Giao ban Khối VHTTDL: Tăng cường phối hợp, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm
Sáng 9/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp giao ban quý I/2018 Khối Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu nhiều công việc, nhiệm vụ cụ thể mà Bộ VHTTDL cần tập trung đôn đốc, chỉ đạo trong thời gian tới. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên cho biết, 2 tháng đầu năm 2018, Bộ đã trình Chính phủ 2 văn bản đề án; đang hoàn thiện 3 văn bản, đề án trình theo đúng tiến độ. Trong 110 nhiệm vụ được giao, đã hoàn thành 7 nhiệm vụ (trong tháng 2, có 6 nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành, đã hoàn thành 5 nhiệm vụ, đang thực hiện 1 nhiệm vụ), đang thực hiện 103 nhiệm vụ.
Các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân đón Tết Mậu Tuất 2018 được tổ chức rộng khắp, gắn với các hoạt động chào mừng 88 năm Ngày thành lập Đảng.
Công tác quản lý, tổ chức Lễ hội Xuân 2018 được tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ trước Tết Nguyên đán. Bộ đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức lễ hội tại 9 tỉnh, thành phố có các điểm di tích đặc biệt, còn nhiều tồn tại, hạn chế trong mùa lễ hội năm 2017; phân công các đơn vị chức năng theo dõi, giám sát tại một số điểm di tích, lễ hội lớn.
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đánh giá: Nhìn chung, các lễ hội đầu Xuân đã được thực hiện đúng quy định, thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Chính quyền địa phương tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn; không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, “chặt chém” khách. Các nghi thức lễ hội có yếu tố bạo lực, gây phản cảm từ những năm trước đã được chỉ đạo chấn chỉnh, quản lý tốt. Nhận thức về việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội của người dân và các ban tổ chức lễ hội được nâng lên rõ rệt.
Đối với công tác thể dục, thể thao, Bộ chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp, tiến tới Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, triệu tập các đội tuyển chuẩn bị tham dự ASIAD 18 tại Indonesia, Đại hội Olympic trẻ tại Argentina, vòng loại Olympic năm 2020 tại Nhật Bản.
Trong lĩnh vực du lịch, hai tháng đầu năm, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, ước đạt hơn 2,8 triệu lượt, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2017. Khách du lịch ước đạt 15,6 triệu lượt, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng thu từ khách du lịch đạt 118.800 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Các ý kiến tại cuộc họp cho rằng cần xác định những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài, cụ thể như việc rà soát, thống nhất nguồn lực để thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa; công tác quản lý lễ hội phải phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tốt đẹp, loại bỏ những hành vi phản cảm, cực đoan…
Đại diện Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã thảo luận một số nội dung về chủ trương sáp nhập các đơn vị văn hoá nghệ thuật ở địa phương, khó khăn trong thực hiện đặt hàng đào tạo nghệ thuật, các tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc….
Từ câu chuyện về vướng mắc cơ chế khiến trong suốt 3 năm gần đây không thể đặt hàng được tác phẩm điện ảnh, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho rằng nếu không tháo gỡ, bố trí đủ nguồn lực thì khó đạt được các mục tiêu về phát triển văn hoá, con người được nêu trong nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Đơn cử, chưa nói đến nhu cầu thực tế mà ngay cả việc bố trí, phân bổ ngân sách cho lĩnh vực văn hoá cũng luôn thấp hơn nhiều so với kinh phí đã được phê duyệt.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng nêu quan điểm việc sáp nhập các đơn vị văn hoá, nghệ thuật ở địa phương không thể làm một cách cơ học mà phải có đánh giá cụ thể nhằm tạo điều kiện tốt hơn nữa trong vận hành thiết chế văn hoá, từ đó nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định việc tổ chức lễ hội năm nay có chuyển biến, các nghi thức lễ hội có yếu tố bạo lực, gây phản cảm trước đây đã được chỉ đạo, chấn chỉnh và quản lý nhưng vẫn còn một số bất cập, thời gian tới phải kiên trì thực hiện, nghiên cứu việc thay đổi cách thức tổ chức để các năm tiếp theo đạt kết quả tốt hơn.
“Tới đây Bộ trưởng Bộ VHTTDL phải trực tiếp chỉ đạo, lựa chọn một số địa phương có lễ hội còn nhiều biểu hiện tiêu cực, phản cảm để xử lý, chấn chỉnh kiên quyết. Lễ hội suy cho cùng là di sản văn hoá nên cần phải có hướng dẫn chi tiết, cụ thể từ lớp sơn, cái cây, ngọn cỏ đến cách đặt, nơi đặt linh vật tại các địa điểm tôn giáo, tín ngưỡng…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Bộ VHTTDL khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, tổ chức lễ hội
Đề cập đến một số vụ việc vừa xảy ra trong trường học, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ VHTTDL cần có kế hoạch làm việc với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTBXH để tham gia chủ động hơn nữa vào công tác xây dựng văn hóa học đường trong sáng, lành mạnh.
“Bộ VHTTDL, Bộ GD&ĐT và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải cùng vào cuộc, tạo sự thống nhất trong thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hoá, phong tặng danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan văn hóa. Trong đó ưu tiên vấn đề văn hóa trong mỗi gia đình bởi gia đình là gốc, từ đó sẽ nâng cao văn hóa của toàn xã hội”.
Trước thực tế một số địa phương có chủ trương giải thể hoặc sáp nhập các đơn vị công lập trong lĩnh vực văn hoá như bảo tàng, thư viện, đoàn nghệ thuật, trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, Phó Thủ tướng cho rằng phải quan tâm, chú ý hơn nữa, nhất là công tác phối hợp giữa Bộ VHTTDL, các bộ ngành liên quan với địa phương, có định hướng rõ ràng, không để tình trạng tự phát.
Về du lịch, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL sớm trình Chính phủ Đề án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đánh giá lại chiến lược phát triển du lịch, quy hoạch khu du lịch quốc gia; kiến nghị mở rộng áp dụng cấp thị thực (visa) điện tử; khắc phục các điểm yếu của môi trường du lịch để Việt Nam trở thành điểm đến đẹp hơn, hấp dẫn hơn; chú trọng đào tạo nhân lực; nâng cao chất lượng phục vụ của cơ sở lưu trú…
Bộ VHTTDL cần đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4.
Phó Thủ tướng cũng nêu một số công việc cụ thể trong thời gian tới mà Bộ VHTTDL phải quan tâm sâu sát hơn nữa. Cụ thể như công tác chuẩn bị tổ chức đại hội của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhằm mục tiếp phát triển bóng đá ở Việt Nam trở thành môn thể thao lành mạnh, trong sạch; phối hợp với Bộ GD&ĐT đẩy mạnh thể thao học đường, thực hiện đề án nâng cao tầm vóc Việt; chấn chỉnh, thay đổi cách thức cấp phép biểu diễn nghệ thuật, bản quyền thi hoa hậu; xử lý nghiêm hành vi quảng cáo sai quy định, phản cảm…
Theo baochinhphu
Ý kiến ()