LSO-Công Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Cao Lộc. Toàn xã có 250 hộ dân, trong đó 99,5% dân số là bà con dân tộc Dao, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Công Sơn vừa mừng vừa lo. Mừng là bởi từ đây, xã xây dựng được kế hoạch dài hơi cũng như định hướng được cho bà con hướng phát triển kinh tế nâng cao đời sống. Lo là vấn đề huy động nguồn lực để cải thiện hệ thống hạ tầng, kinh tế-xã hội phù hợp các tiêu chí nông thôn mới tại một xã vùng cao đặc thù như Công Sơn. Ruộng bậc thang ở xã Công Sơn, huyện Cao Lộc hôm nayÔng Triệu Sáng Phúc, Chủ tịch UBND xã Công Sơn băn khoăn: với diện tích tự nhiên rộng, địa hình chia cắt, dân cư sống không tập trung, hạ tầng kinh tế-xã hội thiếu thốn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế đang là những trở ngại lớn cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc...
LSO-Công Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Cao Lộc. Toàn xã có 250 hộ dân, trong đó 99,5% dân số là bà con dân tộc Dao, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Công Sơn vừa mừng vừa lo. Mừng là bởi từ đây, xã xây dựng được kế hoạch dài hơi cũng như định hướng được cho bà con hướng phát triển kinh tế nâng cao đời sống. Lo là vấn đề huy động nguồn lực để cải thiện hệ thống hạ tầng, kinh tế-xã hội phù hợp các tiêu chí nông thôn mới tại một xã vùng cao đặc thù như Công Sơn.
Ruộng bậc thang ở xã Công Sơn, huyện Cao Lộc hôm nay
Ông Triệu Sáng Phúc, Chủ tịch UBND xã Công Sơn băn khoăn: với diện tích tự nhiên rộng, địa hình chia cắt, dân cư sống không tập trung, hạ tầng kinh tế-xã hội thiếu thốn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế đang là những trở ngại lớn cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2020. Theo thống kê của UBND xã Công Sơn, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội một thời gian dài rất chậm phát triển. Thực hiện chương trình 135, 134 và một số chương trình đầu tư phát triển khác, trong những năm qua toàn xã đã làm được trên 141 km đường giao thông nhưng chỉ có gần 10 km đường là có thể đi lại thuận tiện trong 4 mùa, có 20% tổng số hộ và 2/9 thôn được sử dụng điện sinh hoạt. Văn hóa, giáo dục, y tế cũng chậm phát triển. Hiện tại trên địa bàn xã, cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở vẫn học chung một điểm trường và còn 7 thôn chưa có nhà văn hóa; trạm y tế xã chưa đạt chuẩn…Từ thực trạng cơ sở hạ tầng và cơ sở kinh tế còn nhiều yếu kém, xã Công Sơn đã đề ra nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống của nhân dân, như tập trung hình thành các khu vực sản xuất lúa chuyên canh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ; tranh thủ các nguồn vốn, huy động mọi nguồn lực cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, đẩy mạnh trồng, chăm sóc rừng…Nhưng để hiện thực hóa các nội dung này, xã cũng vấp phải nhiều vấn đề nan giải. Theo ông Hoàng Trần Lỉ, Phó Chủ tịch UBND xã thì cái khó nhất hiện nay chính là việc thay đổi thói quen sản xuất nông nghiệp lạc hậu vốn ăn sâu vào tư duy cũng như cách làm của bà con trong suốt nhiều năm qua và làm thế nào để chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân trong lúc nông nhàn. Hiện tại, toàn xã có diện tích đất trồng lúa khoảng 70 ha, hơn 10 ha đất trồng màu và số lao động trong độ tuổi tới 840 người và có tới 90% là lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Với chương trình 135 giai đoạn 2, bà con nông dân hàng năm đều được nhà nước hỗ trợ phát triển sản xuất và tham gia các chương trình tập huấn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhưng sau tập huấn, bà con vẫn làm theo nếp cũ.
Mặc dù triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Công Sơn trong thời gian tới còn lắm chông gai, nhưng qua một ngày đi khảo sát thực tế tại thôn Phiêng Luông một thôn khi đường chưa tới, điện chưa đến, chúng tôi vẫn bắt gặp những đàn trâu nhẩn nha ăn cỏ bên những đồi thông xanh mát mắt xen lẫn những thửa ruộng bậc thang phủ kín một màu lúa chín. Từ những gì mắt thấy tai nghe tại thôn khó khăn nhất nhì của xã Công Sơn, chúng tôi tin tưởng tương lai không xa, bộ mặt nông thôn vùng cao xã Công Sơn sẽ thay da đổi thịt.
Công Quân
Ý kiến ()