Gian truân Ngàn Chả
(LSO) – Thôn Ngàn Chả, xã Bính Xá, huyện Đình Lập thứ gì cũng thiếu. Thiếu điện, thiếu đường, thiếu cả điểm trường cho lũ trẻ. Nơi đây chỉ có thứ duy nhất không thiếu, đó là hộ nghèo, với tỷ lệ 100%.
Đường vào thôn Ngàn Chả, xã Bính Xá gặp nhiều khó khăn
Gian nan đường vào thôn
Từ trung tâm xã Bính Xá đến thôn Ngàn Chả chừng khoảng 15 km, con đường vào trung tâm thôn chỉ có khoảng 30% đường bê tông. Còn lại là đường đất vắt qua các đỉnh đồi với những con dốc thẳng đứng và các khúc cua “tay áo”. Đường đến Ngàn Chả thực sự là nỗi ám ảnh với những ai đã từng qua.
Thôn Ngàn Chả có 17 hộ với trên 100 nhân khẩu, toàn bộ là dân tộc Dao di cư từ các xã: Mẫu Sơn (Cao Lộc), Nhất Tiến, Nhất Hòa (Bắc Sơn) về đây khai hoang lập thôn từ những năm 1990. Tiếp chúng tôi bằng ấm trà đặc, bà Dương Thị Phương, trưởng thôn Ngàn Chả trầm giọng: Chỉ có trời nắng nhiều ngày thì người ngoài mới có thể vào thôn được. Còn mùa mưa các khe suối nước chảy xiết, thôn bị chia cắt hoàn toàn với xã. Muốn xuống chợ, đi đâu chỉ có cách chờ nước rút hoặc đi bộ, vượt đồi. Giao thông khó khăn, nên đi chợ hầu như là việc của đàn ông.
Từ nhà bà Phương để đến được nhà anh Triệu Tiến Ngân phải đi bộ mất khoảng 20 phút, qua các sườn đồi trên con đường mòn bằng lòng bàn tay. Vợ chồng anh Ngân sinh năm 1975, có 4 người con, các con đầu đã lập gia đình riêng, còn cậu con trai út 13 tuổi đã bỏ học từ năm lên lớp 6 vì nhà xa trường học, hằng ngày cậu phụ giúp bố mẹ làm việc nhà. Theo cậu con trai út của nhà anh Ngân, từ ngày nghỉ học cách đây hai năm, cháu cũng chưa có dịp ra đến trung tâm xã, bởi con đường từ thôn ra trung tâm xã vừa xa lại khó đi.
Mong mỏi của người dân
Không chỉ mong mỏi có đường bê tông, người dân thôn Ngàn Chả còn mòn mỏi chờ ngày có điện lưới sinh hoạt, sản xuất. Hiện nay, để có điện thắp sáng, từ nhiều năm nay, người dân Ngàn Chả tự mua thiết bị điện năng lượng mặt trời, bình ắc – quy tích điện với giá trên 5 triệu đồng để thắp sáng. Thế nhưng nguồn điện này cũng chỉ đủ thắp sáng một đến hai bóng, ngoài ra không dùng được các hoạt động sinh hoạt khác.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Dương Dì Quẩy, một trong những hộ nghèo nhất nhì của thôn. Trong căn nhà lụp xụp, không một vật dụng đáng giá ngoài hai chiếc giường đặt sát tường cùng với đống chăn nhem nhuốc là chỗ ngủ của cả gia đình với 6 nhân khẩu. Anh Quẩy cho biết: Ở thôn, người già đau ốm, bệnh tật, phụ nữ chuyển dạ vào những ngày mưa chỉ còn cách đưa lên cáng khiêng đi gần chục cây số đến chỗ có đường bê tông mới cho lên xe máy ra trung tâm xã. Có những trường hợp đau đẻ đang khiêng đi giữa đường thì sinh em bé ngay lề đường. Tôi chỉ mong một ngày nào đó được Đảng, Nhà nước quan tâm làm con đường bê tông và có điện lưới quốc gia đến tận thôn bản để người dân chúng tôi đỡ vất vả hơn. Có đường, có điện lũ trẻ trong thôn không phải lo chuyện đi học ở dưới xã nữa.
Bà Dương Thị Phương, Trưởng thôn Ngàn Chả cho biết thêm: Có những cuộc họp hay văn bản của xã gửi đến thôn cần triển khai gấp thế nhưng sóng điện thoại không ổn định, đường đi lại khó khăn nên tôi thường xuyên bị nhỡ cuộc họp ở xã hay các văn bản, chủ trương của xã cần triển khai cho người dân trong thôn. Nếu có điện, có đường giao thông thuận tiện, Ngàn Chả sẽ khai thác tốt thế mạnh của mình về trồng rừng, chăn nuôi.
Ông Nguyễn Công Hưng, Chủ tịch UBND xã Bính Xá cho biết: Ngàn Chả là thôn vùng sâu, vùng xa và nghèo nhất xã. Để khắc phục tạm thời khó khăn, thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động người dân trong thôn chung sức củng cố hạ tầng, nhất là giao thông. Cùng với đó, chúng tôi sẽ huy động thêm các nguồn lực, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để người dân Ngàn Chả từng bước vươn lên phát triển kinh tế. Tuy nhiên, xã Bính Xá còn nhiều khó khăn và còn nhiều thôn, bản cách xa trung tâm xã. Do vậy, để tiến tới đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới trong năm tới thì rất cần sự quan tâm, ủng hộ để xã có thêm nguồn để đầu tư xây dựng các công trình, hạ tầng, nhất là các công trình tại thôn Ngàn Chả.
Ý kiến ()