Thứ 2, 25/11/2024 18:15 [(GMT +7)]
Giáo dục chuyên nghiệp - tầm nhìn mới, hành động mới
Thứ 6, 07/01/2011 | 10:31:00 [(GMT +7)] A A
LSO- Với chiến lược phát triển KTXH giai đoạn 2011-2015, và cả thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trên “nền” của giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp phải đi trước một bước nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động ngày càng rộng mở…
Thực trạng các trường chuyên nghiệp trong tỉnh
Đến cuối năm 2010, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của tỉnh có 6 trường và một số cơ sở dạy nghề, trong đó có 1 trường do Trung ương quản lý và 5 trường của địa phương. Trước yêu cầu đổi mới công tác giáo dục chuyên nghiệp, bước đầu đào tạo theo nhu cầu của xã hội, các nhà trường vừa đào tạo theo “phần cứng”, đảm bảo công bằng trong giáo dục giữa các vùng miền; đồng thời tích cực tuyển sinh theo “phần mềm” theo hướng đa ngành. Vì vậy, số học sinh sinh viên (HSSV) tăng nhanh. Nếu năm 2005, tổng số HSSV vào học các trường CĐ, THCN, dạy nghề của tỉnh chỉ ở mức dưới 3.500, thì quy mô năm 2010 đã là gần 5.000 người. Để đáp ứng nguồn nhân lực cho nhu cầu của thị trường lao động, các trường chủ động mở rộng các chuyên ngành đào tạo, đa dạng hóa ngành nghề, loại hình, từ đào tạo chính quy tập trung, đào tạo tại chức cho đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở, đào tạo theo địa chỉ… gắn dạy nghề với giới thiệu cung ứng việc làm, nâng ngành đào tạo từ dưới 50 ngành năm 2005 lên 93 ngành vào năm 2010. Giáo trình đào tạo được đổi mới, hiện đại hóa, bám sát thực tế sản xuất kinh doanh của địa phương. Bên cạnh đó, để có được đội ngũ lao động vừa đạt kỹ năng chuyên môn cần thiết, vừa có đạo đức, lối sống và hình thành tác phong lao động mới, nhà trường đã tăng cường công tác giáo dục toàn diện cho HSSV.
Chất lượng và hiệu quả đào tạo ngày một nâng lên, học sinh nhiều trường CĐ-dạy nghề của Lạng Sơn đã có trình độ chuyên môn ngang bằng với các trường trung ương và khu vực. Chưa có con số điều tra về “hậu đào tạo”, song phần lớn HSSV tốt nghiệp đã có việc làm chủ yếu trong các loại hình dân doanh, đi làm việc tại các khu công nghiệp phía nam, các tỉnh miền xuôi, xuất khẩu lao động, hoặc về địa phương tự vay vốn tạo việc làm mới, theo hướng “ly nông bất ly hương”. Trong 5 năm qua, các trường chuyên nghiệp và dạy nghề trong tỉnh đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 23% năm 2005 lên 32% năm 2010. Chính đội ngũ này là hạt nhân trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề ở khu vực nông thôn và tăng cường lao động có chất lượng cho các DN.
Tuy vậy, mạng lưới các trường chuyên nghiệp trong tỉnh cũng còn nhỏ bé về quy mô và hạn chế về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của chiến lược phát triển kinh tế trong thời kỳ CNH-HĐH.
Sinh viên Trường CĐ y tế Lạng Sơn thực hành nhận biết các loại thuốc chữa bệnh
Hướng phát triển mới của hệ thống CĐ- dạy nghề
Nhằm đạt mục tiêu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 42% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020, trước hết phải củng cố, đổi mới và phát triển các trường CĐ và dạy nghề.
Theo lộ trình, giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn củng cố và đổi mới hệ thống. Theo đó, chuẩn bị các điều kiện tiến tới thành lập trường Đại học Lạng Sơn trên cơ sở trường CĐSP, nâng cấp trường Trung cấp nghề Việt Đức và trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật lên hệ CĐ; hoàn thiện, ổn định và phát triển trường CĐ Y tế, trường trung cấp (TC) Văn hóa- Nghệ thuật. Thành lập mới trường Trung cấp nghề Đồng Đăng. Đến năm 2015 sẽ có 4 trường CĐ, 2 trường Trung cấp; quy mô tuyển sinh khoảng 15.000 người, trong đó có 10.000 người có trình độ đào tạo dưới 12 tháng.
Giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn sẽ có 1 trường ĐH đa cấp, đa ngành, 3 trường CĐ và 2 trường Trung cấp với quy mô tuyển sinh khoảng 20.000 người; phấn đấu đạt 300 SV/vạn dân.
Cùng với tăng nhanh về “lượng” việc đảm bảo về “chất” là sự sống còn trong việc tồn tại của các nhà trường. Vì trong xu thế hội nhập và hợp tác, rất nhiều trường nghề trong khu vực, cả nước và quốc tế sẽ “ thi nhau tuyển sinh” và dạy nghề. Vì vậy, các điều kiện đảm bảo như CSVC kỹ thuật, mặt bằng, đội ngũ giáo viên, giáo trình, công tác kiến tập, thực tập…cũng như rèn luyện ý thức tác phong công nghiệp cho người lao động trong tương lai cần phải được quan tâm hàng đầu. Đào tạo nghề theo cơ chế thị trường thì “sản phẩm” phải được thị trường “chấp nhận” và sử dụng, phải “đắt hàng”; có như vậy uy tín của các nhà trường, cơ sở đào tạo mới được nâng cao và tránh lãng phí trong công tác đào tạo.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()