Giành chính quyền - sự kiện trọng đại của dân tộc
– Cách mạng tháng Tám năm 1945 – Cuộc cách mạng thần kỳ của dân tộc ta, từ thân phận nô lệ, đã “Rũ bùn đứng dậy sáng loà” đến nay vừa tròn 77 năm. Cuộc cách mạng được coi là một kỳ tích trong thế kỷ XX, lật đổ chế độ áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, mở ra một trang sử vẻ vang, chói lọi vào bậc nhất, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước của Nhân dân ta diễn ra mạnh mẽ. Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai, trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương và đề ra 3 nguyên tắc bảo đảm cho Tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: “Tập trung, Thống nhất, Kịp thời”.
Đoàn học viên Công viên địa chất Lạng Sơn nghe giới thiệu về gian khánh tiết tại Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn. Ảnh: TUYẾT MAI
Đúng 23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy Ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1, hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào thông qua “Mười chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh Tổng khởi nghĩa”; quy định Quốc kỳ, Quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức là Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt nổi dậy. Từ ngày 14 đến ngày 18/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra giành thắng lợi ở nông thôn, đồng bằng Bắc bộ, đại bộ phân miền Trung và một phần miền Nam đều đã giành được chính quyền. Sau một thời gian chuẩn bị rất ngắn, Xứ Ủy Bắc Kỳ, Thành ủy Hà Nội đã phát động Nhân dân Hà Nội nổi dậy giành chính quyền. Ngày 19/8/1945, ngay từ sáng sớm, Hà Nội đã rực đỏ màu cờ cách mạng. Hàng vạn nông dân, dân nghèo với các vũ khí thô sơ chiếm đại lý Hoàn Long, tuyên bố thành lập Chính quyền cách mạng. Hàng vạn quần chúng Nhân dân ngoại thành, từ các huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Đan Phượng (Hà Đông), Gia Lâm (Bắc Ninh) mang theo cờ Việt Minh, gậy gộc, mã tấu, dao phát bờ, câu liêm tiến vào nội thành với sức mạnh như thác đổ. Tất cả đều tập hợp trước nhà hát lớn. Cả thành phố Hà Nội như rung chuyển trong tiếng hô khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”, “Chính quyền Nhân dân cách mạng”. ‘Cách mạng thành công muôn năm”, “Lập Ủy ban quân dân cách mạng”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Đả đảo mọi thế lực chống cách mạng Việt Nam”, “Đả đảo xâm lăng”… Đúng 11 giờ, trước hơn 20 vạn người tập trung trước nhà hát lớn, Ủy ban khởi nghĩa đọc Lời kêu gọi Khởi nghĩa.
Sau đó, cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Quần chúng cách mạng có các đơn vị vũ trang dẫn đầu chia thành hai khối lớn đi chiếm các vị trí trọng yếu: Phủ Khâm sai, sở Bưu điện, sở Cảnh sát… Trước sức mạnh áp đảo của quần chúng và lực lượng tự vệ kiên cường, hầu hết các công sở chính quyền địch đều nhanh chóng về tay Nhân dân. Riêng ở trại lính Bảo an, quân Nhật cho xe tăng chặn đầu đoàn biểu tình, nhưng trước khí thế sôi sục của quần chúng, lại được các đồng chí ta thuyết phục, nói rõ chính sách của Đảng, Việt Minh, chúng phải rút lui. Ngày 20/8, Chính quyền cách mạng Hà Nội được thành lập, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời Bắc bộ cũng được tổ chức. Những ngày còn lại của tháng 8/1945, Nhân dân cả nước đã nổi dậy để giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước đã về tay Nhân dân.
Cán bộ Thư viện tỉnh giới thiệu các cuốn sách về lịch sử cho độc giả. Ảnh: LA MAI
Trong bối cảnh đó ở Lạng Sơn, quân Nhật lo sợ, tan rã, tỉnh trưởng bù nhìn Linh Quang Vọng cùng bè lũ tay sai hoang mang cao độ. Ngày 19/8/1945, tại Đồng Mỏ (Ôn Châu), dưới sự lãnh đạo của Ban Việt Minh châu và sự tăng cường của lực lượng vũ trang tỉnh, quần chúng cách mạng đã nhất tề vùng dậy tiến công quân Nhật, làm chủ châu lỵ, Ôn Châu hoàn toàn giải phóng. Cùng ngày tại Hữu Lũng, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng cũng nổi dậy làm chủ phố Mẹt. Ngày 21/8/1945, tại Thất Khê (Tràng Định), dưới sự lãnh đạo của đảng bộ, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng đã nổi dậy tiến công, bao vây, tước vũ khí quân Nhật, làm chủ phố Thất Khê, Tràng Định được giải phóng hoàn toàn. Ngày 22/8/1945, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng đã làm chủ Na Sầm, giải phóng hoàn toàn châu Văn Uyên…
Trươc khí thế của quần chúng cách mạng, ngày 24/8/1945, tại Ba Xã (châu Điềm He), Tỉnh ủy đã họp và đề ra chủ trương: Nhân lúc này phải nhanh chóng giải phóng tỉnh lỵ, thành lập chính quyền cách mạng. Cùng ngày Ban chỉ đạo khởi nghĩa của tỉnh được thành lập. Thực hiện chủ trương đó, rạng sáng 25/8/1945, lực lượng vũ trang cách mạng và quần chúng các vùng lân cận chia làm hai hướng tiến vào thị xã qua các ngả Bằng Mạc, Điềm He. Ngay từ sáng, do có sự chuẩn bị trước, Nhân dân thị xã đã rầm rộ đổ ra các ngõ phố đón chào lực lượng cách mạng. Đúng 13 giờ ngày 25/8, các lực lượng vũ trang đã chiếm lĩnh các vị trí trọng yếu như: sở Mật thám, Kho bạc, sở Dây thép (bưu điện), phá Đề lao giải thoát cán bộ và quần chúng bị dịch bắt, bao vây dinh tỉnh trưởng. Tỉnh trưởng bù nhìn Linh Quang Vọng phải đầu hàng. Ngay chiều hôm đó, Tỉnh ủy đã tổ chức mít tinh trước nhà Chánh xứ cũ của Pháp, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến; công bố 10 chính sách của mặt trận Việt Minh; kêu gọi quần chúng đoàn kết bảo vệ chính quyền cách mạng, tích cực ủng hộ Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Sau đó, lực lượng quần chúng cách mạng đã diễu hành, biểu dương lực lượng qua các phố. Một không khí vui mừng tràn ngập thị xã. Cùng ngày, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Việt Minh Cao Lộc phối hợp với sự tiến công của lực lượng vũ trang cách mạng giành chính quyền ở Cao Lộc, đồng thời, cử các đội vũ trang cách mạng của tỉnh hỗ trợ để giành chính quyền tại huyện Lộc Bình…
Tại Hà Nội, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, Người khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống lại phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải đươc tự do, dân tộc đó phải được độc lập!…Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Đã là người Việt Nam thì ngày 2/9 mang một ý nghĩa không thể nào quên!
Ngay từ đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ II đã bước vào giai đoạn cuối. Hồng quân Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt các nước và tiến thẳng vào sào huyệt của phát xít Đức tại Béclin. Ngày 9/5/1945 , phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngày 8/8/1945, Hồng quân Liên Xô tiến như vũ bão vào quân đội Nhật. Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới thứ II kết thúc. Trước tình hình có lợi cho ta, Đảng ta đã có những quyết sách nhằm đẩy mạnh công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. |
MAI TÙNG
Ý kiến ()