Giảng viên ĐH phải có trình độ thạc sĩ trở lên
|
Tránh tình trạng “cơm chấm cơm”
Nhận xét về dự thảo luật này, Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, nhìn chung, việc xây dựng Dự án Luật GDĐH bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, phù hợp với Hiến pháp; nội dung cơ bản không mâu thuẫn với hệ thống pháp luật hiện hành; hầu hết các vấn đề lớn của GDĐH đã được đề cập trong Dự thảo Luật.
Tuy nhiên, Dự thảo Luật vẫn chưa thể chế hóa rõ ràng một số chủ trương, chính sách lớn, chưa giải quyết thấu đáo, triệt để một số vấn đề quan trọng như phân tầng các cơ sở GDĐH, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH, cơ chế, chính sách đối với các cơ sở GDĐH tư thục phi lợi nhuận và các cơ sở GDĐH tư thục vì lợi nhuận hợp lý. Đồng thời, chưa xử lý tốt mối quan hệ giữa Luật Giáo dục hiện hành (luật chung) và Luật GDĐH (luật chuyên ngành); một số điều, khoản thay vì phải được quy định cụ thể ngay trong Luật thì lại được giao cho các văn bản dưới luật, sẽ gây khó khăn và chậm trễ cho việc triển khai thi hành Luật trong thực tiễn.
Ông Đào Trọng Thi cho biết, về tiêu chuẩn giảng viên (GV), khoản 1 Điều 50 Dự thảo Luật quy định trình độ giảng viên thực hiện theo quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 77 Luật Giáo dục, theo đó trình độ chuẩn của GV đại học là có bằng tốt nghiệp đại học trở lên.
Về vấn đề này, Ủy ban cho rằng trình độ GV phải cao hơn trình độ đào tạo, cụ thể để giảng dạy trình độ cao đẳng, GV ít nhất phải có trình độ đại học, còn để giảng dạy trình độ đại học thì GV phải có trình độ trên đại học. Do đó, đề nghị quy định trình độ chuẩn của GV giảng dạy trình độ đại học phải có trình độ thạc sĩ trở lên.
Đối với những cơ sở GDĐH mới thành lập hoặc ở địa bàn khó khăn thì có thể cho phép tạm tuyển dụng một tỷ lệ nhất định người có trình độ tương đương trình độ đào tạo làm GV với điều kiện sau một thời gian nhất định phải đạt được trình độ chuẩn. Cần bổ sung các điều kiện về khả năng sử dụng ngoại ngữ, CNTT, nghiệp vụ sư phạm,… như những tiêu chuẩn bắt buộc khi tuyển dụng, bổ nhiệm GV.
Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ bắt buộc
Cũng theo báo cáo thẩm tra do ông Đào Trọng Thi trình bày, nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH-CN) là một trong các nhiệm vụ cơ bản của các cơ sở GDĐH, đặc biệt là ở các trình độ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ.
Tuy nhiên, không thể đòi hỏi các cơ sở GDĐH phải thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai ứng dụng KH-CN ở mức độ như nhau. Vì vậy, Ủy ban tán thành với quy định của Dự thảo Luật, theo đó hoạt động KH-CN phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo cần được coi là nhiệm vụ bắt buộc đối với tất cả các cơ sở GDĐH, kể cả các cơ sở GDĐH tư thục, còn đối với hoạt động KH-CN nhằm phát triển kinh tế – xã hội, tạo ra tri thức, sản phẩm mới thì các cơ sở GDĐH cần cân nhắc khả năng về cơ sở vật chất và năng lực đội ngũ cán bộ khoa học của mình để tham gia ở mức độ phù hợp.
Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo Dự án Luật nghiên cứu đưa vào trong Luật những quy phạm pháp luật mang tính nguyên tắc về chính sách ưu tiên đầu tư phát triển KH-CN trong các cơ sở GDĐH và quy định cụ thể chính sách “gắn đào tạo với nghiên cứu và triển khai ứng dụng KH-CN, đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở GDĐH với viện nghiên cứu khoa học, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp” được đề cập tại Khoản 4 Điều 10.
Về kiểm định chất lượng GDĐH, ông Đào Trọng Thi đánh giá đây là hoạt động nhằm mục đích bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, do vậy phải trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các cơ sở GDĐH.
Tuy nhiên, các quy định liên quan đến vấn đề này trong Dự thảo Luật mới chỉ dừng lại ở mức độ đề ra các nguyên tắc cơ bản và khái quát, chưa đủ cụ thể và cũng chưa đề cập rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ sở GDĐH trong công tác kiểm định chất lượng đào tạo.
Ủy ban đề nghị quy định việc tham gia kiểm định chất lượng đào tạo là bắt buộc đối với cơ sở GDĐH và áp dụng các hình thức kiểm định chất lượng bắt buộc, kiểm định chất lượng tự nguyện theo hướng việc kiểm định chất lượng đào tạo phục vụ nhu cầu quản lý của nhà nước thì do cơ quan quản lý nhà nước về GDĐH chỉ định, còn việc kiểm định nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo thì cơ sở GDĐH tự lựa chọn về thời điểm và tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Cần quy định rõ trong Luật về quy trình, chu kỳ kiểm định, quy trình công khai hóa kết quả kiểm định chất lượng đào tạo; chính sách ưu tiên, khuyến khích cơ sở GDĐH tham gia kiểm định chất lượng đào tạo; quy định việc sử dụng kết quả kiểm định làm căn cứ để phân loại chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH, trên cơ sở đó có chính sách đầu tư, giao nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu KH-CN và trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH cũng như chế tài đối với cơ sở GDĐH không đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đào tạo.
Ngoài ra, cần có các quy định cụ thể hơn về điều kiện thành lập và thẩm quyền công nhận, cho phép hoạt động đối với các cơ sở kiểm định chất lượng giáo dục độc lập; việc công nhận kết quả kiểm định chất lượng đào tạo giữa các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; giải quyết tranh chấp về kết quả kiểm định chất lượng đào tạo; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiểm định viên…
Ủy ban cũng đề nghị ban hành một bộ chuẩn quốc gia về chất lượng GDĐH và yêu cầu về chất lượng tối thiểu đối với các chương trình đào tạo đại trà. Theo đó, Luật cần quy định chỉ cho phép thực hiện những chương trình đào tạo bảo đảm yêu cầu về chất lượng tối thiểu và khuyến khích các cơ sở GDĐH nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế về chất lượng GDĐH.
Ngày 4-11, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự thảo Luật GDĐH.
Ý kiến ()