Gian nan tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng ở Brazil
Sau nhiều tranh cãi, Tòa án Tối cao Brazil quyết định cho phép cảnh sát thẩm vấn Tổng thống M.Temer liên quan những cáo buộc tham nhũng trong vụ bê bối của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Ðộng thái mới này tiếp tục vẽ nên viễn cảnh không mấy sáng sủa cho bức tranh chính trị đang "rối như canh hẹ" ở Brazil, cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới đà khôi phục tăng trưởng kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này.
Bắt nguồn từ vụ tham nhũng liên quan nhiều chính trị gia gây rúng động dư luận của Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil Petrobras từ đầu năm 2014, sau hơn ba năm, cuộc khủng hoảng chính trị được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong lịch sử Brazil vẫn chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết. Mới đây, chính trường Brazil lại rơi vào cảnh chao đảo khi xuất hiện đoạn băng ghi âm được cho là nhằm tố cáo Tổng thống M. Temer. Theo đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn thực phẩm hàng đầu thế giới JBS G.Ba-ti-xta giao nộp cơ quan điều tra Brazil đoạn băng ghi âm ông M. Temer “lót tay” nhân chứng nhằm giấu thông tin về vụ Petrobras. Trước đó, người đứng đầu chính quyền Brazil cũng bị cáo buộc liên quan các khoản tài trợ bất hợp pháp trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2014. Ðáp lại, ông Temer khẳng định sẽ không từ chức, đồng thời yêu cầu Tòa án Tối cao Brazil ngừng cuộc điều tra tới khi xác minh được các chứng cứ.
Trong khi những tranh cãi giữa các bên về tiến trình điều tra Tổng thống chưa ngã ngũ, trước sức ép từ các cáo buộc, các đảng Xã hội (PSB), Nhân dân xã hội (PPS), Lao động quốc gia (PTN) và Nhân văn đoàn kết (PHS) thuộc liên minh cầm quyền của ông Temer tuyên bố chia tay người đứng đầu nhà nước và kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm. Ðộng thái này khiến dư luận thế giới không khỏi lo ngại trước nguy cơ tan rã tiềm tàng của liên minh cầm quyền, cũng như khiến nền kinh tế lớn nhất Mỹ la-tinh trở nên bấp bênh sau khi chớm xuất hiện dấu hiệu phục hồi.
Số liệu từ Văn phòng thống kê quốc gia Brazil (IBGE) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp tại Brazil trong tháng 4 vừa qua giảm nhẹ xuống mức 13,6% so mức 13,7% của tháng trước đó, lần đầu tỷ lệ này giảm kể từ năm 2014. Trước đó, sau nhiều nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh tế, Ngân hàng trung ương Brazil thông báo, nền kinh tế đang trên đà phục hồi. GDP trong quý I năm nay đạt tăng trưởng 1% so quý trước đó, đánh dấu mức tăng trưởng dương lần đầu sau hai năm suy thoái liên tiếp. Tuy bức tranh kinh tế có thêm những điểm sáng mới, song giới chuyên gia nhận định, ba tháng tăng trưởng chưa đủ để giúp Brazil thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế, mà cần tăng trưởng hơn nữa trong hai quý tới.
Phát biểu ý kiến tại một sự kiện chính trị, Tổng thống M. Temer nhận định, quốc gia lớn nhất Mỹ Latin đang trải qua giai đoạn xung đột thể chế căng thẳng với ba nhánh, gồm tư pháp, lập pháp và hành pháp mâu thuẫn chung quanh cuộc điều tra hối lộ kéo dài hơn ba năm qua. Hiện tại, hy vọng lớn nhất của chính quyền cũng như người dân Brazil là làm sống lại nền kinh tế bằng các biện pháp kiềm chế lạm phát, giảm thâm hụt ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế. Với việc Brazil chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổng thống M. Temer hy vọng sẽ giúp thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc thực hiện các cải cách này thông qua hệ thống chính trị đang bị chia rẽ sẽ là một nhiệm vụ khó khăn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()