Chủ nhật, 24/11/2024 19:38 [(GMT +7)]
Giáo dục đại học - bức tranh đáng báo động (kỳ 1)
Thứ 2, 07/06/2010 | 10:01:00 [(GMT +7)] A A
Giáo dục đại học là vấn đề bức xúc nhất được Quốc hội chọn để thực hiện quyền giám sát tối cao của mình trong kỳ họp thứ bảy này. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ấy, đoàn giám sát đã phát hiện nhiều vấn đề rối ren, từ việc thành lập trường ĐH, suất đầu tư cho đến chất lượng đào tạo đang ngày càng xuống cấp so với chuẩn Việt Nam.
Sau đây là cuộc phỏng vấn Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi về bức tranh giáo dục đại học đáng báo động của Việt Nam mà đoàn giám sát ghi nhận được.
Kỳ 1: Loạn cấp phép thành lập trường ĐH
Thời gian qua, rất nhiều trường ĐH đã được Bộ GD-ĐT cấp phép thành lập. Để thu hồi số vốn của mình, những trường này đua nhau xin chỉ tiêu để mong có lãi ngay từ mùa tuyển sinh đầu tiên, bỏ mặc chất lượng không đâu vào đâu.
Chuyên đề giám sát GD ĐH của QH gồm ba vấn đề: thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, về đầu tư và bảo đảm chất lượng GD-ĐT. |
– Được biết, trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã cấp phép thành lập rất nhiều trường ĐH. Thưa GS, TSKH Đào Trọng Thi, ngày 7-6 tới, ông sẽ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giám sát về giáo dục đại học (GDĐH). Đoàn giám sát của Quốc hội đã ghi nhận được những gì trong lần thực hiện quyền giám sát tối cao này?
– Việc thành lập trường trong thời gian qua có hơi dễ dãi, vì thế trong một thời gian không dài, chúng ta thành lập được rất nhiều trường ĐH, CĐ, tạo ra nhiều cơ hội cho thanh niên có nhu cầu học tập được đến trường. Thế nhưng, điều cần nói ở đây là việc thành lập các trường đã không chú ý đến quy định và điều kiện để bảo đảm chất lượng GD-ĐT. Nó thể hiện ở mấy điều: Thứ nhất, trong các hồ sơ thành lập trường, nhà trường cam kết sẽ chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên…, nhưng trên thực tế nhiều trường chưa chuẩn bị được. Và một thiếu sót là cơ quan chủ trì là Bộ GD-ĐT lại không thẩm định một cách nghiêm túc, không tổ chức kiểm tra tại chỗ, thành thử những điều được khai trong hồ sơ không tồn tại trong thực tế, nên các trường được thành lập ra không bảo đảm các điều kiện về đội ngũ giảng viên cũng như các điều kiện về cơ sở khác để thực hiện tốt việc giảng dạy. Tuy thế, Bộ GD-ĐT vẫn cấp phép mở ngành, giao chỉ tiêu đào tạo.
Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục,
thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH
thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH
Gần đây, chúng ta có một phong trào tỉnh nào cũng thành lập trường, đang có CĐ thì nâng lên ĐH, đang có trường trung cấp thì nâng lên CĐ, có những trường trung cấp vừa nâng lên CĐ đã lại lên ĐH. Cho đến nay, có thể nói tất cả các tỉnh thành đều có trường ĐH, CĐ.
Có những trường trước đây chỉ là đào tạo chuyên ngành, thường là sư phạm, vừa qua có phong trào nâng cấp lên thành trường đào tạo đa ngành, khiến cho trường không đủ giáo viên và trang thiết bị để đào tạo những ngành khác, cũng dẫn đến không bảo đảm chất lượng.
– Đoàn kiểm tra phát hiện được bao nhiêu phần trăm những trường không đạt chất lượng? Theo ông nên giải quyết những trường đó như thế nào?
– Nếu nói các trường mới được thành lập có đáp ứng được yêu cầu để thành lập không thì hầu như không. Đó là do quy trình của chúng ta để thành lập trường chưa hợp lý: Chúng ta yêu cầu các trường phải có cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên mới được thành lập, nhưng trên thực tế các trường khi có giấy phép thành lập người ta mới chuẩn bị được những điều kiện đó. Ở đây có chuyện “con gà và quả trứng” cái gì có trước, cái gì có sau, vì thế các trường đều khai báo không đúng, mà chỉ có cam kết thôi. Bộ GD-ĐT muốn để cho việc thành lập trường thực hiện được thì cũng phải châm chước bỏ qua vì trong quy định bất hợp lý này.
Nhưng nếu Bộ châm chước khi thành lập trường thì đáng lẽ phải có bước thứ hai, thành lập xong rồi đến khi cho mở ngành phải kiểm tra thật kỹ thì Bộ lại mặc nhiên sau khi trường có quyết định thành lập rồi thì cũng xét cho mở ngành mà không hậu kiểm. Khi cho mở ngành, giao chỉ tiêu cũng không kiểm tra thực tế. Thế nên mới có ĐH Phan Thiết kê khai thì đầy đủ nhưng khi xuống kiểm tra thì chỉ có mấy phòng của nhà kho và danh sách giảng viên “ma”.
Thường thì Bộ lại căn cứ vào khai báo của trường để giao chỉ tiêu lớn, chưa kể các trường còn tuyển chui. Các trường ngoài công lập đều xin chỉ tiêu nhiều từ 500 đến 1.000 SV để còn thu hồi vốn. Thu học phí cao SV không học nên phải thu học phí thấp, mà học phí thấp thì phải số lượng lớn thì mới bù được. Bài toán hiện nay của các trường đều chạy theo như vậy. Nhà đầu tư hiện nay đều là những nhà đầu tư nhỏ, ít tiền, ít vốn nên không có chuyện đầu tư mà chưa thu hồi vốn chịu lỗ khoảng 5-7 năm mà ngay từ năm đầu đã có lãi. Lương cho các nhà quản lý, đầu tư rất lớn, cỡ chục triệu hoặc trăm triệu đồng/tháng. Họ chạy theo quy mô mà không bảo đảm điều kiện chất lượng. Đó là nghịch lý của chúng ta.
Không thể để người không có vốn cũng kinh doanh GD
– Giả thiết có nghịch lý như vậy và chúng ta phải trả giá cho vài thế hệ học sinh. Với góc độ nhà quản lý, theo ông, chúng ta còn phải trả giá đến bao giờ?
– Không, chúng ta không chấp nhận trả giá. Khi phát hiện lỗ hổng chúng ta phải cùng nhau khắc phục. Thứ nhất, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vừa được thông qua trong kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XII đã khắc phục một phần bằng cách quy định lại quy trình thành lập trường một cách hợp lý hơn, chia làm hai bước.
Bước thứ nhất là cấp phép thành lập trường. Khi có tư cách pháp nhân, trường phải tuyển giảng viên, chỉ khi có giảng viên đầy đủ thì mới được hoạt động và bị kiểm tra hàng năm. Thứ hai, các trường ngoài công lập chúng ta không chấp nhận những người không có tiền mở trường mà chỉ chấp nhận những nhà đầu tư có vốn lớn. Không thể tất cả mọi người đều kinh doanh GD được, mà phải có đầu tư bỏ ra trước để mua trang thiết bị, tuyển giáo viên. Đương nhiên sau một thời gian có thể thu hồi lại số tiền đã bỏ ra.
Còn các trường công lập chúng tôi đề nghị hạn chế những trường ở địa phương, chỉ cho phép thành lập ở những địa phương mà bản thân nguồn thu của địa phương đó không cần TƯ hỗ trợ. Chứ nếu để thành lập trường ở những địa phương nghèo, tiền mà cứ tưởng địa phương bỏ ra lại cũng là tiền do TƯ rót xuống thì số tiền đầu tư cho GD của chúng ta lại càng phân tán nguồn lực TƯ.
– Nhưng những gì ông nói chỉ là chấn chỉnh ở những địa phương thành lập trường mới. Còn những nơi nào nhà đầu tư muốn “hớt váng” thị trường GD, đã thành lập trường rồi thì giải quyết như thế nào?
– Những trường đã thành lập rồi, kể cả những trường đã lâu năm thì thứ nhất hàng năm phải giao chỉ tiêu theo đội ngũ giảng viên, nếu giảng viên ít thì chỉ tiêu chỉ ít thôi, không phải 1.000-2.000 chỉ tiêu nữa mà chỉ còn một đến hai trăm. Thứ hai, cứ chiểu theo quy định cơ sở vật chất 6m2/SV, bây giờ mới chỉ đạt 0,5m2/SV thì sẽ phải tuyển sinh bớt đi. Tất nhiên sẽ nâng dần qua từng năm để đạt định mức quốc gia. Thứ ba, suất đầu tư của Nhà nước cho một trường công lập phải giữ được mức 6 triệu đồng/SV. Vì nó vẫn nằm trong tay Nhà nước, vì trước đây Bộ GD-ĐT đã không thực hiện đúng quy định, giao chỉ tiêu vượt trên năng lực của nhà trường thì bây giờ chỉ giao chỉ tiêu đúng năng lực. Còn những ngành đào tạo không đủ giảng viên thì sẽ không cho phép đào tạo nữa. Vừa qua Bộ GD-ĐT đã cho đóng cửa hơn 100 ngành đào tạo sau ĐH, đó là một thái độ rất cầu thị, nhưng không phải chỉ sau ĐH mà phải rà soát cả đào tạo ĐH nữa.
Kỳ 2: Chất lượng GDĐH không đạt chuẩn … Việt Nam
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()