phải thấp xuống đến mức nhiều thí sinh trên điểm sàn không phải là những em đủ năng lực học.
– Liệu những nghịch lý điểm sàn có được cải thiện trong kỳ thi tới không, thưa ông?
– Kỳ thi tới thì chắc chưa thực hiện được, trừ trường hợp Bộ GD-ĐT rất quyết tâm. Nhưng tôi cho rằng không được vì chỉ tiêu đã giao rồi, mà chỉ tiêu đã giao, đã có quyết định rồi thì nó là pháp lệnh nên không thể cắt của các trường được. Chỉ có Bộ nâng điểm sàn lên với lý do để bảo đảm chất lượng. Khi ra bài thi thì cứ phải 5 điểm trở lên mới tính là trung bình, lấy điểm sàn từ 15 điểm trở lên. Với điểm sàn này thì chắc chắn đến 80% các trường ĐH, nhất là các trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu, rất có thể chỉ tuyển được một nửa chỉ tiêu thôi. Bộ làm thế thì có đủ dũng cảm để không thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội là 200 SV/1 vạn dân không? Làm như thế sẽ mất thành tích. Bộ có dám hy sinh thành tích vì chất lượng không?
Thêm nữa, nếu như vậy thì sức ép xã hội sẽ rất lớn. Đây vừa là sức ép của người dân, của các thí sinh năm nay đi thi, vừa là sức ép của các trường ngoài công lập. Vì nếu trường tuyển 1.000 SV thì mới đủ tiền vận hành, còn nếu chỉ 500 SV thì sẽ lỗ. Những nhà đầu tư nước ngoài thường phải chịu lỗ trong vài năm đầu để tích lũy uy tín, tích lũy thương hiệu rồi mới thu hoạch. Nhưng nhà đầu tư của ta thì chỉ “mì ăn liền” thôi. Nhiều trường thành lập không có tiền, tất cả đều hy vọng vào học phí thu được của SV.
Chắc chắn trước sau gì chúng ta cũng phải thực hiện nghiêm túc các chỉ tiêu về chất lượng. Nhưng phải có lộ trình hợp lý để khắc phục dần từ chỗ đang lộn xộn đến đủ chuẩn, chứ không thể khắc phục ngay được. Không thể chấp nhận Bộ cứ giữ mãi mà không chịu tay đổi.
Năm 2011, Quốc hội sẽ ban hành Luật GDĐH
– Theo ông, lộ trình đó kéo dài trong bao lâu để GDĐH quay trở lại đạt được chuẩn của Việt Nam?
– Nếu nghiêm túc thì trong vòng năm năm có thể đạt được. Khi giải thể một trường phải tính đến các SV học ở đó sẽ học ở đâu để bảo đảm quyền lợi, dễ gì nhờ trường khác nhận dạy SV của trường bị giải thể. Có cách thứ hai là, cứ để những SV học ở trường đó nhưng không cho tuyển mới. Năm ngoái có 1.000 SV năm nay không tuyển nữa thì tỷ lệ SV/giảng viên đã tăng lên gấp đôi. Bao giờ trường tuyển giảng viên nhiều hơn, xây nhà đủ thì lúc đó Bộ sẽ cho tuyển thêm, còn chỉ tiêu cũ thì không bắt trường bỏ đi.
– Lộ trình năm năm này Đoàn giám sát QH đã bàn với Bộ GD-ĐT chưa?
– Nhiệm vụ của đoàn giám sát là nắm tình hình và báo cáo để Quốc hội ra Nghị quyết và giao cho Chính phủ thực hiện, chứ chúng tôi không có thẩm quyền chỉ đạo trực tiếp Bộ. Đây chỉ là báo cáo của đoàn giám sát, phải đưa ra Quốc hội thảo luận rồi mới đưa thành Nghị quyết để giao cho Chính phủ thực hiện. Về phía Quốc hội thì cũng phải ban hành Luật GDĐH đưa tất cả những văn bản từ trước đến nay điều chính GDĐH trở thành pháp luật để hiệu lực cao hơn.
Trong báo cáo, chúng tôi cũng đề xuất Chính phủ đưa ra một lộ trình hợp lý. Lộ trình năm năm là ý kiến của riêng tôi, nó vừa vặn là một nhiệm kỳ của ban lãnh đạo, kế hoạch Nhà nước phát triển KT-XH cũng trong năm năm. Nếu muốn thay đổi thì nó cũng diễn ra từ từ, không đến nỗi chúng ta phải trả giá, gây sốc cho người dân, cho xã hội.
– Báo cáo giám sát khá toàn diện, nhưng phía Bộ GD-ĐT thừa nhận những phần nào, có những phần nào họ còn ý kiến, thưa ông?
– Nhận xét của đoàn giám sát đều có trao đổi với Bộ GD-ĐT, họ cũng phải thừa nhận mặc dù không muốn kết luận như vậy. Họ cũng giải thích những nguyên nhân khách quan chủ quan, nhưng hiện tượng thì không thể phủ nhận được.
Đúng là một phần cũng do luật quy định còn một số bất hợp lý, Quốc hội cũng có một phần trách nhiệm, nhưng nguyên nhân chủ yếu nằm ở phần thực thi. Nếu Bộ thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng chuẩn thì sẽ không xảy ra tình trạng này. Chúng ta cũng cần điều chỉnh lại các định hướng phát triển, trong chỉ tiêu phát triển KT-XH chỉ đưa ra bao nhiêu SV/1 vạn dân mà không có chỉ tiêu nào đáp ứng trình độ chất lượng. Theo tôi cần phải điều chỉnh lại là bao nhiêu người lao động được đào tạo mà đáp ứng yêu cầu chất lượng/tổng số lao động Với cách đặt vấn đề này chúng ta coi trọng cả số lượng và chất lượng. Chỉ tiêu này do Chính phủ đưa ra và Quốc hội giơ tay biểu quyết. Tất cả những điều này đều được nêu trong kiến nghị của đoàn giám sát.
– Sau khi Quốc hội giám sát và đưa ra Nghị quyết, bước tiếp theo là sẽ ban hành Luật GDĐH. Dự thảo Luật GDĐH bao giờ sẽ được thông qua, thưa ông?
– Trong kết luận của báo cáo giám sát, chúng tôi đã đề nghị ưu tiên đưa Luật GDĐH đưa vào chương trình soạn thảo luật của Quốc hội năm 2011. Mặc dù kỳ họp đầu tiên QH khóa XIII vào tháng 3 năm sau chủ yếu làm công tác tổ chức, bầu cử, nhưng dự thảo Luật GDĐH là một trong ba luật được đưa ra hỏi ý kiến và sẽ thông qua ở kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIII.
– Giám sát tối cao của Quốc hội lần này chỉ thực hiện trong lĩnh vực GDĐH. Nhưng thực tế, tất cả các cấp học từ mầm non cho đến THPT đều có vấn đề của nó. Tại sao Quốc hội không thực hiện quyền giám sát các cấp học này?
– Tất cả các cấp học từ mầm non đến THPT cũng có vấn đề, nhưng không bức xúc như ĐH. Vì trường phổ thông quy định đã rất chặt, không thể trường làm kiểu này, kiểu kia. Quốc hội mỗi năm chỉ họp hai kỳ, cả khóa chỉ có tám kỳ. Mỗi kỳ Quốc hội chỉ chọn giám sát tối cao một chuyên đề. Rất nhiều chuyên đề đã được giám sát như đất đai – giải phóng mặt bằng, vệ sinh an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh… Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII tới, chuyên đề giám sát sẽ là cải cách hành chính. Tôi nghĩ trong nhiệm kỳ này, Quốc hội khó có thể tiếp tục giám sát các cấp học khác.
– Xin cảm ơn GS, TSKH Đào Trọng Thi!
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Poll
Ý kiến ()