Gian nan sự học ở trường Tiểu học, THCS Tân Yên
LSO-Nằm cách thị trấn Thất Khê gần 40km, trải qua nhiều đoạn đường lên xuống dốc, ngôi trường Tiểu học, THCS xã Tân Yên, huyện Tràng Định hiện ra trước mắt chúng tôi giản dị đến đơn xơ. Trong tiết trời se lạnh cuối mùa, không còn rét buốt, nhưng nhìn dãy phòng học chỉ bằng tranh tre xiêu vẹo, mái lợp proxi măng, quanh năm lộng gió, mùa đông thì rét buốt, mùa hè thì oi nóng, chúng tôi không khỏi xót xa. Toàn trường có 9 phòng học thì có 6 phòng học tạm bợ như thế này. Nhà công vụ giáo viên còn thiếu, phòng làm việc chật hẹp. Các cháu ở bậc học mầm non không có không gian, đồ chơi ngoài trời. Nhất là Tân Yên là một xã vùng 3, đại đa số con em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa trường học, mà nhà bán trú của nhà trường chỉ đáp ứng được 25 em học sinh. Vẫn còn gần 20 em học sinh phải trọ học ở ngoài nhà dân hoặc dựng những lán lều tạm xiêu vẹo, dù tuổi còn nhỏ nhưng các em phải tự chăm sóc bản thân, tự kiếm củi, nấu ăn. Em Triệu Minh Thảo – học sinh lớp 9 cho biết: Bố mẹ em dựng cho em một lều tạm ngay cổng nhà trường để em có chỗ để ở và học tập, thường ngày nếu có tiền em mua thêm đậu để ăn, còn không thì ăn rau rừng do mình tự kiếm.
Học sinh xã Khánh Long (Tràng Định) trở về nhà sau giờ học – Ảnh: Thanh Hòa |
Trong điều kiện học tập như thế, từ chỗ ăn ở, ngủ đến chỗ học tập của cả giáo viên, học sinh đều thiếu thốn, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được tâm huyết của các thầy cô giáo qua từng lời giảng, thấy được niềm say mê học tập qua từng ánh mắt, gương mặt của các em. Có được điều đó, không chỉ nỗ lực của các thày cô, các em mà là sự chung tay của cha mẹ học sinh – những con người quanh năm chỉ quanh quẩn bên nương rẫy, dù khó khăn đến đâu cũng cố gắng cho con em mình đến trường. Có mặt từ rất sớm để đưa con đi học, anh Trần Văn Dũng ở thôn Phai Khao, xã Tân Yên nhà cách trường 7 km đường rừng khó khăn, lại đang đợi con để đưa con về. Qua câu chuyện chúng tôi được biết, anh cũng đã dựng cho cháu một cái lều tạm để cháu không phải đi đi về về vất vả. Tuy nhiên thi thoảng anh vẫn ra đưa thêm thức ăn cho con, xem cái lều tạm có cần phải sửa sang gì không? Nếu ngày nào con chỉ học buổi sáng thì ra đón về ăn cơm cùng gia đình. Quả thật sự học ở vùng đất khó làm chúng tôi nhói lòng, vì những mong muốn tưởng chừng rất đơn giản ở miền xuôi, vùng đô thị thì ở đây có phần như xa vời. Bao giờ mới có có lớp học kiên cố, bao giờ mới có nhà bán trú đầy đủ cho tất cả các em, bao giờ thì con đường đến trường bớt trơn trượt, vẫn là câu hỏi đang đặt ra.
Mặc dù khó khăn là thế, nhưng trong năm học 2011 – 2012 trường Tiểu học, THCS xã Tân Yên vẫn thu được những kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ huy động đến lớp và duy trì sỹ số từ mầm non đến THCS đạt 100%. Tỷ lệ học sinh khá giỏi chiếm 33/64, bằng 51%, có 2 học sinh giỏi cấp huyện; 22/23 giáo viên đạt lao động tiên tiến, có 2 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp huyện… Trao đổi với chúng tôi, ông Bế Đức Thanh – Phó hiệu trưởng trường Tiểu học, THCS Tân Yên cho biết: “Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể và hội cha mẹ học sinh đến công tác giáo dục của nhà trường. Đội ngũ giáo viên trẻ có trình độ chuyên môn nhiệt tình trong công tác, có trách nhiệm trong công việc được giao. Chỉ mong muốn trong thời gian tới, nhà trường sẽ được quan tâm hơn nữa về cơ sở vật chất để thầy trò nhà trường hoàn thành nhiệm vụ năm học tốt hơn”.
Ý kiến ()