Gian nan như thu nợ thuế
LSO-Do nhiều yếu tố khách quan, tình hình nợ đọng thuế ở Lạng Sơn ngày càng có xu hướng gia tăng. Với các khoản nợ phải cưỡng chế thì việc thu hồi cực kỳ khó khăn do chính sách chậm, nặng về thủ tục và sự phối hợp giữa các cơ quan chưa cao nên thu nợ thuế vẫn còn quá gian nan.
LSO-Do nhiều yếu tố khách quan, tình hình nợ đọng thuế ở Lạng Sơn ngày càng có xu hướng gia tăng. Với các khoản nợ phải cưỡng chế thì việc thu hồi cực kỳ khó khăn do chính sách chậm, nặng về thủ tục và sự phối hợp giữa các cơ quan chưa cao nên thu nợ thuế vẫn còn quá gian nan.
Cán bộ phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Cục Thuế tỉnh thống kê các khoản nợ thuế của doanh nghiệp |
Tính đến thời điểm hiện nay tổng số nợ thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã lên tới trên 77,9 tỷ đồng, chiếm 9,53% dự toán ngân sách năm 2013. So với thời điểm đầu năm số nợ thuế đã tăng trên 33,56 tỷ đồng. Trong đó số nợ quá hạn phải cưỡng chế đã lên tới trên 32,2 tỷ đồng. Có thể nói, chưa bao giờ ngành thuế Lạng Sơn lại phải gánh số nợ đọng cao đến thế. Những năm trước so với nay mặc dù dự toán không chênh lệch quá lớn nhưng số nợ cũng chỉ du di khoảng 20 đến 25 tỷ đồng, trong đó chiếm quá nửa là nợ của doanh nghiệp đã phá sản.
Ông Trần Đức Long, Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Cục Thuế tỉnh bộc bạch: Nợ thuế có rất nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là do doanh nghiệp không còn khả năng hoạt động. Một số nữa được đình, giãn, hoãn; một phần do khâu quản lý chưa chặt dẫn đến các doanh nghiệp “bốc hơi” nhưng số thuế vẫn nợ và chưa thể xóa được. Trong đó cũng có những doanh nghiệp trây ì, chiếm dụng vốn. Một số doanh nghiệp thà chịu nợ để lấy tiền thanh toán với ngân hàng, vì số phạt nợ thuế thấp hơn với lãi suất ngân hàng. Với các nhóm nợ này thu hồi nợ là một việc cực kỳ khó khăn. Về cơ chế cấp phép hoạt động doanh nghiệp, hiện nay là do Sở Kế hoạch và Đầu tư, khi doanh nghiệp đủ thủ tục Sở không thể từ chối cấp phép. Trước kẽ hở vể chính sách, hàng loạt các doanh nghiệp siêu nhỏ ra đời. Những doanh nghiệp này có thể dừng hoạt động bất kỳ lúc nào mà không cần báo trước và số nợ đọng cũng bị phớt lờ. Khi cơ quan thuế gửi thông báo cưỡng chế đến trụ sở doanh nghiệp thì họ chỉ có mỗi tấm biển quảng cáo, còn doanh nghiệp đã dừng hoạt động từ lúc nào không ai biết. Trong số nợ thuế của doanh nghiệp thì nợ của doanh nghiệp địa phương tăng 216,3% tương đương trên 6,3 tỷ đồng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nợ tăng 525,5%, tương đương 1,5 tỷ đồng. Với các doanh nghiệp này hầu như họ kinh doanh không có hiệu quả do hàng hóa không tiêu thụ được, không ít doanh nghiệp phải thu hẹp bộ máy, phải cắt giảm tiền lương và rơi vào nguy cơ phá sản. Khi thực hiện các thủ tục cưỡng chế tài khoản của họ đều âm.
Ông Đào Văn Hải, Giám đốc Công ty Thành Đạt chia sẻ, phần lớn nợ kéo theo phản ứng dây chuyền, lĩnh vực nợ lớn tập trung vào các doanh nghiệp xây dựng cơ bản, hoặc các doanh nghiệp đang đầu tư dịch vụ. Do suy thoái kinh tế, họ không đảm bảo việc làm, hàng không tiêu thụ được dẫn đến nợ đọng dây chuyền, đẩy số nợ thuế lớn lên. Nếu một doanh nghiệp không trả nợ được thì sẽ kéo theo hàng chục doanh nghiệp không trả nợ nổi. Có những doanh nghiệp nợ đã tồn đọng vài năm nên khó khăn cho cơ quan thuế khi xử lý nợ đọng. Cùng với , khi đã phải xử lý cưỡng chế một mình cơ quan thuế khó có thể thực hiện được mà cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ngành liên quan. Hơn nữa, thực hiện một quy trình cưỡng chế hiện nay thủ tục khá rườm rà và hiệu quả chưa cao.
Theo ông Trần Đức Long, cơ quan thuế chỉ xử lý về khâu thủ tục, còn lại là sự hỗ trợ của các ban ngành, vì thu ngân sách là nhiệm vụ chung. Tuy nhiên nhiều đơn vị phối hợp còn hiểu chưa đúng công tác thuế, về thu hồi nợ đọng nên dẫn đến hiệu quả thu hồi, cưỡng chế chưa đạt như mong muốn. Một khó khăn nữa trong thu hồi nợ là luân chuyển chứng từ giữa kho bạc, ngân hàng và thuế còn chậm nên việc nắm bắt thông tin để xử lý quản lý cưỡng chế nợ thuế đạt hiệu quả chưa cao. Nếu tính tổng nợ hiện nay là trên 77,9 tỷ đồng (tính cả nợ chuyển từ năm 2012) diện phải cưỡng chế là trên 32,2 tỷ đồng nhưng thực tế đến nay mới cưỡng chế được 19 triệu đồng. Trong số 77,9 tỷ đồng mới thu hồi được trên 15 tỷ đồng. Một con số còn thấp nhưng cũng đủ để khẳng định sự cố gắng của những người làm công tác thu nợ, khẳng định cả loạt vấn đề gian nan trong thu nợ.
Năm 2013, mặc dù tình hình kinh tế đã có bước phục hồi nhưng với các doanh nghiệp, khó khăn vẫn đang chất chồng. Dự báo tình hình nợ đọng sau giãn, giản sẽ có nguy cơ gia tăng. Như vậy, đây lại là một gian nan mới trong công tác thu hồi nợ đọng.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()